“Sẽ không có thay đổi lớn trong các chính sách ưu tiên hàng đầu tại Việt Nam”

09/07/2007 18:43 GMT+7

Nhân dịp Vương quốc Anh có chính phủ mới, phóng viên Thanh Nien Online đã có cuộc tiếp xúc với bà Deborah Clarke - Tổng lãnh sự Vương quốc Anh tại TP.HCM nhằm trao đổi một số vấn đề liên quan đến quan hệ giữa hai nước trong thời gian sắp tới.

* Xin Bà vui lòng khái quát về chính sách đối ngoại của tân Chính phủ Anh trong quan hệ giữa Việt Nam và Anh Quốc trong thời gian sắp tới?

- Bà Deborah Clarke: Tôi nghĩ sẽ không có những thay đổi lớn trong các chính sách ưu tiên hàng đầu tại Việt Nam như vấn đề phát triển bền vững và giảm nghèo, tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực nhập cư, tội phạm có tổ chức, thương mại và đầu tư, giáo dục, nhân quyền, quản lý nhà nước có hiệu quả và an ninh.

* Bà nghĩ gì về câu khẩu hiệu “Chính phủ mới với các ưu tiên mới” của tân Thủ tướng Gordon Brown và bà có nhận xét gì về thành phần của chính phủ mới tại Anh?

- Bà Deborah Clarke: Một chính phủ mới luôn mang lại nguồn năng lượng mới, những ý tưởng mới và những ưu tiên mới. Tân chính phủ Anh Quốc sẽ tiếp tục thực thi các chính sách ưu tiên hàng đầu ở trong và ngoài nước. Chúng tôi sẽ tiếp tục những chính sách ngoại giao từ chính phủ tiền nhiệm.

* Tân Bộ trưởng Ngoại giao Anh, ông David Miliband chỉ mới 41 tuổi và là Ngoại trưởng trẻ nhất của Anh Quốc kể từ năm 1977. Bà có thể nói gì về vị tân Ngoại trưởng này?

- Bà Deborah Clarke: Tân Bộ trưởng Ngoại giao Anh, ông David Miliband là một chính trị gia có nhiều kinh nghiệm. Ông tham gia nội các chính phủ lần đầu tiên trong vai trò Bộ trưởng Cộng đồng và chính quyền địa phương trong năm 2005, trước đó là Bộ trưởng phụ trách Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng Trường học và là người đứng đầu bộ phận hoạch định chính sách thuộc Văn phòng Thủ tướng.

Ông Miliband rất vinh dự được bổ nhiệm vào chức vụ Bộ trưởng Ngoại giao và ông đang hướng tới những thử thách mới trong thời gian sắp tới. Ông cho biết Bộ Ngoại giao Anh với nhiệm vụ quan trọng là giúp tân Thủ tướng hoàn thành tầm nhìn của mình vì một nước Anh tốt đẹp hơn và một thế giới thịnh vượng hơn.

* Bà vui lòng cho biết những thông tin mới nhất về việc “500 trẻ em Việt Nam hiện đang sống bất hợp pháp tại Anh” ? Đến khi nào thì có thể đạt được một giải pháp toàn diện cho vấn đề này, thưa Bà?

- Bà Deborah Clarke: Chính phủ chúng tôi chủ trương ngăn chặn tình trạng trẻ em nước ngoài bị bỏ rơi ở Anh. Việc chăm sóc và sắp xếp các hình thức hỗ trợ cho những trẻ em này ở Anh hiện đang được xem xét. Tôi hài lòng về số trẻ em Việt Nam không có người lớn đi kèm đến Anh Quốc để xin quy chế tỵ nạn đang được giảm dần. Trong 9 tháng đầu năm 2006, chỉ có ít hơn 20 đơn so với 175 đơn trong năm 2004 và 105 đơn trong năm 2005. Chúng tôi sẽ không trả lại Việt Nam bất kỳ trẻ em nào cho đến khi chúng tôi cảm thấy yên tâm về sự an toàn và việc sắp xếp để đón nhận những trẻ em này đã được hoàn tất tại Việt Nam.

* Như vậy có phải chính sách cấp thị thực nhập cảnh vào Anh dành cho công dân Việt Nam sẽ khó khăn hơn trong thời gian sắp tới?

