Nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Groningen ở thành phố cùng tên đã phân tích glucansucrase từ vi khuẩn a-xít lactic Lactobacillus reuteri, vốn hiện diện ở miệng và hệ tiêu hóa của người. Vi khuẩn này sử dụng enzyme Lactobacillus reuteri để chuyển hóa đường từ thực phẩm thành các chuỗi đường dính, dài. Chúng sử dụng loại keo này để tự gắn mình vào men răng. Nguyên nhân chính của sâu răng, vi khuẩn Streptococcus mutans, cũng sử dụng enzyme này. Một khi gắn với men răng, những vi khuẩn này làm lên men đường thải ra những chất a-xít, làm hòa tan canxi ở răng. Đây là nguyên nhân gây sâu răng.
Sử dụng phương pháp tinh thể học protein, các nhà nghiên cứu có thể làm sáng tỏ cấu trúc 3 chiều của enzyme, mang lại cho các nhà nghiên cứu những kiến thức về cơ chế hoạt động của enzyme. Enzyme này tách sucrose thành fructose và glucose và sau đó bổ sung thêm phân tử glucose để phát triển một chuỗi đường. Cho tới nay, các nhà khoa học cho rằng cả hai quy trình này được thực hiện bởi các phần riêng rẽ của enzyme. Tuy nhiên, mô hình do các chuyên gia Đại học Groningen phát triển cho thấy cả hai hoạt động này diễn ra trên cùng một vùng hoạt tính của enzyme.
Chuyên gia Lubbert Dijkhuizen, một thành viên của nhóm nghiên cứu, hy vọng các chất ức chế glucansucrase chuyên biệt có thể góp phần ngăn ngừa sự bám dính của vi khuẩn vào men răng. Trong tương lai không xa, các chất ức chế glucansucrase có thể được bổ sung vào kem đánh răng và nước súc miệng để ngăn ngừa sâu răng, chứng bệnh vốn là nỗi ám ảnh của không ít người trên thế giới.
Quyên Quân (Theo Science Daily)
Bình luận (0)