“Chiêu” này nghe chừng còn hữu hiệu hơn là các chính sách dành cho chính các nữ nhân viên bởi những phụ nữ giỏi mà lại nhiệt tâm với công việc thì thường “vụng” đường gia đạo. Nhưng hễ gia đình gặp trục trặc thì phụ nữ thường là người suy sụp và công việc lúc đó bị bỏ bê.
Những anh chồng hiền
Thông thường, những người phụ nữ giỏi, có thể kiếm tiền đều không khó tìm được một anh chồng hiền lành. Khi vợ bận đi làm, chồng sẵn sàng đưa đón con, chiều về nhà có thể đi chợ. Nhưng nếu như cuộc sống cứ theo đà “Vợ biền biệt tối mờ tối mịt/ Chồng thẫn thờ bón cháo chờ cơm” thì chắc chắn có ngày cơm chẳng lành canh chẳng ngọt. Và nhiều cặp đã chia tay nhau vì người chồng không thể chịu nổi cảnh luôn là người về nhà trước và ngủ lâu rồi mới thấy vợ bấm chuông gọi cửa. Ngoài ra, việc vợ đi biền biệt cũng làm nhiều anh chồng nảy sinh nghi ngờ, mà đa phần là nghi ngay mấy ông sếp trực tiếp của vợ mình. Ghen tuông, hờn dỗi có khi còn mệt mỏi hơn là ly dị.
Nhưng nếu những cặp vợ chồng này được sự hỗ trợ của ông sếp tâm lý thì ngược lại. Chị Đinh Thị Thu (quận Tân Bình - TPHCM) kể: “Mình có ông sếp, cứ đi nước ngoài về là mua quà cho chồng mình. Lần thì cái áo, hôm thì cái bóp, thắt lưng... Mỗi lần đi công tác hoặc đi ăn nhà hàng, nếu chồng mình không bận là cứ đòi bằng được phải dẫn chồng đi cùng. Mình là nữ, giữ trọng trách trong công ty, được sếp tin tưởng nên mọi việc nhà phải nhờ chồng làm hết. Tối về có khi vừa ngồi ăn cơm vừa nghe điện thoại. Đêm đến còn phải làm báo cáo, phải chốt lại công việc trong ngày... Có hôm đi tiếp khách với sếp đến 1-2 giờ sáng, về nhà muộn, nhưng chồng mình lại được ông sếp của mình chăm sóc tốt nên cũng không nỡ càm ràm. Mỗi lần mình “giả” đòi thôi việc vì vất vả quá thì chàng lại động viên “ráng đi, anh V. tin tưởng em mà em bỏ đi thì cũng kỳ”. Chính vì thế, 12 năm nay, mình chỉ làm ở một công ty này thôi và lúc nào tinh thần cũng thoải mái, không bị những vấn đề của gia đình chi phối. Mình may mắn có một ông chồng hiền và một ông sếp khôn khéo”.
Lương không phải là tất cả
Đối với những phụ nữ có trình độ chuyên môn cao và có trách nhiệm với công việc, tiền lương không phải là tất cả khi họ chọn nơi đầu quân. Một công ty biết trọng dụng nhân tài và một người sếp biết quan tâm đến cuộc sống, hạnh phúc gia đình của nhân viên, đó là tất cả những gì họ muốn. Phụ nữ không giống đàn ông, tình cảm có thể chi phối mọi công việc của họ, dù đó là người phụ nữ cứng rắn nhất.
“Nếu tôi đi làm mà sếp không cho tôi thời gian để chăm sóc gia đình, lúc nào cũng chỉ chăm chăm giao việc và hỏi việc đã làm xong chưa thì sớm muộn gì tôi cũng nghỉ. Có thể vào cuối giờ chiều, sếp tôi nhắc rằng muộn rồi, về đi kẻo chồng mong nhưng vì tôi thấy mình chưa xong việc nên tôi chưa đi về. Nhưng nếu tối nào cũng thế, thấy tôi ở lại làm là được đà giao thêm việc, tôi cũng chẳng vui vẻ gì. Đi tiếp khách cũng vậy, tôi không thể ngồi thâu đêm suốt sáng như sếp và các bạn vì tôi còn có gia đình. Nhưng nếu tôi thấy rằng sự có mặt của tôi sẽ giúp sếp giải quyết công việc tốt hơn thì tôi cũng sẵn lòng.
Tuy nhiên, tôi sẽ không thể tiếp tục mãi khi mà sếp không một lời hỏi thăm đến “hậu phương” của tôi, không hỗ trợ tôi các “biện pháp” nhằm bình ổn hòa bình cho mái ấm của tôi. Với phụ nữ, sự chân thành, lòng nhiệt tình, sức chịu đựng luôn cao hơn nam giới. Nhưng nếu chúng tôi bị “tai nạn gia đình” thì sẽ mất một khoảng thời gian bị suy sụp nặng và lúc đó chắc chắn công việc được xác định là số 0” - chị Hoàng Diệu Thủy (Phú Mỹ Hưng, quận 7 – TPHCM) chia sẻ.
Anh Vũ Thành Trung, CEO một tập đoàn lớn tại TPHCM, cho biết: “Việc tôi quan tâm đến chồng của các nữ nhân viên ưu tú chính là để giữ vợ anh ta cho tập đoàn của tôi. Thay vì quan tâm đến bản thân nhân viên quá, rủi ro là chồng họ ghen, còn họ thì nảy sinh tình cảm với mình thì tôi quan tâm đến chồng của họ. Sự quan tâm đó làm họ xúc động và cảm thấy hãnh diện với gia đình mình, đồng thời còn giúp người chồng hiểu và cảm thông với công việc của vợ mình nhiều hơn. Tôi nghĩ điều này không phải là bí quyết gì nhưng đó là cách đối nhân xử thế rất hữu hiệu cho công tác nhân sự của những tập đoàn lớn, nơi rất cần sự gắn bó lâu dài của những người gia nhập”.
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)