Sinh viên học thêm 'nghề tay trái'

29/07/2023 15:05 GMT+7

Nhiều sinh viên tại TP.HCM học thêm những kỹ năng nghề nghiệp hay 'nghề tay trái' để có thể bổ trợ công việc trong tương lai.

"Nghề tay trái" dần trở thành xu hướng

Trong quá trình giảng dạy tại các trường ĐH tại TP.HCM, thạc sĩ Nguyễn Thanh Quang, chuyên gia phát triển năng lực thanh niên, công tác tại Viện Nghiên cứu và giáo dục phát triển bền vững, cùng các cộng sự đã thực hiện cuộc khảo sát với tổng cộng 500 sinh viên trong vòng 8 tháng (từ tháng 2-10.2022). Kết quả cho thấy 82,8% sinh viên đều đã và đang học thêm nghề tay trái. Trong đó, 73,1% sinh viên bắt đầu học thêm nghề tay trái từ năm nhất.

Chẳng hạn, Nguyễn Thanh Vy, sinh viên năm 2 ngành tài chính ngân hàng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, tự học thêm tiếng Hàn ngay từ năm nhất với mong muốn tìm kiếm công việc bán thời gian về dịch thuật.

Nhờ nỗ lực học biên phiên dịch tiếng Hàn, Vy đang làm cộng tác cho một website dịch thuật tiếng Hàn. Nữ sinh viên cho hay: "Lúc đầu, tôi chỉ xác định học xong ĐH rồi mới bắt đầu tìm việc. Dù tiếng Hàn không hỗ trợ cho ngành học chính nhưng giúp tôi có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm trong tương lai".

Một số sinh viên khác chọn học một nghề liên quan trực tiếp đến ngành học ở trường ĐH để bổ trợ kinh nghiệm cũng như kỹ năng.

Dù đang học ngành kiến trúc tại Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM nhưng sinh viên Nguyễn Thanh Phương đã hoàn thành khóa học vẽ sketch minh họa nhân vật và storyboard tại một trung tâm ở Q.Tân Bình (TP.HCM). Hiện Phương nhận dự án vẽ nhân vật theo yêu cầu và sáng tạo hiệu ứng trên nền tảng TikTok.

Phương dự định học thêm các khóa học khác về đồ họa để phục vụ cho công việc hiện tại cũng như chuyên ngành học chính. "Tôi mong muốn trong tương lai mình có thể dung hòa và sử dụng được cả hai đam mê là đồ họa và kiến trúc vào trong công việc của mình", Phương tâm sự.

Sinh viên học thêm 'nghề tay trái' - Ảnh 1.

Sản phẩm của Thanh Phương trong quá trình học tại trung tâm

NVCC

Theo thạc sĩ Nguyễn Thanh Quang, việc học thêm nghề tay trái đang trở thành xu thế. "Kiến thức nếu chỉ học trên sách vở là không đủ, sinh viên cần phải 'đa nhiệm' bao gồm hiểu biết về thực tế xã hội và có các kỹ năng hữu ích phục vụ công việc", anh Quang lưu ý.

Phương án dự phòng cho tương lai

Tận dụng tối đa thời gian, không ít sinh viên ngành báo chí đăng ký tham gia những khóa học ngắn hạn. Nguyễn Thị Thanh Trà, sinh viên năm 2 Trường CĐ Phát thanh-Truyền hình II, học thêm khóa đào tạo MC (người dẫn chương trình), phát thanh viên tại một trung tâm ở Q.5 (TP.HCM).

Thanh Trà cho biết bản thân chỉ muốn trau dồi kỹ năng, không đặt nặng mục tiêu hoàn thành khóa học phải trở thành MC chuyên nghiệp. "Tôi nhận thấy khóa học bổ trợ các kỹ năng cần thiết cho ngành báo chí, như khả năng dẫn dắt một câu chuyện và mạnh dạn giao tiếp hơn với nhân vật", Trà nói.

Sinh viên học thêm 'nghề tay trái' - Ảnh 2.

Thanh Trà dẫn chương trình tại trường

NVCC

Còn Lý Ngọc Quốc, sinh viên báo chí Trường CĐ Phát thanh-Truyền hình II, ngay từ năm nhất, bắt đầu tìm tòi và học hỏi thêm khóa học về nhiếp ảnh, design... Nam sinh viên chia sẻ trong thời buổi hội nhập, nếu biết thêm một chuyên môn sẽ mở ra thêm rất nhiều cơ hội mới về việc làm.

Hiện tại, ngoài việc đi học, Quốc nhận chụp, chỉnh sửa ảnh và thiết kế. Nam sinh viên nói: "Tôi có đam mê về nhiếp ảnh từ trước nên mày mò tìm hiểu và theo đuổi. Sau này khi học chuyên ngành báo chí, tôi nhận thấy hình ảnh đóng góp vai trò quan trọng nên học thêm để nâng cấp tay nghề, vừa phục vụ việc học, vừa kiếm thêm thu nhập".

Sinh viên học thêm 'nghề tay trái' - Ảnh 3.

Lý Ngọc Quốc vừa học vừa nhận chụp, chỉnh sửa ảnh

NVCC

Được và mất khi học thêm nghề tay trái

Thạc sĩ Nguyễn Thanh Quang nhận định: "Sinh viên học và có thêm một nghề tay trái mở ra những trải nghiệm mới giúp củng cố kiến thức, bổ sung kỹ năng nhằm thúc đẩy triển vọng nghề nghiệp, tăng cường sự tự tin, từ đó sẽ trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà tuyển dụng tiềm năng".

Tuy nhiên, các sinh viên kể trên chia sẻ, nếu đã xác định học thêm nghề tay trái thì phải chấp nhận lịch học dày đặc.

"Hầu như tôi không có nhiều thời gian dành cho công việc khác và bạn bè. Đồng thời, bản thân phải dành sự tập trung và ưu tiên cho việc học nếu muốn duy trì sự cân bằng", nữ sinh viên Nguyễn Thị Thanh Trà nói.

Những lưu ý khi học thêm nghề tay trái

Thạc sĩ Nguyễn Thanh Quang cho hay học thêm nghề tay trái cũng có những hệ lụy không mong muốn, như não bộ quá tải, sức khỏe bị sa sút, làm ảnh hưởng đến chất lượng học tập, thậm chí tốt nghiệp không đúng hạn.

Anh Quang khuyên sinh viên nên định hướng rõ ràng những gì muốn học thêm, phân bố thời gian hợp lý và không vội vàng tham gia quá nhiều khóa học khác nhau trong cùng một khoảng thời gian.

"Các bạn hãy định vị thật rõ để có sự so sánh đối chiếu giữa sở trường và mong muốn của bản thân, từ đó xác định những kiến thức, kỹ năng cần bổ sung, cải thiện. Cần có một kế hoạch cụ thể và phân bổ thời gian hợp lý. Như thế, dần dần các bạn sẽ có thể tích lũy được nhiều kiến thức trái ngành cũng như hỗ trợ tốt hơn cho công việc chính của các bạn sau này", thạc sĩ Quang lưu ý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.