Cần quy định “cứng” số lượng cấp phó ở các bộ, cơ quan ngang bộ để chấm dứt tình trạng “loạn cấp phó” là quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi cho ý kiến về dự luật Tổ chức Chính phủ.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại phiên họp - Ảnh: TTXVN
|
Sáng 9.4, báo cáo giải trình tiếp thu dự thảo luật Tổ chức Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khẳng định việc quy định trong luật số lượng cấp phó ở bộ, cơ quan ngang bộ là cần thiết và đề nghị rõ số lượng tối đa thứ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan ngang bộ là 5; số cấp phó của tổng cục, cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ tối đa là 3; của vụ, văn phòng, thanh tra và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, cơ quan ngang bộ là 2.
“Không thể nuôi nổi”
Mặc dù nhìn nhận với số lượng cấp phó như hiện nay thì “không thể nuôi nổi”, nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng nếu quy định cứng có thể chưa phù hợp. “Ví dụ với những bộ lớn như Bộ NN-PTNT, nếu chỉ có 5 cấp phó thì có đủ để đảm nhiệm công việc hay không?”, bà Mai nêu câu hỏi.
Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng khẳng định cần đưa quy định số lượng cấp phó vào luật để đảm bảo chất lượng và “nếu không đưa vào QH sẽ không thông qua”. Chủ tịch QH ủng hộ quy định “không quá 5 thứ trưởng” vì “có bộ chỉ cần 3, có bộ cần 5” và với các bộ đa ngành thì số lượng này cũng là đủ, trừ Bộ Công an và Bộ Quốc phòng.
Cũng theo Chủ tịch QH, luật Tổ chức chính quyền địa phương cần quy định cụ thể số lượng cấp phó ở tỉnh, như “phó chủ tịch không quá bao nhiêu, cấp sở không quá bao nhiêu”... Ông cũng đề nghị chỉ có 4 văn phòng: T.Ư Đảng, Chính phủ, QH, Văn phòng Chủ tịch nước mới có quy định về cấp hàm vụ trưởng, vụ phó.
Chưa mở rộng thẩm quyền Thủ tướng
Liên quan đến đề xuất của Chính phủ về việc mở rộng, bổ sung mới một số thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, UBTVQH cho rằng việc mở rộng có thể không bảo đảm phù hợp với Hiến pháp.
Trước đó, tại dự thảo luật trình QH, Chính phủ đề xuất Thủ tướng có thẩm quyền giao quyền bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ khi khuyết các vị trí này (trong khi chờ QH phê chuẩn và Chủ tịch nước bổ nhiệm); được tạm thời giao quyền chủ tịch UBND tỉnh, TP trực thuộc T.Ư trong trường hợp chưa bầu được các chức danh này.
Bảo vệ cho đề xuất này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho rằng các quy định trên nhằm đảm bảo về vai trò lãnh đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của hệ thống hành chính; bảo đảm tính thống nhất, thông suốt, có hiệu quả trong tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước. Tuy nhiên, báo cáo của UBTVQH do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý trình bày khẳng định thẩm quyền của các thiết chế trong bộ máy nhà nước, bao gồm cả Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đều đã được hiến định cụ thể. “Nếu mở rộng bổ sung mới một số thẩm quyền như kể trên sẽ không bảo đảm phù hợp với Hiến pháp. Vì vậy, tiếp thu ý kiến của các đại biểu QH, UBTVQH đề nghị QH cho rà soát, chỉnh lý lại các quy định theo hướng bám sát nội dung quy định tại điều 98 của Hiến pháp, để cụ thể hóa các nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng như được thể hiện trong dự luật”, ông Lý đề nghị.
Tương tự, với đề xuất Thủ tướng có thẩm quyền phê duyệt danh sách nhân sự giới thiệu phó chủ tịch tỉnh; phê chuẩn, phê duyệt danh sách nhân sự trước khi giới thiệu bầu vào chức danh chủ tịch, phó chủ tịch UBND tỉnh, thành trực thuộc T.Ư, UBTVQH cho biết Hiến pháp đã có quy định việc Thủ tướng có thẩm quyền phê chuẩn việc bầu, miễn nhiệm và quyết định điều động, cách chức chủ tịch, phó chủ tịch UBND tỉnh, TP trực thuộc T.Ư. Để bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, UBTVQH đề nghị không bổ sung nội dung “phê duyệt danh sách nhân sự trước khi bầu” vào dự luật.
Bày tỏ quan điểm, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng thẩm quyền “phê duyệt nhân sự” của Thủ tướng là không cần thiết. Theo đó, các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch tỉnh, thành đã có tiêu chí, tiêu chuẩn được thể hiện ở luật Tổ chức chính quyền địa phương. “Đừng đặt thêm thủ tục hành chính phức tạp. Thủ tướng rồi Bộ Nội vụ lại xuống đi làm đủ thứ sau khi địa phương người ta làm hết cả rồi. Địa phương họ đã làm hết quy trình, xin ý kiến Ban Bí thư, Bộ Chính trị. Thủ tướng cũng đã có ý kiến trước ở đấy rồi khi Ban Cán sự Đảng Chính phủ có ý kiến để Ban Tổ chức trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Lúc đó có ý kiến đi... Chỗ này đề nghị các đồng chí đảm bảo tinh thần chặt chẽ nhưng phải khác”, Chủ tịch QH nói.
Tại dự thảo báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND, UBTVQH cho biết qua thảo luận, nhiều ý kiến đề nghị quy định cụ thể về cơ cấu, thành phần và tỷ lệ phân bổ đại biểu là phụ nữ, người dân tộc thiểu số, đại biểu tái cử, người trẻ tuổi ngay trong luật chứ không nên quy định có “số lượng thích đáng” như hiện nay.
UBTVQH cho rằng quy định cứng ngay trong luật này lại là điều khó khả thi. Do vậy, chỉ quy định số lượng người dân tộc thiểu số, số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử phải bảo đảm để ít nhất 15% tổng số người ứng cử là người dân tộc thiểu số, ít nhất 30% là phụ nữ.
|
Bình luận (0)