Sẽ thế nào khi sếp xem thường nỗ lực của nhân viên?

18/07/2024 04:40 GMT+7

Không được sếp công nhận năng lực không phải là chuyện hiếm thấy trong môi trường công sở. Thực tế cho thấy, khi những cố gắng không được công nhận, nhân viên dễ cảm thấy hụt hẫng, mất động lực, thậm chí muốn nghỉ việc.

Trên mạng xã hội, đây là một chủ đề thu hút sự quan tâm của nhiều người đi làm. Trong một cuộc khảo sát với 10 người ở nhiều độ tuổi khác nhau đang là nhân viên văn phòng tại TP.HCM, chúng tôi đã thu thập được nhiều ý kiến về vấn đề này.

Nhìn chung, việc nhận được sự công nhận từ sếp, từ công ty rất quan trọng đối với người đi làm. Nếu không có nó, họ dễ rơi vào trạng thái chán nản, không muốn cống hiến, làm việc cầm chừng…

Được công nhận là mong muốn chính đáng

Chị Lê Thị Hồng Hạnh (22 tuổi, TP.HCM) chia sẻ, không chỉ trong môi trường làm việc mà ở bất kỳ đâu, con người cũng đều có nhu cầu được công nhận. Chị Hạnh cho rằng, trong môi trường làm việc hiện đại, được sếp công nhận và đánh giá cao là một yếu tố quan trọng, có thể nói là tiên quyết để giữ vững động lực phát triển sự nghiệp.

"Với tôi đó là một mong muốn chính đáng. Tuy nhiên, không phải lúc nào những nỗ lực của chúng ta cũng được ghi nhận đúng như mong đợi. Bản thân tôi đã từng trải qua cảm giác hụt hẫng, mất động lực khi không được sếp công nhận những nỗ lực. Dù biết kết quả là quan trọng nhưng quá trình cố gắng cũng cần được tôn trọng”, chị Hạnh nói.

Chị Hạnh cho biết thêm, trên thực tế thì khi có được sự tôn trọng và công nhận từ bên ngoài, chúng ta cũng sẽ biết tôn trọng bản thân, cảm thấy tự tin vào chính mình. Và hơn hết, ai cũng có nhu cầu được thể hiện bản thân, được công nhận những đóng góp của mình đối với tập thể.

“Những ngày làm việc quên cả ăn trưa, tan ca lúc 10 giờ tối hay chạy deadline đến đêm, đó đều là những nỗ lực của tôi, của nhiều người đi làm khác. Sự công nhận không chỉ đơn giản là một phần thưởng mà đó còn thể hiện rằng những công sức tôi bỏ ra đã được sếp và tập thể ghi nhận. Nếu sếp không công nhận sự nỗ lực của nhân viên, chắc chắn không thể giữ chân bất kỳ ai lâu dài. Những người ở lại cũng sẽ chỉ làm việc cho tròn bổn phận, đơn giản vì họ nghĩ có làm nhiều hơn cũng không được gì”, chị Hạnh bộc bạch.

Mới ra trường đi làm, chị Hạnh cho hay rằng một công ty có văn hóa công nhận nỗ lực, cố gắng của nhân viên là tiêu chí chị luôn đề cao. Văn hóa công nhận đó không phải tự nhiên mà có, nó được tạo dựng và duy trì bởi lãnh đạo, tập thể trong công ty.

Như vậy có thể thấy hiện nay, bên cạnh lương và các chính sách hỗ trợ khác thì đây chính là yếu tố mà người lao động coi trọng khi đi tìm việc làm.

Sự công nhận sẽ giúp cho nhân viên có động lực làm việc, nỗ lực phấn đấu

Sự công nhận sẽ giúp cho nhân viên có động lực làm việc, nỗ lực phấn đấu

NGUỒN ẢNH: PIXABAY

Tương tự, chị Phương Mỹ (TP.HCM) cũng có cảm giác hụt hẫng, thất vọng nếu không được công nhận khi đi làm. Khi rơi vào trường hợp đó, chị Mỹ sẽ cố gắng tư duy tích cực hơn. Nếu sếp là kiểu người chia sẻ nhiều thì mình cứ đặt vấn đề thẳng thắn, cùng sếp nhìn nhận lại.

