Sexting đe dọa giới trẻ Anh

11/05/2017 14:24 GMT+7

Nhiều bậc phụ huynh ở Anh bỏ ra hàng chục ngàn bảng để đưa con gái đến trung tâm cai nghiện sexting - thói gửi tin nhắn kèm hình ảnh khỏa thân.

Giới hữu trách và các chuyên gia cảnh báo ngày càng nhiều thanh thiếu niên độ tuổi 13 - 19 ở Anh, đa phần là nữ giới, thích tự chụp ảnh khỏa thân rồi chia sẻ với bạn bè thông qua mạng xã hội, thậm chí bị nghiện. Nhiều thiếu nữ nghiện sexting dễ lao vào con đường mại dâm hoặc bị chính bạn trai mình trả thù bằng cách tung ảnh nóng lên mạng, dẫn đến trầm cảm và tự sát.
Nghiện như ma túy
Các số liệu thống kê cho thấy trong năm 2016 có 1.392 trường hợp tư vấn tâm lý liên quan đến sexting, tăng 15% so với năm trước, chưa kể nhiều trường hợp không tìm đến các nhà trị liệu. Nghiên cứu của Đại học Plymouth (Anh) phát hiện 38% thanh thiếu niên (13 - 18 tuổi) đã nhận hoặc gửi hình ảnh khỏa thân. Từ năm 2013 đến 2015, trên 2.000 người dưới 18 tuổi trình báo cảnh sát về việc hình ảnh khỏa thân của họ bị tung lên mạng.
Trước tình trạng này, nhiều bậc cha mẹ ở Anh phải bỏ tiền của, công sức đưa con gái ra nước ngoài để cai nghiện. Một trong số những nơi tiếp nhận nhiều trường hợp này là Trung tâm thanh niên Yes We Can (YWC) ở Hà Lan, với giá 50.000 bảng Anh/khóa kéo dài 1 tuần. Các chuyên gia ở YWC cho biết đa số thiếu nữ đến đây đều bị trầm cảm nghiêm trọng và có ý nghĩ tự sát sau thời gian dài nghiện sexting.
Nhà sáng lập YWC Jan Willem Poot cảnh báo hành vi chia sẻ ảnh khỏa thân cũng gây nghiện như ma túy và cờ bạc. “Nhiều thiếu nữ muốn chia sẻ ảnh nóng của mình đơn giản chỉ vì muốn gây sự chú ý, muốn được khen là gợi cảm hoặc bắt chước bạn bè. Cảm giác hưng phấn vì được tâng bốc lâu ngày dẫn đến nghiện, khiến các em quên đi hậu quả”, tờ Daily Mail dẫn lời ông Poot nói. Trong một số trường hợp, những cô gái mới lớn bị dụ dỗ gửi càng nhiều ảnh càng tốt và cuối cùng rơi vào bẫy của bọn chăn dắt gái mại dâm hoặc thậm chí tự bán thân.
Trong chương trình cai nghiện của YWC, học viên bị cấm sử dụng điện thoại thông minh và được sắp xếp tham gia trị liệu tâm lý, chơi thể thao và hoạt động cộng đồng. Sau khi rời trung tâm, phụ huynh sẽ đóng thêm 15.000 bảng Anh cho một chuyên viên theo sát con em mình trong vòng 4 tuần nhằm đảm bảo không tái nghiện. Tuy nhiên, ông Poot lưu ý chương trình cai nghiện của YWC chỉ là cách “chữa cháy” và quan trọng nhất phải là ngăn chặn ngay từ đầu.
Vai trò của cha mẹ
Trong vòng 4 năm gần đây, cảnh sát Anh mở 3.500 cuộc điều tra về sexting, theo tờ The Times. Brian Leveson, một trong số những thẩm phán hàng đầu của Anh, từng lên tiếng cảnh báo giới trẻ tránh xa sexting sau khi ông làm chủ tọa xét xử vụ một bé gái tự sát vì bạn trai 19 tuổi dọa sẽ phát tán những tin nhắn sexting. Không chỉ trẻ em gái mà cả nam sinh cũng có thể là nạn nhân của sexting. Hồi năm ngoái, tại ngôi trường Dauntsey nổi tiếng ở vùng Wiltshire, miền nam Anh, đã xảy ra một vụ việc gây chấn động khi một thiếu nữ dụ dỗ 42 nam sinh từ 11 - 18 tuổi gửi tin nhắn chứa ảnh khỏa thân rồi quay sang tống tiền.
Trước thực trạng đáng báo động trên, Tổng giám đốc Tổ chức An ninh mạng Internet Matters Carolyn Bunting kêu gọi cha mẹ nên nhanh chóng nói chuyện và cảnh báo con cái về sexting. “Hãy cảnh báo cho chúng biết về mối nguy hiểm trước khi bắt đầu sử dụng mạng xã hội và sở hữu smartphone. Tuy nhiên, đây là vấn đề rất khó nói. Một người cha từng bối rối hỏi chúng tôi rằng: “Tôi phải làm gì, không lẽ phải bảo con gái đừng chụp ảnh “chỗ đó”? Vâng, cha mẹ phải nói thẳng bởi vì nhiều thiếu niên xem chụp ảnh khỏa thân rồi chia sẻ là vô hại”, bà Bunting lưu ý. Mặt khác, theo các chuyên gia, nhà chức trách cần cập nhật chương trình giáo dục giới tính trong trường học hiện nay để tăng cường ý thức của học sinh về những cạm bẫy mới trong thời đại internet.
Kết quả khảo sát mới nhất tại Úc cho thấy có 20% số người trả lời (cả nam và nữ) cho biết mình là nạn nhân của việc trả thù bằng ảnh và video nhạy cảm, theo BBC. Trong số 4.274 người độ tuổi từ 16 - 49 tham gia khảo sát, 20% cho biết từng dại dột để người yêu chụp ảnh hoặc quay “clip nóng” dù bản thân cảm thấy không thoải mái, 11% nói đã bị công khai hình ảnh và 9% từng bị đe dọa. Tiến sĩ Nicola Henry thuộc Đại học RMIT nhận định việc bôi nhọ, trả đũa hoặc tống tiền bằng ảnh “nóng” đang lan rộng tại nhiều nước và trở thành vấn đề đau đầu cho nhà chức trách. Đặc biệt, đa phần nạn nhân của các vụ việc là thanh thiếu niên. Cụ thể, khoảng 30% số người trả lời từ 16 - 19 tuổi là nạn nhân của việc tung ảnh nhạy cảm trên mạng còn tỷ lệ ở nhóm tuổi từ 20 - 29 là 25%. Ngoài ra, theo số liệu của cảnh sát bang Queensland (Úc), gần 1.500 người dưới 17 tuổi có hành vi sexting và vi phạm luật về sở hữu trái phép hình ảnh khỏa thân trong 10 năm qua.
Bảo Vinh
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.