Sẽ dứt 'điệp khúc' chính quyền xin lỗi dân vì trễ hẹn

11/02/2017 09:32 GMT+7

UBND TP.HCM đang quyết liệt siết lại quy định trễ hẹn thủ tục hành chính bởi còn nhiều sở ngành, quận huyện cứ “điệp khúc” gửi thư xin lỗi nhưng vẫn chậm trễ giải quyết hồ sơ, giấy tờ cho người dân.

7.830 thư xin lỗi/năm
Ông T.Đ.K (ngụ Q.10) kể đã từng nhận thư xin lỗi của chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) Q.Bình Tân nhưng rồi sau đó vẫn chậm giải quyết hồ sơ của ông. Ngày 22.4.2016, chi nhánh này nhận hồ sơ của ông K. về cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đến ngày 7.6.2016 hẹn trả kết quả thì bị trễ hẹn, nhưng không thấy xin lỗi. Mãi 1 tháng sau, ông K. mới nhận thư xin lỗi ghi ngày 6.7.2016 của chi nhánh, chỉ hứa cố gắng giải quyết trong thời gian sớm nhất. Ông Khoa cho biết khoảng 1 tháng sau khi nhận thư xin lỗi, hồ sơ của ông mới được giải quyết!
Bà Phạm Thị Ngọc Diệu, Phó chủ tịch UBND Q.Bình Tân, cho biết năm 2016 UBND quận phải gửi hơn 7.830 thư xin lỗi người dân do hồ sơ trễ hẹn, trong đó có 103 thư xin lỗi của các cơ quan thuộc quận quản lý, số còn lại hơn 7.700 thư xin lỗi thuộc chi nhánh VPĐKĐĐ Q.Bình Tân (thuộc Sở TN-MT TP.HCM).
Theo bà Diệu, việc trễ hẹn về thủ tục hành chính, nhất là hồ sơ liên quan đến nhà đất do nhiều nguyên nhân: chưa đồng bộ giữa quy hoạch đô thị và kế hoạch sử dụng đất, tình trạng chuyển nhượng, bán giấy tay nhà đất nhiều nên khi nhận hồ sơ nhân viên mất nhiều thời gian xác minh; quy định luật Đất đai năm 2013 tập trung hồ sơ về VPĐKĐĐ và Sở TN-MT TP.HCM dẫn đến nhiều bất cập ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân ở quận... “Tuy nhiên, nói gì thì nói, nguyên nhân trễ hẹn cũng từ cán bộ, công chức ở quận chưa làm việc hết trách nhiệm của mình dẫn đến hồ sơ sai sót rồi kéo dài”, bà Diệu nói.
Cũng như Q.Bình Tân, phần lớn thư xin lỗi của các quận, huyện khác tập trung ở thủ tục nhà đất. Về phía sở ngành, năm 2016 Cục Thuế TP đứng đầu về số lượng thư xin lỗi người dân khi phải gửi tới 4.087 thư; Sở Y tế gửi 134 thư xin lỗi, Sở Du lịch gửi 10 thư, Sở TN-MT có 5 thư xin lỗi. Ngoài ra, theo Sở Nội vụ, một số sở có phổ biến và triển khai thực hiện thư xin lỗi nhưng trong thực tế chưa nghiêm túc thực hiện như Sở NN-PTNT, Sở GD-ĐT...