- Bà Deborah Clarke: Mọi thông tin về vấn đề xin cấp thị thực nhập cảnh vào Anh đều được đăng tải đầy đủ trên trang web của chúng tôi và sẽ không có thay đổi nào trong vấn đề này.

* Vai trò của Cơ quan Ngoại giao phụ trách các vấn đề về Châu Á, Châu Phi và Liên Hiệp Quốc thuộc Chính phủ Anh như thế nào? Và các chính sách của cơ quan này trong tương lai đối với quan hệ giữa Anh và Việt Nam?

- Bà Deborah Clarke: Tôi nghĩ điều quan trọng cần phải xác định rõ đây không phải là một bộ mới. Ông Mark Malloch Brown là người phụ trách cơ quan này. Ông ta không phải là một thành viên chính phủ nhưng có quyền tham gia các cuộc họp nội các khi cần thiết. Ông này sẽ cùng phụ trách các vấn đề Châu Á với Nghị sĩ Meg Munn, cũng là người phụ trách các vấn đề thuộc khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

* Bà vui lòng cho biết các thông tin về vấn đề viện trợ phát triển quốc tế từ Chính phủ mới của Anh Quốc dành cho Việt Nam trong năm 2007?

- Bà Deborah Clarke: Viện trợ phát triển của Anh Quốc dành cho Việt Nam đã gia tăng nhanh chóng từ 15 triệu bảng Anh mỗi năm từ năm 2001 đến 55 triệu bảng trong năm 2005. Chính phủ Anh Quốc có cam kết về khoản viện trợ 50 triệu bảng Anh liên tiếp mỗi năm dành cho Việt Nam. Trong hai năm vừa qua, Anh Quốc đã trở thành một trong những nước cấp viện trợ phát triển nhiều nhất cho Việt Nam. Vào tháng 9.2006, Chính phủ Anh và Việt Nam đã ký văn bản về vấn đề Hợp tác Phát triển dựa trên ba cam kết cùng được chia sẻ là: gia tăng vấn đề giảm nghèo và đạt được các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ; tăng cường việc quản lý tài chính công và chống tham nhũng; tôn trọng những hiệp ước về nhân quyền. Văn phòng cơ quan phát triển quốc tế của chúng tôi tại Việt Nam đang tiến hành phát triển kế hoạch hỗ trợ quốc gia mới trong 5 năm. Bản dự thảo của kế hoạch này được đăng tải tại địa chỉ www.dfid.gov.uk/consultations/ để tham khảo ý kiến. Cơ quan này cũng sẽ tổ chức các sự kiện trưng cầu ý kiến về Kế hoạch Hỗ trợ Quốc gia ở cả Anh Quốc và Việt Nam.

* Bà có nhận xét gì về quan hệ Thương Mại và Đầu tư giữa Anh quốc và Việt Nam? Triển vọng của mối quan hệ này như thế nào trong thời gian sắp tới?

- Bà Deborah Clarke: Trong vai trò Tổng lãnh sự, cũng là Giám đốc Cơ quan Thương mại và Đầu tư Anh Quốc tại Việt Nam, tôi muốn đề cập đến mối quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước. Mặc dù mối quan hệ này hiện rất tốt nhưng tôi mong muốn sẽ có sự đẩy mạnh hơn nữa trong năm nay với sự thành lập của Ủy ban Kinh tế và Thương mại liên Chính phủ sẽ giúp tăng cường mối quan hệ trong lĩnh vực thương mại và đầu tư giữa hai nước bằng cách xóa bỏ các hàng rào thương mại. Chúng tôi đang có kế hoạch tổ chức buổi họp đầu tiên trong tháng 9 này khi ông Andrew Cahn, Tổng giám đốc Cơ quan Thương mại và Đầu tư Anh Quốc có chuyến thăm Việt Nam.

* Xin cảm ơn bà và chúc bà đạt nhiều thành công trong nhiệm kỳ công tác tại TPHCM.

Bạn đọc có thể truy cập vào địa chỉ www.dfid.gov.uk/consultations/ của Cơ quan Phát triển quốc tế Anh Quốc để tham khảo chi tiết thông tin về Kế hoạch hỗ trợ quốc gia của Chính phủ Anh Quốc dành cho Việt Nam.

Vĩnh Bảo (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.