Sinh viên bị đuổi học nếu bình luận dung tục trên mạng xã hội

19/04/2016 18:50 GMT+7

Trong quy định “10 hành vi sinh viên không được làm” mức kỷ luật cao nhất sẽ là buộc thôi học với việc đăng tải, bình luận dung tục trên trang mạng xã hội.

Trong quy định “10 hành vi sinh viên không được làm” mức kỷ luật cao nhất sẽ là buộc thôi học với việc đăng tải, bình luận dung tục trên trang mạng xã hội.
 

Bộ Giáo dục - Đào tạo cho rằng quy định nhằm giúp giới trẻ sử dụng môi trường mạng một cách lành mạnh, an toàn - Ảnh: AFPBộ Giáo dục - Đào tạo cho rằng quy định nhằm giúp giới trẻ sử dụng môi trường mạng một cách lành mạnh, an toàn - Ảnh: AFP
Các trường sẽ xác định cụ thể  hành vi nào là vi phạm
Theo quy chế mới về công tác sinh viên đại học chính quy mà Bộ Giáo dục - Đào tạo vừa ban hành, hành vi mới được bổ sung là sinh viên không được đăng tải, bình luận, chia sẻ bài viết, hình ảnh có nội dung dung tục, bạo lực, đồi trụy, xâm phạm an ninh quốc gia, chống phá Đảng và Nhà nước, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân trên mạng internet.
Tùy theo mức độ vi phạm, sinh viên sẽ bị xử lý từ khiển trách đến buộc thôi học. Nếu nghiêm trọng, sinh viên được giao cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.
Giải thích về việc ban hành quy chế này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa cho biết: “Mục đích xây dựng quy chế không phải để tạo ra rào cản với các nền văn hóa, lối sống hiện đại. Quy định này chỉ mang tính chất khung, nguyên tắc bởi thế hệ trẻ không thể đi ngược lại truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam”.
Cũng theo bà Nghĩa: Đây cũng là cách thức để giúp sinh viên sử dụng môi trường mạng một cách lành mạnh, giúp các bạn học tập, giải trí vui chơi trong môi trường thật sự an toàn. Sinh viên cũng như mọi công dân có quyền tự do ngôn luận nhưng phải tuân theo quy định của pháp luật.
Bà Nghĩa cho rằng, dựa trên các quy định này của Bộ Giáo dục - Đào tạo, nhà trường sẽ có quy định chi tiết và tổ chức quán triệt, thực hiện các biện pháp phòng ngừa nhằm giảm thiểu các vi phạm trong sinh viên
Trước thắc mắc về phân biệt hành vi dung tục như thế nào, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng cần căn cứ vào hành vi vi phạm cụ thể và đối chiếu với các quy định hiện hành. Tại các trường, hội đồng khen thưởng kỷ luật sẽ xác định hành vi này và việc xử lý thuộc thẩm quyền trường.
Liệu có xử lý đúng người, đúng tội?
Đồng tình với việc phải xử lý nghiêm hành vi dùng mạng xã hội với mục đích xấu, tuy nhiên Đặng Thanh Nga, sinh viên Trường đại học Thăng Long, Hà Nội nêu tình huống: tình trạng người sử dụng mạng xã hội bị hack và lấy mất tài khoản hiện nay không thiếu. Trong trường hợp sinh viên bị kẻ xấu sử dụng tài khoản của mình để đăng những nội dung được xem là vi phạm theo quy chế thì nhà trường có cách nào để tránh xử lý oan ức sinh viên của mình không?
Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý- Giáo dục TP. Hà Nội bày tỏ sự quan tâm đến tính khả thi của quy định mới này khi cho rằng: "Đặt ra quy định thì không khó, nhưng kèm theo đó phải là những biện pháp kiểm soát để xử lý đúng người, đúng việc. Liệu các trường có đủ nguồn lực để giám sát hàng nghìn sinh viên của mình đang sử dụng mạng xã hội như thế nào hay không?".
Về phía Bộ Giáo dục - Đào tạo, bà Nguyễn Thị Nghĩa khẳng định sẽ rất cầu thị, lắng nghe và tiếp thu ý kiến của cộng đồng xã hội cũng như của các cơ sở đào tạo, trong quá trình triển khai thực hiện, nếu thấy cần thiết, có thể nghiên cứu để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn hiện nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.