Trong năm 2017 phải chấm dứt tình trạng thư xin lỗi tăng lên. Nếu vẫn tăng thì phải xem lại trách nhiệm cán bộ, trước hết là cán bộ trực tiếp làm, sau đó là trách nhiệm của cán bộ quản lý, phụ trách

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến

Phải xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cá nhân
UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch kiểm tra tình hình thực hiện thư xin lỗi trong trường hợp giải quyết thủ tục hành chính trễ hạn trên địa bàn TP. Trong quý 1/2017, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến kiểm tra tại 4 sở gồm: Sở Du lịch, Công thương, Y tế, LĐ-TB-XH và các quận: 2, 4, 5, 10 và Bình Tân.
Đoàn kiểm tra sẽ kiểm tra đột xuất tại bộ phận tiếp nhận, xử lý và trả kết quả tại các đơn vị nói trên, cùng chấp hành các quy định về thực hiện thư xin lỗi trong trường hợp giải quyết thủ tục hành chính trễ hạn. Ngoài ra, đoàn cũng kiểm tra kết quả xử lý đối với các cá nhân, cơ quan, đơn vị giải quyết trễ hạn.
Đặc biệt là xử lý ngay trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ngành và UBND các quận, huyện chưa triển khai hoặc triển khai chưa nghiêm túc quy định về thư xin lỗi.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết chấn chỉnh tình trạng hồ sơ trễ hẹn là một trong những trọng tâm cải cách hành chính của TP trong năm 2017 và những năm tiếp theo, đảm bảo phải tăng tỷ lệ đúng hẹn gần đến con số tuyệt đối. Đó là cơ sở đánh giá trách nhiệm người đứng đầu sở ngành, quận, huyện.
“Trong năm 2016, TP khuyến khích các đơn vị trung thực, phải cầu thị, tức sai thì phải xin lỗi dân. Thất hứa với dân mà không xin lỗi là không được. Tuy nhiên, không phải để xin lỗi hoài, nhưng qua thư xin lỗi đó, TP cũng kiểm soát được cơ quan, đơn vị trực thuộc nào giải quyết tốt hay là “ngâm” hồ sơ hành chính của dân”, ông Tuyến nói và khẳng định: “Trong năm 2017 phải chấm dứt tình trạng thư xin lỗi tăng lên. Nếu vẫn tăng thì phải xem lại trách nhiệm cán bộ, trước hết là cán bộ trực tiếp làm, sau đó là trách nhiệm của cán bộ quản lý, phụ trách. Nếu ai không làm được thì phải bị đổi đi chỗ khác, thậm chí phải bị xử lý trách nhiệm cá nhân nữa”.
Theo Phó giám đốc Sở Nội vụ TP Lê Hoài Trung, TP thực hiện việc gửi thư xin lỗi dân khi chậm trễ giải quyết thủ tục hành chính, nhưng trên thực tế, số lượng hồ sơ chậm trễ tại nhiều quận, huyện, sở ngành vẫn không giảm. “Việc này cần phải được kiểm tra, xử lý nghiêm vì để kéo dài thì dẫn đến gây mất uy tín chính quyền”, ông Trung nói.
Theo chuyên gia về cải cách hành chính Diệp Văn Sơn, việc đề ra thư xin lỗi như vừa rồi là để sửa chữa, khắc phục hoặc xử lý nghiêm những người làm chậm. Tuy nhiên, trong thời gian qua, dù nhiều ngành, quận huyện chậm trễ nhưng không có ai bị xử lý vì “trễ hẹn” cả. “Biết xin lỗi là tốt nhưng xin lỗi hoài thì người dân có thể thiếu niềm tin”, ông Sơn nói.
Phân cấp để không còn trễ hẹn
