Đó là những nội dung được thể hiện trong Nghị quyết chuyên đề về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đến năm 2021 và định hướng đến năm 2030 của Ban Cán sự Đảng Bộ LĐ-TB-XH vừa được ban hành.
Theo đó, đến năm 2021, phấn đấu nâng quy mô tuyển sinh đạt 2,6 triệu người mỗi năm, ít nhất 80% người học có việc làm hoặc có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo; có 40 trường được kiểm định, đánh giá, công nhận đạt tiêu chí của trường chất lượng cao, trong đó khoảng từ 3 - 5 trường tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20 (nhóm các nền kinh tế lớn); 40 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4 (gồm Singapore, Malaysia, Thái Lan và Philippines).
tin liên quan
Đề nghị đưa phân luồng giáo dục vào luật
Đến năm 2025, nâng quy mô tuyển sinh đạt trên 4,6 triệu người, có 70 trường được kiểm định, đánh giá, công nhận đạt tiêu chí của trường chất lượng cao, trong đó có khoảng từ 5 - 7 trường tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20; 40 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4. Đến năm 2030 thì GDNN Việt Nam sẽ phấn đấu đạt trình độ tiên tiến trong khu vực ASEAN.
Về mạng lưới các cơ sở GDNN, đến 2021 sẽ giảm tối thiểu 10% số cơ sở GDNN công lập, trong đó số lượng trường trung cấp giảm tối thiểu 15%. Có ít nhất 10% cơ sở GDNN công lập tự chủ về tài chính. Đến năm 2025 tiếp tục giảm tối thiểu 10% số cơ sở GDNN công lập so với 2021; phấn đấu có tối thiểu 20% cơ sở GDNN công lập tự chủ về tài chính.
Được biết, hiện trên toàn quốc có khoảng 1.900 cơ sở GDNN, trong đó, 409 trường CĐ, 583 trường trung cấp và hơn 900 trung tâm GDNN.
“Chúng tôi cũng sẽ tăng cường gắn kết GDNN với thị trường lao động và việc làm bền vững, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạt động GDNN. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tự chủ của các trường và trung tâm, chuẩn hóa các điều kiện bảo đảm chất lượng trong hệ thống GDNN...", tiến sĩ Minh chia sẻ thêm.
Bình luận (0)