"Mỗi người đều có một tiêu chuẩn riêng. Có thể mình thấy bản thân làm tốt nhưng sếp lại cho rằng còn có điểm mình chưa tốt. Do đó phải tự nhìn nhận và cố gắng hơn qua từng ngày, tìm kiếm thêm các cơ hội để nâng cao năng lực", chị Mỹ nói.

Đừng để “lạm phát” sự công nhận

Sự công nhận sẽ giúp cho nhân viên có động lực làm việc, nỗ lực phấn đấu. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự công nhận giúp tăng năng suất làm việc, cảm thấy phấn chấn, thoải mái về mặt tinh thần. Tuy nhiên, sự công nhận cũng cần được sử dụng một cách hợp lý.

Anh Phan Văn Đạt (25 tuổi, TP.HCM) có quan điểm, công nhận những nỗ lực của nhân viên có nhiều cách. Đó có thể là những lời tuyên dương, tán thưởng hay các món quà hiện vật, hiện kim. Mỗi công ty sẽ có cách công nhận nhân viên khác nhau, điều này phụ thuộc vào văn hóa của chính công ty đó.

Anh Đạt cho biết, sếp anh có một cách công nhận nhân viên đặc biệt, đó là tổ chức những buổi tư vấn, chia sẻ 1:1.

"Khác với những hoạt động khen thưởng rầm rộ ở các công ty khác, sếp tôi thường công nhận nhân viên theo cách riêng. Đối với sếp, sự công nhận là một con dao hai lưỡi, nếu công nhận không đúng cách và quá dễ dãi, nhân viên có thể ỷ lại, dậm chân tại chỗ hay cố gắng ít hơn. Trong những buổi chia sẻ riêng tư, sếp sẽ có những lời khen chê hợp lý, đảm bảo cho nhân viên khoảng không gian an toàn để giãi bày”, anh Đạt nói.

Trong công ty anh Đạt, không chỉ nhân viên xuất sắc mới được công nhận, khen thưởng mà bất kỳ ai có sự nỗ lực, tiến bộ rõ rệt đều được tập thể ghi nhận.

Anh Đạt khẳng định, công nhận sự nỗ lực của nhân viên không nhất thiết phải đao to búa lớn, quan trọng là đúng đắn và phù hợp.

“Đối với tôi, đây là mối quan hệ đôi bên cùng có lợi, phía công ty thì nhận được sự tận tâm, cống hiến hết mình của nhân viên. Nhân viên thì cảm thấy mình được nâng niu, quý trọng, có giá trị khi được công nhận. Và đương nhiên, tất cả những ai có nỗ lực, có đóng góp, dù là một phần rất nhỏ cũng xứng đáng được tuyên dương”, anh Đạt nhấn mạnh.

Sự công nhận còn góp phần làm nên một đội ngũ nhân viên giỏi giang, vững mạnh, luôn hết mình với công việc. Từ đó tạo nên một môi trường làm việc lành mạnh, hứng khởi, giàu cảm hứng sáng tạo.

Chia sẻ về vấn đề này, anh Lê Minh An, Quản lý bộ phận tuyển dụng của khách sạn New World Saigon cho biết, phía lãnh đạo của các công ty sẽ luôn biết cách để công nhận nhân viên của mình.

“Có làm thì sẽ có thưởng, đó có thể là phần thưởng về tinh thần cũng như vật chất nhằm động viên và giữ lửa nhiệt huyết cho các bạn. Khi mà nhân viên được công nhận thì người ta sẽ cảm thấy phấn khích, hứng thú và thấy mình được doanh nghiệp tôn trọng, công sức mình bỏ ra là không hề uổng phí.

Tuy nhiên, sự công nhận nên được đặt để đúng người, đúng thời điểm. Không nên công nhận, khen thưởng vô tội vạ để tránh xích mích, xung đột giữa các nhân viên. Sự công nhận phải đi kèm với công bằng, bảo đảm tôn trọng công sức của tất cả mọi người”, anh An nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.