Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga sau bài viết Hàng loạt thí sinh được “tặng” thêm 0,5 điểm đăng trên Báo Thanh Niên ngày 2.11 vừa qua.
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ năm 2015 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Đảm bảo đúng quyền lợi cho thí sinh
Ông Ga cho biết trên cơ sở Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ được ban hành, Bộ yêu cầu các sở GD-ĐT thực hiện việc rà soát và xác lập khu vực ưu tiên trên địa bàn mình. Bộ có thể làm được việc này nhưng không thể sâu sát bằng các sở. Do đó, trên cơ sở văn bản có đóng dấu đỏ được gửi về từ các sở, Bộ mới cập nhật dữ liệu bảng phân chia khu vực tuyển sinh theo đơn vị hành chính vào phần mềm tuyển sinh.
Về nguyên tắc xử lý, ông Ga nhấn mạnh: “Các sở có nhiệm vụ xác lập đúng khu vực ưu tiên theo quy chế, nếu sở nào làm sai gây ảnh hưởng đến thí sinh sẽ bị xử lý theo quy chế. Ngay khi có sai sót được thí sinh (TS) phản ánh, Bộ sẽ tiến hành kiểm tra sự việc để đảm bảo đúng quyền lợi TS”.
Thực tế Bộ đang giải quyết các sai sót về điểm ưu tiên theo nguyên tắc này. Trường hợp TS bị rớt oan do trường phổ thông hoặc sở GD-ĐT hướng dẫn sai, người hướng dẫn đã bị xử lý theo điều khoản trong quy chế. Trong trường hợp này, các TS sẽ được giải quyết theo hướng xét trúng tuyển vào trường khác phù hợp với mức điểm thật của mình. Trong năm nay Bộ đã giải quyết cho dưới 10 trường hợp TS bị sai sót điểm ưu tiên từ đậu thành rớt mà nguyên nhân từ phía sở và trường phổ thông. Tuy nhiên, những TS vô tình hoặc cố ý khai sai, TS phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Khi đó, theo quy chế thì trường ĐH và CĐ có quyền từ chối nhập học.
Sẽ điều chỉnh chế độ ưu tiên cho phù hợp
Về phương án năm tới, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng rút kinh nghiệm từ năm nay Bộ sẽ tập huấn kỹ lưỡng cho các sở GD-ĐT về nội dung điểm ưu tiên nhằm tránh hiện tượng hiểu sai, không nắm vững quy chế. Đồng thời Bộ sẽ tiến hành điều chỉnh nội dung chế độ ưu tiên cho phù hợp với các quy định hiện hành và thực tiễn. Theo đó, Bộ sẽ cùng các bộ ngành và địa phương xem xét điều chỉnh chế độ ưu tiên trên cơ sở rà soát các văn bản quy định, thực tế thay đổi kinh tế xã hội các vùng miền. Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ tổ chức hội nghị lấy ý kiến hoàn thiện các bước kỹ thuật trong khai nhận chính sách ưu tiên tuyển sinh để tránh xảy ra sai sót đáng tiếc như năm nay. “Tuy nhiên, quan trọng nhất là bản thân TS phải nắm vững quy chế, sử dụng hiệu quả tài khoản cá nhân được cấp để kiểm tra thông tin bản thân. Đây là việc làm quan trọng để tránh sai sót trong quá trình tuyển sinh”, ông Ga nói.
Bộ phải có trách nhiệm với danh mục ưu tiên trong phần mềm
Theo đại diện các trường ĐH, bên cạnh sở GD-ĐT, Bộ phải có trách nhiệm với danh mục khu vực ưu tiên mà Bộ cập nhật vào phần mềm tuyển sinh.
Theo PGS-TS Nguyễn Đức Minh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, để hạn chế sai sót về điểm ưu tiên Bộ phải tiến hành rà soát kỹ lưỡng khu vực ưu tiên của từng trường THPT trong cả nước. Dù yêu cầu các sở GD-ĐT xác lập khu vực ưu tiên tuyển sinh nhưng Bộ phải duyệt tổng thể, chuyển về các trường phổ thông kiểm tra trước khi cập nhật vào phần mềm. Bởi thực tế cho thấy không phải sở nào cũng hiểu đúng quy chế nên mới dẫn đến việc xác lập sai. Tiến sĩ Minh nói thêm, mỗi trường THPT cần được cấp một mã số, các trường khi nhập dữ liệu đăng ký dự thi chỉ nhập mã số chứ không tự động cộng điểm vào phần mềm để tránh sai sót.
Trong khi đó, đại diện một trường ĐH khác cho rằng các sở GD-ĐT cần thực hiện theo đúng quy chế. Trong trường hợp có vướng mắc, các sở nên xin ý kiến của Bộ để xác lập chính xác. “Những sai lệch trong xác định khu vực ưu tiên năm nay chủ yếu theo hướng tăng mức điểm được cộng cho TS, chưa phát hiện tình trạng ngược lại. Do vậy các sở không nên xuề xòa, nhân nhượng cho TS vì các trường ĐH luôn làm đúng quy chế”, người này nói. Cũng theo đại diện này, Bộ nên xác lập lại khu vực ưu tiên 1 tính theo hộ khẩu thường trú vì xác định như năm 2015 quá rộng.
|
Bình luận (0)