|
Tuy nhiên, tại họp giao ban quý 3 của Bộ GTVT chiều 4.10, ông Trịnh Ngọc Giao, Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN, cho biết tới thời điểm này Bộ GTVT chưa ban hành quy định về niên hạn với xe ô tô cá nhân, xe mô tô, xe máy. Trong khi đó theo ông Giao, gần 9.000 phương tiện vận tải khách, hàng hóa đã bị loại bỏ theo Nghị định 23 của Chính phủ. Nhưng Bộ GTVT chưa đề xuất niên hạn thu hồi với xe cá nhân, vì đây là tài sản cá nhân và trách nhiệm của cá nhân, chỉ tăng cường kiểm định tiêu chí kỹ thuật sao đảm bảo khi tham gia giao thông. “Hiện nay có xấp xỉ 40 triệu xe máy, mỗi năm tăng bình quân 3 triệu xe. Việc thu hồi xe cá nhân cần có đề án lớn và lộ trình, lấy ý kiến của các cơ quan chức năng, dư luận xã hội, trình Chính phủ phê duyệt”, ông Giao nói.
|
Về lo ngại thiếu kiểm soát với xe đạp điện, xe máy điện, nhất là xe nhập từ Trung Quốc, ông Giao cho biết trong tháng 10 sẽ trình thông tư quy định việc kiểm tra chất lượng xe đạp điện, cố gắng ban hành trong năm nay. Trong thời gian chưa có quy định, sẽ dựa vào tuyên truyền và yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu công bố rõ các tiêu chuẩn xe đạp điện, xe máy điện cho người dân nắm được. Như xe đạp điện quy định tốc độ tối đa 25 km/giờ, công suất động cơ không quá 200 kW, phải có bàn đạp. Xe máy điện phải có quy định chặt chẽ hơn.
“Vinashin sắp xử lý xong khoản nợ trên 4 tỉ USD”
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn công nghiệp tàu thủy VN (Vinashin) tại cuộc họp. Theo ông Sự, tái cơ cấu nợ là điểm chốt để Vinashin thực hiện các bước tái cơ cấu tiếp theo. Trong tổng số nợ rất lớn, đến nay đã phát hành được trái phiếu trong nước đợt 1 xấp xỉ 12.000 tỉ đồng, lãi suất trái phiếu bằng lãi suất trái phiếu chính phủ. Gói thứ hai trong nước còn 17.000 tỉ đồng phấn đấu trong quý 4/2013, chậm nhất quý 1/2014 làm xong. Liên quan đến 600 triệu USD vay nước ngoài, Vinashin đã đạt thỏa thuận với các chủ nợ. Tòa án quốc tế Anh đã phán quyết theo hướng xử lý tái cơ cấu trong tố tụng, ngày 10.10 chính thức phát hành trái phiếu xử lý khoản nợ này. Tái cơ cấu khoản nợ trên 4 tỉ USD của Vinashin sẽ hoàn thành cuối năm nay, chậm nhất là đầu 2014.
|
Trước lo ngại của nhiều chuyên gia cho rằng xử lý nợ bằng hình thức phát hành trái phiếu mua lại nợ chỉ là giải pháp tình thế, không xử lý triệt để tình trạng nợ nần, ông Sự lý giải: “Một trong những giải pháp tái cơ cấu nợ là sẽ hoán đổi trái phiếu mới thời hạn dài hơn, lãi suất giảm. Bây giờ khó khăn, nợ rất nhiều thì phải dùng nhiều hình thức khác nhau. Hy vọng cuối năm xử lý dứt nợ thì mới đỡ khó khăn”.
Vinalines bán tàu, thoái vốn, khoanh nợ...
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, Chính phủ cũng đang tập trung chỉ đạo tái cơ cấu Vinalines. Nặng nhất là Công ty TNHH MTV vận tải viễn dương Vinashinlines, Chính phủ cho chủ trương bán các con tàu không sử dụng, neo đậu ở nước ngoài. Đến nay đã bán được trên 90%, cơ bản giải quyết số lao động trên các con tàu đã bán, một số tàu còn lại đã có người đặt giá mua, trong năm nay có thể bán hết. Đây là tín hiệu mừng trong thu hồi vốn, giải quyết cho thủy thủ ở nước ngoài.
“Chính phủ cũng đang tạm giãn tiến độ các chương trình đóng tàu đã giao cho Vinalines từ nay đến 2020, vì vận tải biển vẫn khó khăn, sau 2020 mới tiếp tục thực hiện. Chính phủ cho khoanh nợ lại các chương trình này. Chính phủ cũng đã phê duyệt đề án tái cơ cấu của Vinalines, thực hiện 3 việc là vận tải biển, dịch vụ và cảng biển. Thoái vốn tất cả những doanh nghiệp không hoạt động theo 3 hình thức này. Cơ bản đã thoái vốn xong. Đây là doanh nghiệp lớn, trước khó khăn của vận tải biển thế giới suy giảm, giá cước xuống, hàng hóa qua cảng giảm đáng kể, nhưng vẫn có điều kiện để cầm cự”, ông Trường nói.
Vẫn thưởng 180 tỉ đồng cho gói thầu bị lún nứt Liên quan khoản tiền thưởng 180 tỉ đồng cho nhà thầu Nhật hoàn thành sớm gói thầu số 2 dự án Vành đai 3, đại diện Bộ GTVT cho rằng luật đã quy định rõ về việc thưởng phạt, không quá 12% giá trị hợp đồng. Bộ GTVT cũng đã gửi văn bản lấy ý kiến và Bộ Xây dựng cũng thống nhất một số nguyên tắc về tính thưởng. Trong quá trình này xuất hiện vệt hằn lún tại gói thầu số 2, trách nhiệm xử lý thuộc về nhà thầu. Việc thưởng, phạt theo luật là bình thường, nhà thầu sai bị xử lý, nhà thầu đúng thì thưởng. Hiện Ban QLDA Thăng Long đang hoàn tất đề xuất thưởng để trình Bộ phê duyệt theo quy định. Trước lo ngại các dự án mở rộng QL1 đang thực hiện chậm chạp, địa phương muốn giải phóng mặt bằng nhưng chưa có vốn, một số nhà đầu tư dự án thì chưa được cấp phép, nguồn vốn chưa rõ ràng, ông Nguyễn Hồng Trường cho hay nguyên tắc với các nhà đầu tư BOT dự án QL1 là năng lực đảm bảo, có cam kết của ngân hàng cho vay vốn. Hiện đã giao xong quy hoạch, cắm mốc cho các tỉnh, đền bù giải phóng mặt bằng chủ đầu tư cấp vốn. Theo quy định của Bộ, phải có 10 km mặt bằng sạch mới cho làm. “Tất cả các dự án BOT đều có cơ quan thẩm quyền giám sát. Chúng tôi cam kết hoàn thành đúng tiến độ”, ông Trường khẳng định. |
Mai Hà
Bình luận (0)