Siêu ngư phủ

11/02/2013 15:23 GMT+7

(TN Xuân) Với hơn 20 năm bám biển cùng việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ngư dân trẻ Nguyễn Gia Viên (40 tuổi), ở xã An Vĩnh, Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã trở thành tỉ phú.

(TN Xuân) Với hơn 20 năm bám biển cùng việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ngư dân trẻ Nguyễn Gia Viên (40 tuổi), ở xã An Vĩnh, Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã trở thành tỉ phú.

Đam mê biển khơi

Từ nhỏ, hình ảnh hậu duệ của những hùng binh Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn hiên ngang đạp sóng đưa tàu cá đến vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa của Tổ quốc để mưu sinh, đã khiến Viên vô cùng khâm phục.

Tuy nhiên, rào cản gia đình là trở ngại lớn nhất trước khi anh trở thành ngư dân can trường giữa biển khơi. Cha anh là giáo viên nên ông tâm niệm phải cho con cái theo đường học vấn. Vì thế, khi Viên bộc bạch ý định nghỉ học để đi biển, cha anh mắng té tát. Sau bao lần thuyết phục, đến khi anh học hết lớp 9, cha anh mới đồng ý. “Thấy cha mẹ gật đầu, tôi mừng hết lớn, chạy khoe khắp xóm làng”, Viên nhớ lại.

Siêu ngư phủ 1 
Viên và chiếc máy dò ngang

Những chuyến đầu ra khơi bị say sóng nôn đến mật xanh mật vàng nhưng Viên không nản chí, vẫn quyết tâm bám biển đến cùng. Nhờ lòng can đảm và ý chí sắt đá, nên chỉ sau một vài năm Viên trở thành một ngư dân thực thụ, một thợ lặn cừ khôi ở Lý Sơn.

Sau 10 năm, anh tích lũy được ít vốn, rủ thêm 15 ngư dân khác hùn mua tàu cá cũ, do chính anh làm thuyền trưởng.

Ý tưởng táo bạo

Muốn đánh bắt được nhiều hải sản, phải có tàu công suất lớn và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong đánh bắt. Lý thuyết này hầu như ai cũng hiểu, nhưng làm cách nào, áp dụng khoa học kỹ thuật ra sao…? Những câu hỏi cứ xoáy trong Viên nhiều tháng trời. Để rồi khi Viên đưa ra ý tưởng, anh em ngư dân trong tổ hùn vốn đồng ý ngay.

 Siêu ngư phủ 2
Đội tàu của thuyền trưởng Viên năm nào cũng được mùa cá - Ảnh: Hiển Cừ

Sau khi bán tàu cũ, nhóm của Viên đã đóng tàu mới công suất 80 CV, trị giá khoảng 300 triệu đồng và mua máy dò đứng (thiết bị dò tìm luồng cá) trị giá 11 triệu đồng. Có tàu mới, lớn hơn, có máy dò, sản lượng từng chuyến biển từ 3 - 5 tấn tăng lên 7 - 10 tấn. Làm ăn ngày một khấm khá, Viên nâng công suất tàu cá từ 80 lên 546 CV và sắm thêm 2 tàu cá mới, một chiếc công suất 180 CV và một chiếc 120 CV, đầu tư giàn lưới trị giá 1 tỉ đồng.

Không dừng lại đó, Viên quyết tâm đầu tư, làm chủ ngư trường biển Đông quê hương. Năm 2010, anh là ngư dân đầu tiên ở đảo Lý Sơn bỏ ra 320 triệu đồng “rinh” về chiếc máy dò ngang C250. Một năm sau, anh lại mua thêm máy dò ngang C300, trị giá 480 triệu đồng. Theo lời Viên, từ khi có máy dò ngang hiện đại, mỗi chuyến biển được vài chục tấn cá là chuyện bình thường. “Tháng 7.2011, khi tui cho tàu ra biển cách đảo Lý Sơn chừng 100 hải lý, màn hình máy dò ngang hiện lên đàn cá lớn. Mẻ lưới này từ khi thả đến lúc kéo lưới khoảng 1 tiếng 10 phút đã trúng đậm 30 tấn cá, doanh thu 600 triệu đồng”, Viên khoe.

Suốt 7-8 năm qua, năm nào đội tàu của Viên cũng được mùa cá. Đặc biệt, trong hai năm 2011 - 2012 đều thắng lớn với mỗi năm hơn 500 tấn cá, doanh thu từ 7 - 12 tỉ đồng. Sau bao nhiêu năm miệt mài bám khơi xa, nhiều lần đối mặt với hiểm nguy giữa đại dương nhưng trong tim thuyền trưởng Nguyễn Gia Viên vẫn luôn rực cháy tình yêu biển.

Hiển Cừ

>> Tiếp sức ngư dân vươn khơi bám biển
>> Lắp đặt thiết bị kết nối vệ tinh cho ngư dân
>> Ngư dân đóng tàu công suất lớn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.