Nhu mô gan thường xuyên lọc ra khỏi cơ thể những chất độc có trong máu bằng cách chuyển hóa, biến đổi chúng hết độc rồi thải ra ngoài qua đường mật hay đường tiểu. Do thường xuyên xử lý chất độc nên gan có thể bị nhiễm độc thể hiện ở chỗ nhu mô gan bị tổn thương và được gọi là viêm gan. Viêm gan là tình trạng tế bào gan bị viêm, bị hư hoại và chết đi.
Viêm gan có thể do nhiễm độc (do sử dụng thuốc lâu dài, do nghiện rượu) nhưng nguyên nhân thường gặp nhất ở ta hiện nay là viêm gan do nhiễm siêu vi (viêm gan siêu vi A, B và C). Khi tế bào gan bị viêm, bị tổn thương, các men gan như ALT (còn được ghi SGPT)) và AST (SGOT) từ gan phóng thích nhiều vào máu. Vì vậy, khi xét nghiệm thấy men gan ALT và AST tăng lên thì đó là dấu hiệu cho biết tình trạng có viêm, tổn thương gan. Trong thời gian điều trị viêm gan, nếu các men gan giảm xuống đến mức bình thường thì xem như tình trạng bệnh được cải thiện.
Từ lâu, một dược thảo đã được sử dụng từ phương Tây để bảo vệ gan và hỗ trợ chức năng gan trong điều trị viêm gan. Đó là cây Kế sữa còn gọi là Cúc gai (các nước dùng tiếng Anh gọi là Milk Thistle) có tên khoa học gọi là Silybum marianum thuộc họ Compositae. Hoạt chất có trong dược thảo có tác dụng bảo vệ gan được xác định là Silymarin. Silymarin là hợp chất thuộc loại flavonoid được chiết từ hạt hoặc từ quả cây Kế sữa.
Thuốc tây y đã dùng Silymarin khá lâu đời và dùng với dạng cao khô chiết hợp chất này (cao định chuẩn chứa 70-80% Silymarin) để hỗ trợ điều trị tổn thương và nhiễm độc gan (kể cả viêm gan mạn hoặc xơ gan. Cấu trúc hóa học của Silymarin đã được các nhà khoa học phương tây xác định từ những năm 1960, gồm 3 chất chính: silibinin, silydianine và silychristine. Cho tới nay, đã có nhiều công trình nghiên cứu chứng minh Silymarin giúp bảo vệ gan và hỗ trợ chức năng gan trong điều trị viêm gan là do có 4 tác dụng đã được chứng minh sau đây (theo Clin Drug Invest 2002:22(1):51-65).
1. Silymarin là chất chống oxy hóa có thể vô hiệu hóa gốc tự do gây hại:
Là một flavonoid nên Silymarin có thể vô hiệu hóa các gốc tự do (như lipoperoxid) là các chất sinh ra nhiều khi gan bị viêm, bị tổn thương.
2. Silymarin giúp ổn định màng tế bào gan và ngăn chặn chất độc từ ngoài nhiễm vào trong tế bào gan:
Đây chính là cơ chế giải độc gan của Silymarin. Trong nhiều nghiên cứu dùng mô hình thử trên chuột, Silymarin có tác dụng bảo vệ mô gan từ sự nhiễm độc do các chất gây độc ở gan như paracetamol, rượu, CCl4…
3. Silymarin tăng cường tổng hợp RNA ribosom (ribosomal RNA synthesis), giúp sự tổng hợp protein nhằm thúc đẩy phục hồi các tế bào gan bị tổn thương và kích thích sự phát triển các tế bào gan mới.
Trong một nghiên cứu dựa trên mô hình gây viêm gan của chuột bằng galactosamine, tiêm Silymarin phúc mạc chuột với liều 140 mg/kg/ngày trong 4 ngày giúp ức chế tác hại của galactosamine để gan chuột tạo protein tốt hơn.
4. Silymarin ức chế sự biến đổi gan thành tổ chức xơ, giảm sự hình thành các sợi collagen đưa đến xơ gan.
Trong một nghiên cứu, Silymarin chứng tỏ làm giảm sự hình thành tế bào hình sao (stellate cells) cô lập từ gan chuột đến 75%, do đó làm giảm sự biến đổi tế bào hình sao thành các sợi collagen dẫn đến xơ gan.
Trên thế giới hiện nay có lưu hành nhiều thuốc, chế phẩm chứa Silymarin để giúp phục hồi sức khỏe con người. Các sản phẩm chứa Silymarin có dạng viên nén, viên nang, dạng cao nước… Nhiều công trình thử nghiệm lâm sàng (tức thử trên người) đã được thực hiện chứng minh tác dụng bảo vệ gan của Silymarin trong hỗ trợ điều trị viêm gan cấp với liều dùng từ 400-1440 mg cao định chuẩn (standard extract) Silymarin mỗi ngày.
Liều Silymarin dùng cho người đang được áp dụng hiện nay được xem là an toàn. Tác dụng phụ khi dùng cho người có thể xảy ra thuộc loại hiếm là: rối loạn tiêu hóa (nhuận trường nhẹ), đặc biệt rất hiếm: nổi ban, khó thở. (PGS.TS Nguyễn Hữu Đức)
THÔNG TIN DỊCH VỤ
Bình luận (0)