Xe

SEA Games 32 và tương lai đón chờ Campuchia

TRƯƠNG VĂN AN
Đại học Quốc gia TP.HCM
07/05/2023 15:49 GMT+7

Khi đất nước đang trỗi dậy về kinh tế và vị thế chính trị, việc tổ chức thành công SEA Games 32 là tiền đề để Campuchia tiếp tục mở cửa và cải cách chính trị.

Hình ảnh vận động viên Taekwondo Sorn Seavmey của Campuchia cầm đuốc bay lên và thắp sáng đài lửa ở sân vận động Morodok Techo trong lễ khai mạc SEA Games 32 phần nào gợi nhớ về hình ảnh vận động viên thể dục dụng cụ Lý Ninh của Trung Quốc cầm ngọn đuốc bay trên không trung vòng quanh sân vận động Tổ Chim trong lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh 2008. Lễ khai mạc Olympic được cho là hoành tráng nhất trong lịch sử đã chính thức giới thiệu ra thế giới một Trung Quốc hiện đại sau hàng chục năm "đóng cửa".

SEA Games 32 và tương lai đón chờ Campuchia - Ảnh 1.

Hình ảnh vận động viên Taekwondo Sorn Seavmey của Campuchia cầm đuốc bay lên và thắp sáng đài lửa ở sân vận động Morodok Techo trong lễ khai mạc SEA Games 32

AFP

Từ SEA Games…

Những sự kiện thể thao tầm cỡ luôn là cơ hội không thể tuyệt vời hơn để các quốc gia chủ nhà giới thiệu hình ảnh ra thế giới, nâng cao vị thế đất nước và với Campuchia cũng không ngoại lệ. Đây là lần đầu tiên nước này đăng cai đại hội thể thao quy mô khu vực, đánh dấu hình ảnh một Campuchia bước ra từ những đau thương của quá khứ, đang phát triển nhanh chóng và hướng tới hòa bình, thịnh vượng.

Thông điệp từ bài hát chính thức "Cambodian Proud" (tạm dịch: Tự hào Campuchia) của SEA Games 32 đã thể hiện quyết tâm của nước chủ nhà. Campuchia đặt mục tiêu không chỉ thành công về mặt thể thao mà còn phải cho thấy niềm tự hào dân tộc, phát triển du lịch, quảng bá phong tục, văn hóa truyền thống của đất nước ra toàn cầu.

Campuchia tổ chức lễ khai mạc SEA Games 32 hoành tráng, rực sáng SVĐ 160 triệu USD

Sau 10 năm kể từ khi giành được quyền đăng cai SEA Games, Campuchia đã tập trung nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, bệnh viện cùng hàng loạt công trình cần thiết. Và để đánh dấu cho cột mốc quan trọng này, Campuchia thậm chí đã đưa ra một quyết định chưa từng có khi miễn phí chi phí ăn ở cho các đoàn vận động viên, miễn phí vé vào cổng cho người hâm mộ cũng như miễn phí hoàn toàn bản quyền truyền hình. Quyết định này đã ghi tên Campuchia vào lịch sử các kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á.

Không dừng lại ở đó, Campuchia còn muốn "tổ chức một lễ khai mạc tuyệt vời nhất từ trước đến nay, ở đẳng cấp Olympic, mà chưa nước nào trong khu vực từng làm được" như lời Tổng thư ký Ban tổ chức Quốc gia SEA Games 32 Vath Chamroeun chia sẻ trước thềm sự kiện. Những gì diễn ra trên sân vận động Morodok Techo trị giá 160 triệu USD ở thủ đô Phnom Penh tối ngày 5.5 đã chứng minh tuyên bố của ông.

SEA Games 32 và tương lai đón chờ Campuchia - Ảnh 2.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen tại lễ khai mạc SEA Games 32

REUTERS

Phát biểu trong lễ khai mạc, Thủ tướng Campuchia Hun Sen nhấn mạnh rằng nước này đã chuẩn bị về mọi mặt để mang lại một kỳ SEA Games thành công, qua đó thể hiện sự phát triển vượt bậc của đất nước. Chương cuối của lễ khai mạc mang tên "Tương lai của người Khmer" là lời khẳng định với thế giới rằng Campuchia đã sẵn sàng để nắm bắt vận mệnh của chính mình.

…đến kinh tế

Trở về những năm 80 thế kỷ trước khi Campuchia vừa đánh bại được Khmer Đỏ nhờ sự giúp đỡ từ quân tình nguyện Việt Nam, Phnom Penh lúc này là một thành phố hoang tàn theo đúng nghĩa đen. Giờ đây, sau hơn 40 năm, thủ đô xứ chùa tháp mang đầy sức sống với mạng lưới nhà cao tầng san sát, hàng trăm dự án bất động sản mọc lên và sân bay quốc tế hiện đại đang được xây dựng.

Theo dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới, Campuchia đã phát triển vượt bậc về kinh tế trong hai thập niên đầu của thế kỷ 21. Nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ trung bình hàng năm là 7,7% (giai đoạn 1998-2019), đưa nước này trở thành một trong những nền kinh tế mới nổi phát triển nhanh nhất thế giới. Sau khi đạt mức thu nhập trung bình thấp vào năm 2015, Campuchia đặt mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nước phát triển vào năm 2050.

