Siết nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu doanh nghiệp

Thanh Xuân
Thanh Xuân
21/09/2022 06:22 GMT+7

Để chấn chỉnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp , quy định mới đưa ra các điều kiện yêu cầu nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân phải hội đủ điều kiện mới được mua.

Lách nhà đầu tư chuyên nghiệp

Sau vụ lùm xùm nhiều nhà đầu tư cá nhân tham gia mua trái phiếu Tập đoàn Tân Hoàng Minh, quy định về nhà đầu tư cá nhân tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp (TPDN trong thời gian tới sẽ siết chặt hơn. Cụ thể, Nghị định 65 của Chính phủ quy định nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp cần đảm bảo danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch phải đạt giá trị bình quân tối thiểu 2 tỉ đồng trong thời gian tối thiểu 6 tháng liền kề, không bao gồm giá trị vay ký quỹ và giá trị chứng khoán thực hiện giao dịch mua bán lại. Kết quả xác nhận nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp sẽ có giá trị trong vòng 3 tháng kể từ ngày xác định.

Theo quy định mới, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân phải hội đủ nhiều điều kiện mới được mua trái phiếu doanh nghiệp

Ngọc Thắng

Thực tế, quy định về nhà đầu tư khi tham gia thị trường trái phiếu phải hội đủ khá nhiều điều kiện, nhưng vẫn có hiện tượng "lách". Theo Bộ Tài chính, tổng khối lượng TPDN phát hành riêng lẻ trong 7 tháng năm 2022 là 280.641 tỉ đồng, tương đương cùng kỳ năm 2021. Trong đó nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp mua 10,11%, công ty chứng khoán mua 22,43% và phần còn lại chủ yếu là các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, khi thống kê trên thị trường thứ cấp, sau khi mua trái phiếu, các công ty chứng khoán chủ yếu bán lại cho nhà đầu tư cá nhân khiến lượng trái phiếu nắm giữ của cá nhân tăng lên mức 32,6%. Ngoài ra, nhà đầu tư cá nhân được xác nhận là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp (hiệu lực trong vòng 1 năm) bằng hợp đồng mua kỳ hạn trái phiếu chính phủ hoặc chứng khoán niêm yết trong thời gian từ 2 - 4 ngày. Hay nhà đầu tư cá nhân sử dụng tài khoản vay ký quỹ để chứng minh danh mục chứng khoán niêm yết đang nắm giữ có giá trị trên 2 tỉ đồng nhưng thực tế số vốn tự có thấp hơn; cá nhân không trực tiếp đứng tên mua trái phiếu mà ký hợp đồng dân sự với công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại hoặc doanh nghiệp khác để mua TPDN riêng lẻ.

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Ngân hàng Đông Á, nhận xét: Những quy định mới này nhằm bảo vệ nhà đầu tư khi tham gia vào thị trường TPDN riêng lẻ nhưng ít người đáp ứng được. Chưa kể, những nhà đầu tư đáp ứng đủ điều kiện này thì "khẩu vị" của họ thường không thích loại hình trái phiếu. Bởi hiện nay những người mua trái phiếu thường sử dụng nguồn tiền gửi tiết kiệm, sau đó được các nhân viên kinh doanh trái phiếu tư vấn mua. Rủi ro ở đây là người mua trái phiếu không hiểu về trái phiếu mà nghĩ đó là tiền gửi tiết kiệm, không đọc báo cáo tài chính của doanh nghiệp phát hành trái phiếu, không biết trái phiếu đó có tài sản thế chấp hay không.

Phát triển quỹ trái phiếu doanh nghiệp

Theo nhận định của ông Huỳnh Anh Tuấn, thị trường TPDN trong thời gian tới sẽ khó có nhà đầu tư cá nhân tham gia. Việc lách quy định bằng cách tổ chức, cá nhân chuyên nghiệp mua xong bán lại, hay góp vốn đầu tư trái phiếu với nhà đầu tư không chuyên nghiệp sẽ bị hạn chế. Các nhà đầu tư cá nhân muốn tham gia vào TPDN có thể chờ những đợt chào bán ra công chúng của doanh nghiệp hoặc mua chứng chỉ quỹ trái phiếu. "Tình hình phát hành trái phiếu thị trường trong nước thời gian tới sẽ khó khăn hơn, đặc biệt khi cơ quan chức năng bổ sung thêm quy định đánh giá tín nhiệm của tổ chức phát hành", ông Huỳnh Anh Tuấn dự báo.

Ông Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cao cấp, chuyên ngành Tài chính - Kế toán, Đại học Bristol (Anh) đánh giá: "Các quy định mới về quản lý nhà đầu tư tham gia vào thị trường TPDN hiện nay chỉ mới tiếp cận “cái cây” mà chưa thấy “cái rừng”. Bởi bên cạnh việc hạn chế tiếp cận các trái phiếu rủi ro cao, phát hành riêng lẻ, thì nhiều nước cho mở các quỹ đầu tư TPDN, đặc biệt là dòng trái phiếu rủi ro cao. Ai muốn lãi suất cao, chịu rủi ro cao thì mua chứng chỉ của các quỹ đầu tư TPDN rủi ro cao (high yield bond funds). Quỹ sẽ do người chuyên nghiệp quản lý và đa dạng danh mục đầu tư. Như vậy họ có nhiều sự lựa chọn". Ông Hồ Quốc Tuấn dẫn chứng, các nhà đầu tư cá nhân ở Anh khi đầu tư vào TPDN cũng cần hội đủ một số điều kiện như phải qua đủ tư vấn, ký xác nhận và thường là phải được xác nhận tư vấn từ cố vấn tài chính độc lập (IFA - independent financial adviser) hoặc trải qua bài kiểm tra từ các chương trình (platform) đầu tư tự quyết định (DIY platform). Ở Mỹ hay Anh đều không bán TPDN rủi ro cao trực tiếp cho khách hàng. Ngay cả các platform đầu tư cũng chỉ bán trái phiếu của doanh nghiệp lớn, đã niêm yết và ăn chắc. Các trái phiếu rủi ro cao phát hành riêng lẻ thường chỉ được chào cho một số nhà đầu tư có tài sản lưu động (tiền mặt và gần tiền mặt) ở mức cao, và đã được chứng nhận có kinh nghiệm đầu tư.

“Ở VN, quy định mới ban hành như vậy sẽ khó tiếp cận được kênh bán lẻ TPDN. Việc siết quy định nhà đầu tư chuyên nghiệp thì nên thay thế bằng cách mở các kênh về quỹ TPDN sao cho đơn giản. Cách giải phóng nguồn lực nhà đầu tư nhỏ là cho mở quỹ TPDN dễ dàng hơn (hiện tại rất khó). Người dân ai muốn lãi suất cao thì cứ bỏ tiền vô quỹ”, ông Hồ Quốc Tuấn cho hay.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhận định: Dù rằng người mua trái phiếu sẽ ít đi nhưng có thể đảm bảo cho thị trường được vào nền nếp, an toàn. Những người mua trái phiếu thật sự có tìm hiểu về doanh nghiệp phát hành, chứ không phải tham gia mua chỉ vì lãi suất cao mà không hiểu gì về doanh nghiệp đó. Nghị định 65 chấn chỉnh thị trường TPDN riêng lẻ, siết chặt người mua trái phiếu là điều cần thiết. Nhà đầu tư tham gia TPDN riêng lẻ thật sự phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp vì trái phiếu là kênh huy động vốn trung dài hạn đối với doanh nghiệp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.