Sẽ không còn lạm phát giấy khen học sinh ?

31/05/2022 10:00 GMT+7

Theo nhiều giáo viên, Thông tư 22 có nhiều điểm mới tích cực, nhân văn trong việc đánh giá xếp loại học sinh, thay đổi cách tính điểm trung bình môn đã hạn chế phần nào việc lạm phát giấy khen cho học sinh.

Sắp kết thúc năm học 2021 - 2022 thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 2 và 6, Bộ GD-ĐT đã có nhiều thông tư, công văn hướng dẫn thực hiện kế hoạch giảng dạy phù hợp trong tình hình mới. Một trong những văn bản hướng dẫn của Bộ được dư luận xã hội quan tâm là Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT.

Chỉ khen thưởng học sinh xuất sắc, giỏi

Theo ý kiến của nhiều thầy cô, Thông tư 22 có nhiều điểm mới tích cực, nhân văn trong việc đánh giá xếp loại học sinh (HS). Đó là bỏ cách tính điểm trung bình các môn học; không còn xếp loại hạnh kiểm trung bình, yếu; học lực khá, trung bình, yếu, kém; bỏ danh hiệu HS tiến tiến, chỉ khen thưởng HS xuất sắc, HS giỏi.

Học sinh lớp 6 được đánh giá, nhận xét theo Thông tư 22. Điều này phần nào hạn chế lạm phát giấy khen

ĐÀO NGỌC THẠCH

Theo Thông tư 22, chỉ khen thưởng danh hiệu "HS xuất sắc, HS giỏi”. Danh hiệu “HS xuất sắc" đối với những HS có kết quả rèn luyện, kết quả học tập cả năm học được đánh giá mức tốt và có ít nhất 6 môn học được đánh giá bằng nhận xét kết hợp với đánh giá bằng điểm số có điểm trung bình môn đạt từ 9 trở lên. Danh hiệu "HS giỏi" tất cả các môn học đánh giá bằng nhận xét ở mức đạt, các môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số điểm trung bình học kỳ và trung bình năm từ 6,5 điểm trở lên, trong đó có ít nhất 6 môn học có điểm trung bình đạt từ 8 trở lên.

Như vậy, theo Thông tư 22, tất cả các môn học đều công bằng như nhau, không còn phụ thuộc vào điểm môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ; không còn “môn chính, môn phụ” trong đánh giá, xếp loại HS nữa, bởi các môn đều có giá trị như nhau. Theo nhiều thầy cô, đây là điểm mới tích cực rất đáng ghi nhận giúp HS thay đổi ý thức học tập, việc coi các môn như nhau trong đánh giá HS sẽ giúp hạn chế tư tưởng môn chính phụ, từ đó giảm thiểu việc học lệch.

Không còn nhiều giấy khen

Ngoài ra, Thông tư 22 với cách tính điểm trung bình môn đã hạn chế phần nào việc lạm phát giấy khen cho HS. Để đạt danh hiệu HS xuất sắc, HS giỏi, các em phải nỗ lực cố gắng nhiều hơn. Nhiều thầy cô đánh giá Thông tư 22 có nhiều điểm tiến bộ, khen đúng, trúng, công bằng và để đạt danh hiệu HS xuất sắc, giỏi phải nỗ lực học đều tất cả các môn, rất khác so với Thông tư 26, 58.

Ngoài ra, Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT sửa đổi Thông tư 30 của Bộ GD-ĐT còn quy định rõ: Đánh giá vì sự tiến bộ của HS; coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong học tập, rèn luyện của HS; giúp HS phát huy nhiều nhất khả năng; đảm bảo kịp thời, công bằng, khách quan; không cứ phải khen bằng giấy khen mà còn có nhiều cách khác, như: Khen bằng lời khích lệ, khen bằng biểu dương trên lớp...”.

Là giáo viên dạy môn lịch sử và GDCD, tôi thật sự cảm thấy vui vì từ ngày xóa bỏ quan niệm giáo viên dạy môn chính - phụ trong thực tế và ngay cả trong suy nghĩ lâu nay của phụ huynh, HS, đem lại sự công bằng trong đánh giá các môn học, đánh giá đúng năng lực HS. Nhiều thầy cô nói vui: “Với Thông tư 22, Bộ GD-ĐT đã trả lại tên cho em” cho thầy cô dạy môn sử, địa, GDCD…

Tuy nhiên triệt để hơn, không còn có sự phân biệt môn chính - phụ, thiết nghĩ Bộ GD-ĐT nên quy định thêm trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập hằng năm các địa phương nên chọn bất kỳ môn nào trong các môn học ở cấp THCS đánh giá bằng điểm số, không chỉ chọn thi tuyển thường là 3 môn: toán, ngữ văn, ngoại ngữ như lâu nay sẽ hạn chế tình trạng học lệch môn hiện nay ở cấp THCS.

Hiện tại Thông tư 22 chỉ áp dụng đối với lớp 6 trong năm học 2021 - 2022, còn các lớp từ 7 đến 12 vẫn áp dụng Thông tư 26. Như vậy có thể thấy ở bậc trung học vẫn áp dụng song song cùng lúc hai Thông tư 22 và 26. Bộ GD-ĐT cần xem xét, thiết nghĩ nên chỉ thực hiện Thông tư 22, vì có nhiều điểm mới tiến bộ, khoa học, nhân văn hơn Thông tư 26.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.