Siết tiến độ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1

11/07/2022 06:28 GMT+7

Với hàng loạt khó khăn bủa vây, dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 (2017 - 2020) có thể chậm tiến độ nếu không có các chính sách kịp thời.

Theo báo cáo của Bộ GTVT, tính đến đầu tháng 7.2022, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 giá trị xây lắp đạt khoảng 24.441/57.076 tỉ đồng; tương đương 42,8% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 0,8%.

Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Nha Trang - Cam Lâm, ngày 10.7.2022

Ngọc Huy

Trong số 11 dự án, mới có 1 dự án cán đích đầu năm 2022 là Cao Bồ - Mai Sơn, 4 dự án thành phần với chiều dài 361,4 km (gồm Mai Sơn - QL45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây) dự kiến hoàn thành cuối năm 2022. 4 dự án khác dài 148,3 km (QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Nha Trang - Cam Lâm và cầu Mỹ Thuận 2) hoàn thành dự kiến năm 2023; 2 dự án (Diễn Châu - Bãi Vọt và Cam Lâm - Vĩnh Hảo) dài 127,8 km dự kiến hoàn thành năm 2024.

Đáng chú ý, trong 10 dự án đang thi công có tới 5 dự án chậm tiến độ từ 1,7% đến gần 5%, gồm Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, Diễn Châu - Bãi Vọt và Cam Lâm - Vĩnh Hảo.

Vướng mắc lớn nhất do thời gian qua giá nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu tăng cao, việc bù trượt giá theo công thức được quy định trong hợp đồng với chỉ số trượt giá chưa bù đắp được mức độ biến động giá, ngoài khả năng dự báo của chủ đầu tư và nhà thầu. Thời tiết bất thường tại các tỉnh, mưa nhiều và đến sớm hơn thường lệ đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công, đặc biệt là công tác đắp nền, cấp phối đá dăm và bê tông nhựa.

Đại diện Bộ GTVT cho biết, vướng mắc này khiến các nhà thầu có tâm lý thi công cầm chừng chờ giá nhiên liệu, vật liệu xây dựng hạ và chờ hướng dẫn điều chỉnh hợp đồng, giá hợp đồng. Đặc biệt, đối với các dự án hoàn thành năm 2022, các nhà thầu đang thi công các lớp móng, mặt đường, cần phải huy động nguồn tài chính rất lớn. Bộ GTVT đã có báo cáo các bộ, ngành để tháo gỡ khó khăn; tuy nhiên, Bộ Xây dựng có văn bản nhưng chưa tháo gỡ được các vướng mắc liên quan đến biến động giá nhiên liệu, vật liệu xây dựng về việc điều chỉnh hợp đồng.

Đáng chú ý, sau 3 năm triển khai GPMB và thi công dự án, đến đầu tháng 7 vẫn còn khoảng 305 m mặt bằng (thuộc 2 dự án thành phần qua Nghệ An và Khánh Hòa) chưa bàn giao và một số công trình hạ tầng kỹ thuật chưa di dời. Nguồn vật liệu đắp nền đường sau hàng loạt biện pháp tháo gỡ khó khăn từ Chính phủ và các bộ ngành, đến nay vẫn còn 0,8 triệu m3 tại đoạn Nha Trang - Cam Lâm (địa bàn Khánh Hòa) đang thực hiện các thủ tục cấp giấy phép khai thác, dự kiến hoàn thành trong tháng 7.2022. Dự án thành phần Vĩnh Hảo - Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) thiếu hụt 2 triệu m3 hiện đã cấp phép, nhà thầu đang hoàn thiện thủ tục để khai thác trong tháng 7.2022.

Báo cáo Chính phủ, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cũng tiếp tục đề nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn việc thực hiện điều chỉnh hợp đồng, giá hợp đồng do ảnh hưởng biến động giá vật liệu đối với các dự án đang triển khai; đôn đốc các địa phương công bố giá, chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng hằng tháng, sát với biến động của thị trường. Đặc biệt, UBND các tỉnh bàn giao hết mặt bằng cũng như di dời công trình hạ tầng kỹ thuật trong tháng 7, để đảm bảo dự án về đích đúng hẹn.

Đặc biệt, Bộ GTVT cũng yêu cầu các đơn vị lập tiến độ tổng thể, chi tiết, ký cam kết về tiến độ hoàn thành dự án; theo dõi, kiểm soát chặt chẽ tiến độ từng ngày, tuần, tháng. “Kiên quyết xử lý các nhà thầu vi phạm, trường hợp vi phạm nghiêm trọng sẽ chấm dứt hợp đồng và cấm đấu thầu từ 3 - 5 năm”, lãnh đạo Bộ GTVT nêu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.