Singapore bầu thế hệ lãnh đạo thứ tư

12/09/2015 00:00 GMT+7

Ngày 11.9, cử tri Singapore bầu chọn 89 đại biểu quốc hội, trong đó có những người được tin sẽ trở thành lãnh đạo thế hệ thứ tư của đảo quốc.

Ngày 11.9, cử tri Singapore bầu chọn 89 đại biểu quốc hội, trong đó có những người được tin sẽ trở thành lãnh đạo thế hệ thứ tư của đảo quốc.

Singapore bầu thế hệ lãnh đạo thứ tưVợ chồng Thủ tướng Lý Hiển Long đi bỏ phiếu ngày 11.9 - Ảnh: Reuters

Trong đợt tranh cử vửa qua, Thủ tướng Lý Hiển Long thừa nhận thất bại lớn nhất của ông cho đến thời điểm này, sau hơn 11 năm nắm quyền, là chưa tìm ra người sẵn sàng để thay thế khi ông muốn hoặc buộc phải thôi chức. Cha ông, nhà lãnh đạo Lý Quang Diệu, đã bồi dưỡng cho người kế nhiệm Goh Chok Tong từ rất sớm, theo hồi ký Câu chuyện Singapore 1965 - 2000. Rồi đến ông Lý Hiển Long cũng ở trong tư thế chờ thay ông Goh trong rất nhiều năm.
Đương kim Thủ tướng cũng cho biết ông muốn thôi chức trước năm 2020, tức còn không đầy 5 năm nữa. Vì vậy, yêu cầu có một thế hệ thứ tư chuẩn bị thay thế hệ của ông Lý đã trở nên rất bức thiết. Như để trấn an công chúng, mà hẳn cũng để nhắc nhở cử tri, ông Lý trong quá trình vận động tranh cử đã nói lãnh đạo tương lai của Singapore nằm trong số các ứng viên của đảng Hành động Nhân dân (PAP) lần này. PAP do ông Lý Quang Diệu thành lập năm 1954 và liên tục lãnh đạo Singapore từ năm 1959 đến nay. “Điều quan trọng là cử tri có bầu cho họ không”, ông Lý Hiển Long nhắc khéo.
Hôm 11.9, không khí 832 điểm bầu cử trên toàn quốc nhìn chung khá yên tĩnh. Cử tri xếp hàng rất trật tự, không trao đổi gì với nhau và lặng lẽ ra về sau khi bỏ phiếu.
Giải pháp an toàn
Mặc dù ông Lý Hiển Long không chỉ ra những khuôn mặt triển vọng trong thế hệ thứ tư, nhưng trong số 89 ứng viên PAP, các nhà quan sát chỉ ra 6 người. Đó là Tổng thư ký Liên đoàn Lao động quốc gia (NTUC) Chan Chun Sing, Bộ trưởng Phát triển gia đình và xã hội Tan Chuan Jin, Bộ trưởng Giáo dục Heng Swee Keat, Bộ trưởng Văn hóa, Cộng đồng và Thanh niên Lawrence Wong, Bộ trưởng Y tế Gan Kim Yong và cựu Tham mưu trưởng quốc phòng Ng Chee Meng vừa gia nhập chính trường.
Trong số những người này, dư luận quan tâm nhiều đến ông Chan Chun Sing, 45 tuổi, được cho là có triển vọng trở thành thủ tướng tương lai. Ông Chan từ bỏ vị trí tư lệnh lục quân năm 2011 để tham chính và tại Singapore xuất hiện một số đồn đoán nói ông có quan hệ họ hàng với ông Lý Quang Diệu. Ngay khi bước vào chính trường, ông Chan được liên tiếp bổ nhiệm các ghế thứ trưởng, bộ trưởng. Nhìn lại con đường tiến thân của ông Chan rất giống con đường mà đương kim Thủ tướng Lý Hiển Long đã trải qua và cũng giống “công thức” bồi dưỡng lãnh đạo Singapore mà ông Lý Quang Diệu đã viết trong hồi ký nói trên.
Trong cuộc bầu cử lần này, các nhà phân tích cho rằng PAP chọn giải pháp an toàn khi không đưa các ứng viên chủ chốt của mình, gồm cả 6 gương mặt kể trên, ra tranh cử ở 10 khu vực mà đảng Công nhân (WP) đối lập có mặt. WP hiện là đảng đối lập lớn và có uy tính nhất trong 7 chính đảng tham gia tranh cử. Chính WP trong cuộc bầu cử 2011 đã bất ngờ đánh bại đội PAP gồm 5 chính trị gia gạo cội tại khu vực Ajunied.
Cho đến cuối ngày 11.9, kết quả kiểm phiếu mẫu và một vài khu vực đã có kết quả chính thức với PAP chiến thắng tại 26/29 khu vực. Cựu nhà báo Chin Kah Chong nói với Thanh Niên rằng nếu những gương mặt triển vọng của thế hệ thứ 4 thất bại thì PAP sẽ có chiến thuật đưa họ trở lại bằng các cuộc bầu cử giữa kỳ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.