Các bộ liên quan tỏ ra lúng túng trong vấn đề giải quyết việc làm cho sinh viên tại phiên giải trình của Chính phủ với Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội vào hôm qua 24.4.
Sinh viên Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng đăng ký tìm việc trong ngày hội việc làm do trường tổ chức - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
Không kết nối giữa dự báo với đào tạo
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết mặc dù trong giai đoạn 2010 - 2014, số lao động có trình độ ĐH, CĐ có việc làm tăng nhưng người thất nghiệp cũng tăng cao hơn so với số tốt nghiệp và số có việc làm. Trong khi người có việc làm chỉ tăng 38% thì người thất nghiệp tăng gấp đôi. “Dù chúng tôi đã chủ động giảm quy mô đào tạo ĐH, CĐ từ 2 - 3 năm nay nhưng số sinh viên (SV) tốt nghiệp ra thị trường lao động là số đã được tuyển từ nhiều năm trước đây nên chưa giảm, trong khi đó kinh tế lại suy thoái, việc làm mới không có, doanh nghiệp mới ít hơn rất nhiều so với doanh nghiệp phá sản và ngừng hoạt động”, ông Luận giải thích.
|
Cũng theo ông Luận, báo cáo của hơn 100 trường ĐH, CĐ và TCCN giai đoạn này cho thấy trung bình tỷ lệ SV tốt nghiệp sau 3 tháng có việc làm đạt khoảng hơn 60%, một số cơ sở đạt cao hơn.
Bà Nguyễn Thị Kim Bé (đại biểu tỉnh Kiên Giang) cho biết mỗi khi đi tiếp xúc cử tri, hầu như lần nào người dân cũng bày tỏ bức xúc và đặt các câu hỏi về vấn đề giải quyết việc làm cho SV mới tốt nghiệp. “Nguyên nhân của vấn đề này, tôi nghĩ rằng do công tác phối hợp giữa dự báo với đào tạo không kết nối với nhau, từ đó dẫn đến đào tạo dư thừa… Tôi xin đề nghị các bộ liên quan làm rõ trách nhiệm, và giải pháp tới đây giải quyết thế nào với lực lượng nguồn nhân lực đã đào tạo mà không có việc làm”, bà Kim Bé yêu cầu.
Đại biểu Huỳnh Thành Đạt (ĐH Quốc gia TP.HCM) nhận xét xu thế liên kết giữa ĐH và doanh nghiệp ngày càng phát triển nhưng chưa nhiều, chưa phổ biến, ngay cả với những trường đào tạo chất lượng cao, trong khi đây là vấn đề mà các nước phát triển làm rất tốt.
Về vấn đề việc làm cho SV, ông Lê Văn Học, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, cho biết: “Hầu hết các chính sách được ban hành thời gian qua đều nhằm hỗ trợ tạo việc làm, tìm kiếm và giải quyết việc làm cho tất cả người lao động, người sử dụng lao động... chứ chưa có một văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh riêng cho đối tượng là SV tốt nghiệp các trình độ đào tạo”.
“Đá bóng” trách nhiệm
Tại phiên giải trình, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Thanh Hòa nhận khuyết điểm chưa làm được công tác dự báo dài hạn do lĩnh vực này quá mới nhưng lại quay sang đặt trách nhiệm lên Bộ GD-ĐT. “SV tốt nghiệp hầu hết là cử nhân, kỹ sư, là những người có tri thức cao, thế thì bây giờ chúng ta quen thụ động hay chúng ta còn thiếu gì trong GD-ĐT?”, ông Hòa đặt vấn đề với Bộ GD-ĐT.
Trước câu hỏi gai góc của một số đại biểu về giải quyết việc làm cho SV tốt nghiệp, ông Hòa nói: “Bộ LĐ-TB-XH tham mưu giúp Chính phủ đưa chính sách, tạo hành lang pháp lý trong điều hành thị trường lao động chứ không phải là cơ quan giải quyết công ăn việc làm cho người lao động”.
Về phát biểu này, đại biểu Nguyễn Xuân Trường (Giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng) ngay lập tức phản ứng: “Chúng tôi đặt vấn đề như chính ông đã nói: Bộ LĐ-TB-XH đã tham mưu gì cho Chính phủ để tạo ra cơ chế phối hợp với các bộ ngành, các doanh nghiệp để đưa ra các dự báo nhu cầu nguồn nhân lực, từ đó có hướng đào tạo ngành nghề phù hợp với yêu cầu thực tiễn?”.
Vì sao chậm ban hành một số văn bản hướng dẫn Luật giáo dục ĐH ?
Trong phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết đến nay đã ban hành được 10 văn bản quy định chi tiết thi hành luật Giáo dục ĐH. Còn lại 5 văn bản, 2 sẽ không ban hành, 3 chưa kịp ban hành. Trong số 3 văn bản chưa kịp ban hành có Nghị định của Chính phủ quy định phương thức và tiêu chí phân bổ nguồn ngân sách nhà nước cho các cơ sở giáo dục ĐH. Hiện Bộ đã soạn xong dự thảo, đang tiếp thu các ý kiến góp ý rồi chỉnh sửa hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ. Với 2 văn bản còn lại, Nghị định của Chính phủ quy định tiêu chuẩn phân tầng và khung xếp hạng cơ sở giáo dục ĐH và Thông tư ban hành chuẩn quốc gia với cơ sở giáo dục ĐH thì Bộ đang gặp khó khăn do nội dung mới, phức tạp, chưa có kinh nghiệm thực tiễn. Bộ cũng đã đưa ra được dự thảo nhưng việc Quốc hội thông qua luật Giáo dục nghề nghiệp khiến ban soạn thảo phải điều chỉnh nội dung các dự thảo cho phù hợp với hệ thống văn bản pháp luật mới. |
Mạnh dạn thay đổi chương trình đào tạo
Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận, thực tế cũng có một số cơ sở ĐH có sự gắn kết rất tốt với thị trường, doanh nghiệp. Ví dụ, Trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai) đã có hợp tác với trên 700 doanh nghiệp, trong đó có 36 đơn vị rất hiệu quả nên tỷ lệ SV có việc làm là 96%. Trường ĐH Tôn Đức Thắng có tỷ lệ việc làm qua các năm là 90 - 96%. Ngoài ra, còn có các trường ĐH: Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, Công nghệ TP.HCM... Ông Luận cho rằng các trường vừa nêu đều có một cách làm chung là mạnh dạn thay đổi chương trình trên cơ sở sự cho phép của Bộ GD-ĐT, bỏ chương trình khung. Các trường mời doanh nghiệp sử dụng lao động tham gia vào hội đồng xây dựng - thẩm định chương trình đào tạo. Từ đó, trường mạnh dạn cắt bỏ những nội dung kiến thức không cần thiết, lạc hậu, bổ sung các chương trình - nội dung cần thiết cho thị trường lao động. |
Bình luận (0)