'Siêu tàu sân bay' Mỹ được triển khai

06/10/2022 08:02 GMT+7

Tàu sân bay USS Gerald R. Ford của Mỹ đã rời căn cứ hôm 4.10, bắt đầu chuyến triển khai đầu tiên sau nhiều năm trì hoãn.

Với 23 công nghệ mới và chi phí lên đến hơn 13 tỉ USD, đây là hàng không mẫu hạm tân tiến nhất, cũng là tàu chiến đắt đỏ nhất của quân đội Mỹ.

USS Gerald R. Ford là tàu sân bay mới đầu tiên được thiết kế trong hơn 40 năm tại Mỹ, được đặt theo tên tổng thống thứ 38 của Mỹ. Quá trình đóng tàu chính thức bắt đầu vào tháng 11.2009 và thời gian bàn giao theo dự kiến ban đầu là năm 2015. Song đến năm 2017, tàu mới được bàn giao cho hải quân Mỹ và chính thức đi vào hoạt động cùng năm.

Tàu sân bay USS Gerald R. Ford

Hải quân Mỹ

Tham mưu trưởng hải quân Mỹ, đô đốc Michael Gilday, năm 2021 từng cho biết chính tham vọng trang bị nhiều công nghệ mới cho tàu đã “làm gia tăng rủi ro trong việc bàn giao đúng hạn, cũng như về chi phí, ngay từ những bước đầu tiên”.

“Chúng tôi thực sự không nên trang bị nhiều hơn một hoặc hai công nghệ mới trên bất kỳ nền tảng phức tạp nào như vậy để đảm bảo rủi ro ở mức có thể kiểm soát được”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn với Business Insider, cho biết có đến 23 công nghệ mới trên tàu.

Siêu tàu sân bay Mỹ từng bị ông Trump chê xuất hành ra Đại Tây Dương

Những công nghệ mới nổi bật nhất bao gồm hệ thống phóng máy bay điện từ (EMALS) và thiết bị hãm máy bay tân tiến (AAG). Trong khi bốn máy phóng trên tàu sân bay lớp Nimitz chạy bằng động cơ hơi nước, EMALS của Ford sử dụng động cơ cảm ứng tuyến tính, giúp máy bay cánh cố định cất cánh trơn tru hơn và với tốc độ nhanh hơn nhiều. AAG cũng có những lợi thế so với thiết bị đời trước, bao gồm bộ điều khiển kỹ thuật số có khả năng tự chẩn đoán và gửi cảnh báo bảo trì.

Tàu cũng được trang bị một hệ thống thang máy mới với thiết kế phục vụ những loại đạn dược thông minh có kích thước lớn hơn và cấu trúc phức tạp hơn. 11 thang máy được chế tạo và bố trí đặc biệt bên trong tàu sân bay giúp giảm thời gian di chuyển vũ khí từ các hầm chứa lên sàn đáp. Ngoài ra, hai lò phản ứng hạt nhân A1B được thiết kế mới có thể tạo ra lượng điện nhiều hơn gần ba lần so với các lò phản ứng A4W được sử dụng trên tàu sân bay lớp Nimitz.

Các hệ thống mới giúp tăng khả năng của Ford và giảm số lượng thủy thủ cần thiết để vận hành tàu, song cũng gây ra nhiều vấn đề. Rắc rối nhất có lẽ là hệ thống thang máy khi những sự cố với công nghệ này từ năm 2018 đã khiến chuyến triển khai đầu tiên của tàu bị trì hoãn. Tàu đã tiến hành các thử nghiệm phản ứng sốc mà không có thang máy nào hoạt động.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.