Sinh viên nước ngoài đến Huế học thêu

07/02/2010 18:02 GMT+7

Trong khi nhiều bạn trẻ của VN tỏ ra hờ hững với những nghề truyền thống thì nhiều sinh viên nước ngoài tìm đến nghiên cứu và học tập một cách say mê.

Câu chuyện 3 sinh viên người Mỹ và Hàn Quốc tìm đến Huế để học...thêu ở hiệu thêu Đức Thành là một ví dụ.

Nhóm sinh viên gồm Mathisen Caleb (quốc tịch Mỹ), Cha Ji Hoon và Jung Sung Gil (quốc tịch Hàn Quốc), đang học tại trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, đã có những ngày học thêu thú vị tại hiệu thêu Đức Thành của nghệ nhân Lê Văn Kinh, số nhà 82 Phan Đăng Lưu, TP Huế.

Không chỉ tìm hiểu về lịch sử nghề thêu truyền thống của Huế nói chung và nghề thêu của gia đình nghệ nhân Lê Văn Kinh nói riêng, các sinh viên còn tự tay mình cầm kim thêu thực hành dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân. Những đường kim, mũi chỉ về các cách thêu để hình thành nên một bức tranh thành phẩm trở nên khó khăn hơn với các học viên... Tây.

Với tiếng Việt khá chuẩn, Mathisen Caleb nói: "Tôi rất ấn tượng với các bức tranh, nhất là những đôi tay đã khéo léo, tinh tế trong các mũi kim thêu. Đôi tay họ sao nhẹ nhàng, mềm mại, uyển chuyển là thế, trong khi đôi tay của tôi lại cứng thế này".

Còn đôi mắt của Cha Ji Hoon như dán chặt hơn vào khung tranh. Đôi bàn tay Hoon đang cố nắn nót theo đường vẽ, đưa từng mũi kim chậm chạp lên, xuống để thêu cho xong đôi cánh con bướm. "Mình đã được học tại trường các cách thêu cơ bản rồi. Nhưng khi đến Huế để tìm hiểu thêm về lịch sử nghề thêu, học thêm các cách thêu của hiệu thêu này, mình lại thấy hơi... khó. Thêu lướt vặn, thêu chăng chặn, thêu đột, thêu khoắn vảy chìm và nổi..., mình thấy đôi bàn tay lúng túng và cứng cáp quá", Cha Ji Hoon cho biết.

Chị Chu Thị Quỳnh Giao, giáo viên hướng dẫn nhóm sinh viên Mathisen Caleb, Cha Ji Hoon và Jung Sung Gil tâm sự: "Tôi là phụ nữ mà cũng còn lúng túng khi bắt tay vào thêu các cách thêu độc đáo của nghệ nhân Lê Văn Kinh. Những đường thêu cơ bản thì cô trò chúng tôi còn tự tay làm được, tuy chậm. Nhưng đến phần điểm thì chúng tôi đành phải nhờ sự trợ giúp của ông Kinh thôi".

Mỗi ngày, hiệu thêu Đức Thành đón cả trăm lượt khách địa phương và quốc tế tham quan, mua sắm và tìm hiểu về nghề thêu. Chúng tôi đã vô cùng bất ngờ và khá thú vị khi ông Kinh cho xem những cuốn sổ "nhật ký lưu khách" của mình. Trong những cuốn sổ ấy, không biết bao nhiêu tên tuổi, địa chỉ của khách trong nước, khách nước ngoài được ông ghi chép lại một cách cẩn thận. Không những thế, bên dưới còn là những tấm hình lưu niệm chụp với khách được dán cẩn thận chẳng khác gì những báu vật mà ông đang cất giữ. Nghệ nhân Lê Văn Kinh tâm sự: "Làm như vậy bởi tôi muốn lưu giữ lại tất cả những tình cảm mà mọi người đã dành cho tôi và hiệu thêu Đức Thành. Họ đến, rồi đi, nhưng tình cảm của họ vẫn sẽ còn mãi với tôi qua những dòng chữ lưu lại trong cuốn sổ này".

Bốn ngày miệt mài tại hiệu thêu Đức Thành, Mathisen Caleb, Cha Ji Hoon và Jung Sung Gil đang cố gắng hoàn thành bức tranh của nhóm. Đó là hình ảnh của những con bướm cùng với tên họ của mình phía bên dưới.

Minh Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.