Sẽ cưỡng chế cơ sở gây ô nhiễm

10/03/2012 03:58 GMT+7

Ngày 9.3, Thanh tra Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) TP.HCM đã họp cùng đại diện Phòng TN-MT Q.12 tìm giải pháp chấm dứt tình trạng ô nhiễm tại khu phố 4, 5 P.Đông Hưng Thuận mà Báo Thanh Niên đã phản ánh.

Ngày 9.3, Thanh tra Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) TP.HCM đã họp cùng đại diện Phòng TN-MT Q.12 tìm giải pháp chấm dứt tình trạng ô nhiễm tại khu phố 4, 5 P.Đông Hưng Thuận mà Báo Thanh Niên đã phản ánh.

Sau khi rà soát lại danh sách các cơ sở, công ty đang hoạt động gây ô nhiễm tại KP.4, KP.5 gồm: Công ty Thiên Phú Thịnh, Công ty Song Thành, Công ty Việt Phát và các cơ sở Vũ Văn Rạng, Nguyễn Quốc Huy, Phạm Văn Long và Thanh Duẩn, các thành viên dự họp đều nhất trí là sẽ tổ chức cưỡng chế. Lý do, bởi các công ty, cơ sở này không có chức năng kinh doanh, sản xuất trong lĩnh vực nhuộm nhưng vẫn hoạt động nhuộm trái phép. Các bên thống nhất giao trách nhiệm cho quận 12 tổ chức cưỡng chế và đình chỉ hoạt động các cơ sở, công ty này vì kinh doanh sai phép.

Đại diện Phòng TN-MT Q.12 cho biết hiện đã thành lập tổ công tác và chuẩn bị các bước để tiến hành kiểm tra, xử lý các cơ sở vi phạm về môi trường trên địa bàn. Đối với những công ty, cơ sở còn lại do được thành phố cấp phép kinh doanh nên vấn đề xử lý sẽ thuộc trách nhiệm của thành phố. Đại diện Thanh tra Sở TN-MT cho biết thời gian tới sẽ phối hợp với quận 12 thường xuyên thanh tra đột xuất, nếu phát hiện vi phạm sẽ tiến hành xử phạt và kiến nghị thành phố ra quyết định cưỡng chế ngay, kiên quyết không để tình trạng gây ô nhiễm môi trường tiếp diễn. Đồng thời, sẽ kiến nghị thành phố có kế hoạch hỗ trợ các doanh nghiệp di dời ra khỏi khu vực dân cư.

Còn nhiều vướng mắc

Tại buổi họp, một vấn đề được các đại biểu bàn luận nhiều nhất là biện pháp cưỡng chế. Hầu hết các quyết định xử phạt của UBND TP.HCM đối với các doanh nghiệp, ngoài biện pháp phạt tiền còn có biện pháp bắt buộc khắc phục hậu quả là chấm dứt ngay hành vi gây ô nhiễm môi trường. Nếu trong thời hạn 10 (hoặc 30) ngày doanh nghiệp không chấp hành sẽ bị cưỡng chế.

Tuy nhiên, chấm dứt hành vi gây ô nhiễm cụ thể là như thế nào, cưỡng chế ra sao, bằng hình thức, biện pháp như thế nào thì quyết định lại không nói rõ, khiến những người có trách nhiệm thực hiện rất lúng túng. Đó cũng là một kẽ hở trong quy định, dẫn đến tâm lý “ngại” cưỡng chế. Thực tế đã cho thấy, khi đoàn kiểm tra đến thì doanh nghiệp ngừng xả chất thải, khi đoàn kiểm tra về thì doanh nghiệp lại xả tiếp. Thậm chí có trường hợp doanh nghiệp bị niêm phong lò hơi, khi đoàn kiểm tra vừa ra về thì lại mở niêm phong ra hoạt động tiếp.

Một vấn đề khác đáng quan tâm nữa đó là tình trạng thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan có thẩm quyền. Có nhiều cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xử phạt về môi trường như: Cảnh sát môi trường - Bộ Công an, Công an thành phố, Sở TN-MT, UBND TP… nhưng không thực sự hiệu quả do sự chồng chéo thẩm quyền. Có những doanh nghiệp như Công ty Tân Phú Cường, hộ kinh doanh Dũng Tâm… lúc thì Công an thành phố kiểm tra, tham mưu UBND TP ra quyết định xử phạt, lúc thì do Thanh tra Sở tham mưu, các quyết định xử phạt có khi chỉ cách nhau vài tháng. Nhiều cơ quan cùng tham mưu xử phạt vậy thì trách nhiệm kiểm tra, dõi việc chấp hành của doanh nghiệp sau khi xử phạt thuộc về cơ quan nào?

Dường như ta đang thiếu một tổng chỉ huy trong công tác bảo vệ môi trường nên dù có nhiều cơ quan có thẩm quyền nhưng lại mạnh ai nấy làm. Đó là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng “lờn luật” của các doanh nghiệp. Nên chăng, khi ra một quyết định, người ban hành quyết định cần đưa ra một biện pháp cưỡng chế cụ thể, chẳng hạn ấn định thời gian hoàn thiện hệ thống xử lý, nếu hết thời hạn mà doanh nghiệp không làm được thì rút giấy phép, đình chỉ hoạt động?

Hải Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.