Trao đổi với PV Thanh Niên chiều 10.2, Giám đốc Sở TN-MT TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng cho biết luật Đất đai năm 2013 có quy định tổ chức VPĐKĐĐ một cấp, tức là gom các chi nhánh VPĐKĐĐ quận, huyện lại và các hồ sơ chuyển đổi, cấp mới về nhà đất của tổ chức, cá nhân đều do Ban Giám đốc Sở TN-MT ký. Tuy nhiên, TP.HCM có lượng hồ sơ quá nhiều, năm 2016 có gần 50.000 hồ sơ dẫn đến quá tải. Việc quá tải tất yếu không tránh khỏi trễ hẹn, rồi lại tiếp tục xin lỗi người dân.
Vừa qua TP.HCM kiến nghị việc ký các hồ sơ như trên nên phân cấp cho chi nhánh VPĐKĐĐ quận, huyện như trước đây. Trong Nghị định 01/2017 sửa đổi Nghị định 43/2014 hướng dẫn thi hành luật Đất đai năm 2013 cho phép tùy vào điều kiện các tỉnh, thành phố mà kiến nghị ban giám đốc sở TN-MT ủy quyền cho ban giám đốc VPĐKĐĐ quận, huyện giải quyết hồ sơ.
“Trong sự ủy quyền này, có điểm lưu ý là sẽ kéo giảm nhiều thời gian làm các thủ tục nhà đất so với trước, trong đó có thủ tục giảm 1/2, 1/3 thời gian. Hiện Sở TN-MT đang xây dựng đề án trình UBND TP.HCM về sự ủy quyền này để áp dụng đồng bộ khi Nghị định 01/2017 có hiệu lực từ 1.3.2017”, ông Thắng nói.
Phần mềm “trị” công chức lười
UBND Q.Bình Thạnh (TP.HCM) vừa đưa vào vận hành ứng dụng điều hành trong lĩnh vực quản lý đô thị (ứng dụng Dashboard). Phó chủ tịch UBND Q.Bình Thạnh Dương Hồng Thắng cho biết năm 2016 bình quân mỗi tháng có khoảng 400 hồ sơ liên quan đến lĩnh vực quản lý đô thị trên địa bàn nhưng chưa bao giờ tỷ lệ giải quyết đúng hạn được 100%. Khi áp dụng ứng dụng này gần 1 tháng qua, tỷ lệ đúng hạn tăng dần lên và đạt mức xấp xỉ 100%. Theo ông Thắng, ứng dụng này số hóa toàn bộ hồ sơ, cụ thể hóa công việc, quy trình, thời gian hoàn thành đến từng chuyên viên; nếu bị chậm trễ, hệ thống sẽ cảnh báo! Những cán bộ, công chức, kể cả lãnh đạo khi sử dụng ứng dụng đều có thể trao đổi trực tuyến với nhau, đồng thời liên thông ứng dụng đến Quận ủy, HĐND, Ủy ban MTTQ quận và UBND các phường để cùng giám sát trách nhiệm cá nhân, tạo áp lực để tránh xảy ra chậm trễ.
“Lâu nay có tình trạng hồ sơ trễ hẹn nhưng không giám sát được, không truy được trách nhiệm cụ thể của từng chuyên viên, lãnh đạo. Với ứng dụng mới, trách nhiệm giải quyết công việc rất bình đẳng từ lãnh đạo đến từng chuyên viên. Nhờ đó, cá nhân nào lơ là công việc sẽ “điểm danh” được ngay", ông Thắng nói và cho biết trên cơ sở kết quả kiểm soát được từ ứng dụng này, những công chức lười làm việc, dẫn đến hồ sơ hành chính trễ hẹn, sẽ bị trừ điểm thi đua cuối năm, nếu vi phạm thường xuyên sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định. Ông Thắng cho biết thêm, UBND Q.Bình Thạnh đã số hóa thông tin quy hoạch hơn 100.000 căn nhà trên toàn địa bàn quận. Người dân chỉ cần vào địa chỉ http://113.161.75.86:19997/tracuuthongtin/page/mainmap.aspx (hoặc http://www.binhthanh.hochiminhcity.gov.vn, vào mục tra cứu thông tin quy hoạch), nhập số nhà, số thửa đất, số tờ bản đồ, sẽ hiện ra thông tin quy hoạch chi tiết về lộ giới, đất thuộc quy hoạch đường giao thông, cây xanh hay quy hoạch khu dân cư..., thay vì phải lên quận nộp hồ sơ xin cung cấp thông tin quy hoạch với thời gian giải quyết kéo dài đến 20 ngày như trước đó.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.