Toàn cảnh SEA Games 32 ngày 5.5: Lễ khai mạc hoành tráng 

Tháng 1.2021, Campuchia công bố Chiến lược Ngoại giao Kinh tế giai đoạn 2021-2023, thể hiện tham vọng hội nhập sâu hơn vào các hệ thống thương mại khu vực và toàn cầu, khuyến khích đầu tư và thúc đẩy trao đổi văn hóa. Thay vì phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài và các ngành sản xuất định hướng xuất khẩu như dệt may, các động lực tăng trưởng đã bắt đầu chuyển hướng sang lĩnh vực dịch vụ chẳng hạn như du lịch. Các hiệp định thương mại tự do mới được ký kết cùng dòng vốn FDI được kỳ vọng sẽ mang lại sự gia tăng đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông như cảng biển và đường sá.

SEA Games 32 và tương lai đón chờ Campuchia - Ảnh 3.

Sân vận động quốc gia Morodok Techo

REUTERS

Việc đa dạng hóa nền kinh tế đòi hỏi chính phủ phải thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, tăng cường ứng dụng công nghệ và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Ngành giáo dục Campuchia đang thực hiện hàng loạt cải cách về thi cử, chương trình giáo dục, chế độ chính sách cho đội ngũ giáo viên với mong muốn nâng cao trình độ học sinh ở các cấp học. Đã phần nào lỡ hẹn trên "chuyến tàu" Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Campuchia nhận ra họ không được phép bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào nữa trên hành trình trở thành một nước phát triển.

và chính trị

Trên trang web chính thức của SEA Games 32, nước chủ nhà giải thích rằng khẩu hiệu "Sport: Live In Peace" (Tạm dịch: 'Thể thao: Sống trong hòa bình') được lấy cảm hứng từ những người Campuchia đang hằng ngày tận hưởng hòa bình và ổn định. Hơn ai hết, quốc gia láng giềng hiểu rõ được hậu quả của chiến tranh và hòa bình là điều kiện tiên quyết cho mọi tiến bộ.

Nghị quyết Đại hội bất thường của Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) diễn ra vào tháng 1 khẳng định các kế hoạch chiến lược vẫn tập trung vào bảo vệ hòa bình, chủ quyền; xây dựng đất nước thịnh vượng, tăng trưởng kinh tế bền vững. Trong bối cảnh một thế giới đa cực không chắc chắn, Campuchia vẫn kiên trì với chính sách đối ngoại độc lập, đa phương, ủng hộ duy trì luật pháp quốc tế; xây dựng quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp với các nước; tham gia giữ vững an ninh, ổn định trong khu vực và thế giới.

Cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra vào ngày 23.7 sắp tới đây được xem là sự kiện vô cùng quan trọng đối với Đảng cầm quyền CPP. Cuộc bầu cử dự kiến sẽ đánh dấu sự chuyển giao thế hệ giữa các nhà lãnh đạo CPP từ những người khôi phục đất nước sang thế hệ những lãnh đạo mới trẻ trung hơn, đủ sức gánh vác và đưa đất nước tiến lên trong bối cảnh đầy cạnh tranh.

Thủ tướng Hun Sen hồi tháng 3 đã phát tín hiệu rằng ông sẽ rút lui khỏi chính trường. Một quyết định có phần bất ngờ khi cách đây không lâu ông còn tuyên bố sẽ nắm quyền đến năm 2028. Tướng Hun Manet, con trai ông Hun Sen, người vừa được thăng hàm đại tướng vào ngày 20.4 được dự đoán sẽ đảm nhận trọng trách quan trọng trong tương lai khi được CPP đề cử. Một môi trường chính trị ổn định cùng kết quả tổ chức SEA Games thành công sẽ là yếu tố vô cùng quan trọng để CPP khẳng định sức mạnh của mình và giúp cho quá trình chuyển giao thế hệ diễn ra suôn sẻ.

Vì vận mệnh chung

Gia nhập ASEAN vào năm 1999, Campuchia là thành viên chính thức "trẻ" nhất của khối. Năm 2022, năm Campuchia lần thứ ba giữ cương vị Chủ tịch ASEAN, được đánh giá là thời điểm thử thách nhất với ASEAN khi Covid-19 vẫn còn hiện diện, cạnh tranh Mỹ-Trung gia tăng và xung đột Nga-Ukraine nổ ra. Campuchia đã hoàn thành xuất sắc vai trò của mình, thúc đẩy sự đoàn kết và thống nhất trong khối, tăng cường vai trò của ASEAN trong khu vực và toàn cầu. Bên cạnh đó, Campuchia đã nỗ lực để đưa Timor Leste, về mặt nguyên tắc, trở thành thành viên của ASEAN. Khẩu hiệu "Một Cộng đồng, Một Vận mệnh" tiếp tục được Campuchia nhấn mạnh trong phần kết của chương trình nghệ thuật khai mạc SEA Games 32.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.