'Siết' cả người lẫn giá ở phố ông đồ

26/01/2016 14:18 GMT+7

Sát hạch người tham gia viết chữ; niêm yết giá cho chữ để tránh loạn chữ tại phố ông đồ Văn Miếu Hà Nội, là thông tin được Ban tổ chức Hội chữ Bính Thân công bố ngày 25.1.

Sát hạch người tham gia viết chữ; niêm yết giá cho chữ để tránh loạn chữ tại phố ông đồ Văn Miếu Hà Nội, là thông tin được Ban tổ chức Hội chữ Bính Thân công bố ngày 25.1.

Xin chữ ở Văn Miếu khi chưa có sát hạch ông đồ - Ảnh: Ngọc ThắngXin chữ ở Văn Miếu khi chưa có sát hạch ông đồ - Ảnh: Ngọc Thắng

Chuẩn hóa, trẻ hóa “phố ông đồ”

Theo Ban tổ chức Hội chữ Bính Thân tại Văn Miếu Hà Nội, cuộc sát hạch ông đồ đã được tổ chức rất sớm từ ngày 16.1. Cuộc sát hạch diễn ra trong thời gian 20 phút, mỗi người tham gia đều phải thực hiện một tác phẩm thư pháp hoàn chỉnh kèm theo thuyết minh tác phẩm. Các thí sinh thi đỗ sẽ được cấp “visa” để viết thư pháp tại Văn Miếu trong vòng 3 năm. Số ông đồ “đỗ vớt” sẽ chỉ được cấp phép trong năm nay, sang năm phải thi sát hạch lại. Điều này, sẽ hạn chế tối đa việc người cho chữ mà không biết chữ, viết sai… Người đi xin chữ, cho dù không hiểu được chữ Hán Nôm cũng yên tâm về những chữ mình mang về.
Đặc biệt, có những ông đồ đã nức tiếng trong làng thư pháp như: Trần Quang Đức, Nguyễn Hữu Sử, Nguyễn Thành Duy. Họ đều là những người rất trẻ, thuộc thế hệ 8X. Trần Quang Đức còn cùng với bạn bè mở triển lãm thư pháp hồi năm ngoái tại Bảo tàng Mỹ thuật VN. Nguyễn Tô Tâm An, người thi đỗ cao nhất trong kỳ thi kiểm tra người viết tại Văn Miếu năm 2015 cũng sẽ có mặt. “Chúng tôi có một khách mời đặc biệt. Đó là ông Lê Quốc Việt”, ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Văn Miếu Quốc Tử Giám nói. Ông Việt, một họa sĩ cũng là người nghiên cứu thư pháp, đã nhiều năm gắn bó với các hoạt động thư pháp ở VN. Ông cũng thành lập nhóm thư pháp Tiền vệ.
Ông Kiêu cũng cho biết giá cả bức thư pháp được niêm yết công khai, tránh tình trạng “chặt chém” người xin chữ như một số năm trước đây. “Những người xin chữ sẽ tự do lựa chọn giấy và người viết theo nội dung yêu cầu. Chi phí cũng tính theo giấy. Chẳng hạn mành nhỏ thì không quá 200 nghìn đồng một tờ, giấy hoa văn hình rồng không quá 130 nghìn đồng một tờ…”, ông Kiêu nói.
Hiện tại, danh sách ông đồ được viết chữ ở Văn Miếu gồm 138 người. Tuy nhiên, một số ông đồ cao tuổi do sức khỏe và thời tiết có thể sẽ không có mặt. Ban tổ chức sẽ dựng 100 lều. Người dân sẽ không phải lo lắng chuyện ùn ứ khi xin chữ cũng như chất lượng chữ.
Tăng tương tác với người dân
Một vấn đề cũng được đưa ra với ban tổ chức là làm thế nào để người dân có thể nhận biết được nhà thư pháp nào hợp nhất với mình. Nhà tổ chức do đó cũng tổ chức một triển lãm thư pháp ngay trong Hội chữ Bính Thân. “Gần 100 tác phẩm thư pháp sẽ được trưng bày có tên tác giả ở đấy. Người dân dự hội chữ có thể đi xem các tác phẩm. Qua nội dung, hình thức, họ có thể biết mình thích cách ai viết, phong cách nào phù hợp với thẩm mỹ của mình. Sau đó họ có thể tìm đến những lều có tên của người đó”, đại điện ban tổ chức cho biết. Những tác phẩm này đều có nội dung quay quanh chủ đề “Uống nước nhớ nguồn”.
Một hoạt động tương tác nữa cũng được tổ chức lần đầu ở hội chữ Văn Miếu. Đó là tập viết chữ Hán Nôm cho người dân thăm quan. Khách tham quan sẽ được viết lên cát trong các hộp gỗ đựng cát. Các mẫu chữ cũng sẽ được đục trên các tấm mica trong rồi đặt lên cát. Người viết thử có thể “tô” theo mẫu mica này. Đây là một trải nghiệm để công chúng có thể hình dung về cảm giác tay khi viết chữ Hán Nôm. “Tôi nghĩ đây là cách để người dân thấy chữ Hán Nôm gần gũi hơn. Dù sao đó cũng là một di sản văn hóa”, một nhà thư pháp trẻ nói.
“Thư pháp, xin chữ đầu Xuân là những tập tục đẹp của dân tộc. Vì thế chúng tôi từng bước muốn thiết lập lại trật tự và gây dựng bền vững những tập tục đó. Chúng tôi rất mong người dân sẽ ủng hộ”, ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở VH-TT Hà Nội nói. Đấy là lý do từ năm ngoái, các ông đồ đã không còn được phép ngồi cho chữ trên vỉa hè nữa, để đảm bảo tuyến phố văn minh đô thị. Năm nay, việc kiểm soát chữ cũng được tổ chức chặt chẽ hơn.
Theo lịch, hoạt động viết chữ sẽ diễn ra từ ngày 2.2.2016 đến 15.2.2016 (tức từ 24.12 đến 8.1 Âm lịch). Hằng ngày từ 8 giờ 30 đến 20 giờ người dân có thể đến Văn Miếu xin chữ. Riêng đêm 30 Tết, việc tổ chức viết chữ sẽ diễn ra đến 2 giờ sáng mùng 1 Tết. Ngày 1 và 2 Tết tổ chức chức viết đến 22 giờ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.