Sinh viên “lười” đăng ký tạm trú

07/06/2011 09:45 GMT+7

Khai báo tạm trú là cần thiết và bắt buộc đối với công dân khi rời khỏi nơi cư trú. Tuy nhiên nhiều sinh viên thường bỏ qua thủ tục này...

22 giờ là thời gian lực lượng công an, dân phòng thường đi kiểm tra tạm trú, nên Hiệp và người bạn cùng phòng trọ ở gần cầu Định Công (Hà Nội) khóa cửa phòng đi “di cư” sau khi biết tin. Trước khi đi Hiệp còn khóa cửa cho vài phòng bên cạnh để chủ nhân “ngủ” bên trong. Cả hội ra cầu hóng gió, xóm trọ trở nên im lìm cho đến khi đoàn kiểm tra rời đi.

Trọ tại một căn phòng nhỏ ở Kim Giang (Q.Hoàng Mai, Hà Nội), khi bị kiểm tra Dũng thường trốn vào tủ quần áo để cậu bạn ở ngoài trình giấy tờ và thông báo “cháu ở một mình”, nhờ vậy, Dũng đã “thoát nạn” được vài lần.

 
Không đăng ký tạm trú, sinh viên có thể gặp rắc rối, thậm chí mất quyền công dân - Ảnh: Lê Quân

Tại khu vực Mỹ Đình, sinh viên nào hầu như cũng bị kiểm tra đăng ký tạm trú. Lâm đang học tại trường ĐH Thương mại (Hà Nội), mới chuyển đến xóm trọ hơn tuần thì gặp buổi kiểm tra, cũng tắt đèn và nhờ người khóa cửa nhưng khi có điện thoại gọi đến, anh chàng lại hồn nhiên trả lời theo quán tính, thế là bị “tóm gọn” ra trụ sở công an để đăng ký tạm trú, may mà chưa bị phạt.

Mặc dù chưa bị kiểm tra tạm trú lần nào cũng không bị nhắc nhở nhưng Thủy sau khi ở trọ tại phường La Khê (Q.Hà Đông, Hà Nội) được một học kỳ mới biết thế nào là đăng ký tạm trú vì trên trường yêu cầu sinh viên nộp giấy tạm trú. Lúc ấy Thủy mới miễn cưỡng ra công an phường khai báo tạm trú.

Khai báo tạm trú không phức tạp hay tốn thời gian nhưng đa số sinh viên không thực hiện, phần do chủ nhà trọ không phổ biến, đôn đốc người ở trọ, phần do sự bận rộn hoặc lười biếng của sinh viên.

Hà Thu, sinh viên trường Cao đẳng Thương mại giải thích, sau giờ lên lớp còn phải đi làm thêm, về đến nhà đã muộn nên không đi làm giấy tạm trú. Có sinh viên chỉ định ở tạm một thời gian ngắn cũng không khai báo tạm trú. Nhiều sinh viên thì quên, vì không thấy có người đi kiểm tra bao giờ…

Ngày bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp vừa qua, danh sách cử tri là sinh viên tại mỗi trường đại học, cao đẳng có hàng nghìn người, hầu hết là những bạn không đăng ký tạm trú tại nơi ở. Tuy nhiên rất nhiều trường hợp sinh viên không đăng ký tạm trú cũng không biết đăng ký danh sách cử tri tại trường nên mất quyền công dân.

Giấy tạm trú có thời hạn từ 6 đến 12 tháng tùy theo đề nghị của người đến đăng ký tạm trú. Khi giấy hết hạn, nếu người tạm trú tiếp tục ở lại thì phải đến cơ quan công an nơi cấp giấy để xin gia hạn hoặc cấp lại. Thời hạn gia hạn cũng như trên. Nhiều bạn sinh viên do không biết nên khi giấy tạm trú hết hạn vẫn đinh ninh mình đã đăng ký tạm trú đầy đủ; hoặc có trường hợp quên, ngại đi nên cũng không gia hạn thêm nữa...

Theo quy định tại các Điều 30, 31 và 32 của Luật Cư trú, trong vòng 3 ngày người đến đăng ký tạm trú đã được cấp sổ tạm trú. Đối với sinh viên thì giấy tờ để đăng ký tạm trú cũng khá đơn giản. Chỉ cần xuất trình chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có xác định của công an các cấp, nơi đã đăng ký thường trú kèm theo hợp đồng thuê nhà. Đơn giản hơn nếu chủ nhà đứng ra làm thì chỉ cần đưa chứng minh nhân dân. Nhanh chóng và dễ dàng như vậy nhưng sinh viên vẫn không tự giác thực hiện, vẫn vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng đến quản lý cư trú khu vực và có thể gặp phiền toái bất cứ lúc nào.

Minh Ngọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.