PTT thấy thế nào trước những tranh cãi, kể cả phản đối ở VN đối với siêu dự án của tập đoàn?
|
Chúng tôi hiểu những phản ứng khó tránh khỏi ở VN đối với một dự án có thể nói là lớn nhất của ngành công nghiệp lọc hóa dầu thế giới. Đây cũng là lần đầu tiên một tổ hợp bao gồm cả lọc dầu và hóa dầu được xây dựng trong cùng một dự án, cùng một địa điểm. Kinh nghiệm của chúng tôi cho thấy đầu tư nhỏ sẽ không hiệu quả và sẽ không cạnh tranh được với các nhà máy hiện tại trong khu vực châu Á, kể cả nhà máy ở Ấn Độ và Singapore. Hơn nữa, khi khảo sát KCN Nhơn Hội, Bình Định, quả thật đây là nơi lý tưởng để xây dựng một tổ hợp lọc dầu và hóa dầu thay vì chỉ làm 1 trong 2 hoặc với quy mô nhỏ như giới chức địa phương từng đề nghị với chúng tôi.
Vậy tại sao PTT không xây dựng ở Thái Lan lại đầu tư ở VN?
Ở Thái Lan hiện nay đang xuất khẩu cả sản phẩm lọc dầu và hóa dầu. Nếu xây dựng thêm nhà máy nữa chúng tôi cũng sẽ phải xuất khẩu là chính. Trong khi VN là thị trường chúng tôi nhắm đến, vậy thì tại sao không đầu tư tại VN? Đặt nhà máy ở VN tức là gần thị trường chính, chúng tôi có lợi thế cạnh tranh về cước vận chuyển so với đối thủ khác. Chưa nói đến lao động ở VN rẻ hơn ở Thái Lan. Một yếu tố quan trọng không kém là AEC, tức Cộng đồng kinh tế chung ASEAN, bắt buộc các nhà đầu tư phải tính toán nơi đầu tư tốt nhất để hưởng chi phí thấp nhất.
Nhiều ý kiến cho rằng sẽ mất cân đối cung cầu nếu cho phép PTT thực hiện dự án này ở VN, các ông đã tìm hiểu kỹ yếu tố này trước khi đầu tư?
Dựa vào tốc độ tăng trưởng GDP hằng năm, chúng tôi có thể khẳng định nhu cầu của thị trường VN rất lớn. Hơn nữa phần lớn sản phẩm của chúng tôi làm ra là hóa dầu, phần sản phẩm lọc dầu cung cấp cho thị trường VN rất ít, chủ yếu được sử dụng để làm hóa dầu. Theo chúng tôi biết, VN nhập rất nhiều sản phẩm hóa dầu. Có một nhà máy tại chỗ sẽ tốt hơn là nhập.
Tổ hợp lọc hóa dầu này sẽ giúp tạo ra giá trị cho nền kinh tế VN. Thứ nhất là tạo ra sản phẩm thay thế cho nhập khẩu. Thứ hai là hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp sau hóa dầu (downstream) như nhựa, hóa chất, sợi… Vì sản phẩm của dự án là đầu vào cho ngành công nghiệp này. Sản phẩm xăng, dầu và gas là một phần rất nhỏ trong dự án của chúng tôi.
|
Khoảng 60% vốn của dự án là vốn vay, khiến nhiều người nghi ngờ khả năng tài chính của PTT, ông giải thích sao về điều này?
Vốn của PTT chỉ tham gia 1 phần 3, 1 phần 3 tiếp theo từ các đối tác cung cấp nguyên liệu, còn lại là các nhà đầu tư tài chính. Chúng tôi rất muốn phía VN tham gia, kể cả Petro Vietnam và Petrolimex. Việc huy động vốn không khó nếu như chúng tôi chứng minh được dự án hiệu quả. Hiện có những đối tác tiềm năng sẵn sàng tham gia vào dự án này.
PTT gọi siêu dự án này là The Victory (chiến thắng), tổng vốn đầu tư 27 tỉ USD. Sản phẩm của The Victory bao gồm (tấn/năm): LLDPE 800.000 Nguồn: PTT |
Chính phủ đồng ý cho PTT lập dự án đầu tư Thông tin này được Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề: "Thu hút đầu tư - Kinh nghiệm từ Bình Định" diễn ra tại TP.Quy Nhơn sáng 12.5. Theo ông Hồ Quốc Dũng, PTT nằm trong top 100 tập đoàn lớn nhất thế giới hiện nay với tài sản hơn 50 tỉ USD, doanh thu hằng năm theo báo cáo tài chính hơn 80 tỉ USD, lợi nhuận gần 3,5 tỉ USD/năm. Trong chiến lược phát triển, PTT đã có kế hoạch phát triển một nhà máy lọc hóa dầu ở khu vực Đông Nam Á đủ năng lực cạnh tranh với thế giới. Như vậy, nhà đầu tư đã có năng lực thực tế và đã có kế hoạch thực hiện dự án. Ông Man Ngọc Lý, Trưởng ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Bình Định, cũng cho biết Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã ký văn bản giao UBND Bình Định hướng dẫn PTT lập dự án đầu tư. Đây là bước quan trọng để khẳng định chính thức về mặt pháp lý tính khả thi của dự án, sau đó sẽ trình báo cáo dự án khả thi để Bộ Công thương thẩm định, Thủ tướng ra quyết định chủ trương đầu tư và thẩm định về môi trường do Bộ TN-MT phê duyệt. Hoàng Trọng |
Minh Quang
(Văn phòng Bangkok)
Bình luận (0)