Siết chặt vay vốn bằng ngoại tệ

03/05/2012 03:46 GMT+7

Các doanh nghiệp xuất khẩu trong trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn do sự siết chặt về điều kiện vay USD.

Siết chặt vay vốn bằng ngoại tệ
DN xuất khẩu thủy sản càng thêm khó khăn khi chi phí vốn tăng cao - Ảnh: D.Đ.Minh

Từ ngày 2.5, theo quy định tại Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước, doanh nghiệp (DN) chỉ được vay vốn bằng ngoại tệ để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay. Điều này đang khiến các DN xuất khẩu ngành nông nghiệp đứng ngồi không yên vì chi phí tài chính sẽ tăng lên.

Ép vay tiền đồng

Với lãi suất vay USD hiện là 6 -7%/năm trong khi lãi suất vay tiền đồng dao động từ 15,5 - 18%/năm, thời gian qua nhiều DN xuất khẩu đã lựa chọn phương án vay USD phần nào để giảm bớt chi phí tài chính. Từ ngày 2.5, theo quy định trên, các DN xuất khẩu thủy sản, lúa gạo, cao su, cà phê, điều... sẽ không được vay vốn bằng ngoại tệ như trước. Bởi họ hầu như chỉ thu mua nguyên liệu trong nước để chế biến xuất khẩu nên không thể có nguồn thu ngoại tệ từ sản xuất - kinh doanh như quy định trên. Họ buộc phải vay tiền đồng mặc dù vẫn có nguồn thu ngoại tệ đủ trả nợ ngân hàng.

Ông Nguyễn Tuấn Anh - Tổng giám đốc Công ty CP chế biến thủy sản Út Xi - cho rằng quy định này chẳng khác nào bắt ép DN xuất khẩu phải vay vốn bằng tiền đồng với giá cao. “Bình thường chúng tôi cũng chỉ vay được khoảng 30% vốn lưu động mặc dù dựa trên lượng ngoại tệ thu về có thể vay được đến 70-80% do nguồn cung ngoại tệ hạn chế. Giờ chỉ vay tiền đồng với lãi suất cao sẽ khiến giá thành sản phẩm tăng cao và không còn khả năng cạnh tranh nổi với hàng xuất khẩu của Thái Lan, Ấn Độ, Bangladesh...”, ông Anh nói.

Đại diện một DN thủy sản tại An Giang không muốn nêu tên cho biết năm 2011, DN ông vẫn hoạt động có lãi chủ yếu do vay bằng USD là chính. Bởi sau khi xuất khẩu, công ty này vẫn có nguồn USD thu về đủ để trả nợ vay. Chênh lệch 9-10% lãi suất vay giữa hai đồng tiền này giúp DN ông tiết kiệm được khoảng 10 tỉ đồng/tháng (riêng chi phí lãi vay). Vị giám đốc này phân tích: Nguồn nguyên liệu trong nước vừa qua do mất mùa trở nên thiếu hụt nên giá cũng gia tăng. Điều đó đã khiến các DN chế biến xuất khẩu gặp bất lợi bởi nguồn nguyên liệu tại các nước khác đang rẻ hơn Việt Nam. Quy định mới này cũng vô hình trung chỉ “khuyến khích” các DN trong nước gia tăng nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài và khi đó nguồn thu ngoại tệ mang về cho đất nước lại càng giảm đi.

Lĩnh vực ưu tiên bị làm khó

Theo đánh giá chung của các chuyên gia kinh tế, quy định này ảnh hưởng khá mạnh đến các DN nông lâm ngư nghiệp, lĩnh vực mà Chính phủ ưu tiên vốn, lãi suất.

Tại hội thảo Phát triển tín dụng và dịch vụ ngân hàng ở đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ cuối tuần qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cũng khẳng định nông nghiệp sẽ là lĩnh vực ưu tiên của hệ thống ngân hàng trong nhiệm kỳ này. Thế nhưng, Thông tư 03 trên thực tế đã đẩy DN vào thế khó khăn hơn. Ông Nguyễn Tuấn Anh cho rằng DN xuất khẩu nhưng thu mua nguyên liệu trong nước khi vay ngoại tệ cũng sẽ bán lại ngay cho ngân hàng để lấy tiền đồng chứ không rút ra để chi trả cho khách hàng. Vì vậy việc vay ngoại tệ của họ không làm ảnh hưởng đến cán cân thanh toán ngoại tệ chung.

TS Lê Đạt Chí - Trường ĐH Kinh tế - cho rằng Việt Nam vẫn chưa có một chính sách tín dụng mang tầm vóc quốc gia đủ mạnh để thúc đẩy đầu tư và xuất khẩu của ngành nông lâm ngư nghiệp. Ví dụ như chương trình thẻ tín dụng nông nghiệp nông thôn của Thái Lan đã thực hiện khá thành công hơn 2 năm qua. Khi đó, các nông dân có thể sử dụng thẻ tín dụng để mua hạt giống, phân bón, thuốc trừ sâu và trả sau mà không phải trả lãi vay theo một thời hạn nhất định (tương tự thẻ tín dụng nội địa của các ngân hàng Việt Nam phát hành cho khách hàng cá nhân).

“Hiện các ngân hàng của chúng ta chỉ chạy đua phát hành thẻ tín dụng xài trước trả sau cho khách hàng ở thành phố lớn mà bỏ ngỏ khu vực nông thôn dù chính bản thân người nông dân cần điều đó hơn”, ông Chí nói.

Mai Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.