Sinh viên thích bưng cà phê hơn thực tập ở công ty?

Thúy Hằng
Thúy Hằng
20/12/2018 07:55 GMT+7

Nhiều sinh viên chọn làm thêm trong các quán cà phê, trà sữa hơn là thực tập trong một công ty để ra trường làm đúng chuyên ngành.

Có phải người trẻ bây giờ ngại khổ, muốn “tiền ngay thóc thật” hay các công ty không biết cách để chiêu mộ nhân tài?
Nguyễn Thu Ngân, 21 tuổi, sinh viên (SV) ngành quản trị du lịch, Trường ĐH Phương Đông (Hà Nội) cho biết phụ quán cà phê, trà sữa, cửa hàng quần áo, phụ nhà hàng ăn uống… là công việc làm thêm chủ đạo của hầu hết các bạn trong lớp. Ngân cho biết số người chọn thực tập ở các khách sạn trong vai trò quản lý buồng, phòng, lễ tân ở lớp của Ngân chỉ đếm trên đầu ngón tay, vì nơi thực tập phỏng vấn gắt gao, cạnh tranh lớn, không có hoặc lương rất thấp...

Thái Bội Linh, 20 tuổi, Trưởng dự án Loginterns (tìm kiếm nơi thực tập cho SV), Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho hay phần lớn bạn của cô cũng làm các công việc làm thêm như chạy xe ôm công nghệ, giao đồ ăn. Lý do các bạn chọn vì muốn có tiền ngay, không cần nhiều kinh nghiệm. Theo Linh, có một số nhỏ SV ra trường vẫn làm các công việc trên vì không hiểu rõ về ngành mình theo đuổi khi học ĐH…

Lấy ngắn nuôi dài

Nguyễn Ngọc Nhi, 18 tuổi, SV ngành marketing, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết ngoài giờ lên lớp cô xin làm phụ bàn một quán cà phê Q.Gò Vấp. “Em nhận thấy phụ bán cà phê sẽ giúp mình gặp gỡ, nói chuyện với nhiều người, nhờ đó mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp”, Nhi nói.
Trong khi đó, Trần Đặng Anh Thư, 20 tuổi, SV ngành quản trị kinh doanh, Trường ĐH Văn Lang, nửa năm nay là nhân viên tại quán trà sữa góc ngã tư Cao Thắng - Nguyễn Đình Chiểu (Q.3). “Em cũng chưa biết ra trường mình sẽ xin việc ở đâu, tuy nhiên em nghĩ dù mình đang làm thêm công việc gì cũng sẽ tích lũy được kinh nghiệm cần thiết, ví dụ cách giao tiếp với khách hàng, kiểm kê tài chính tránh sai sót”, Thư nói.
Nguyễn Viết Ninh, 21 tuổi, SV Học viện Báo chí - Tuyên truyền, luôn mong muốn trở thành nhà báo. Tuy nhiên, Ninh đến nhiều nơi xin thử việc, làm cộng tác viên đều không thành công, do đó vẫn kiên trì công việc chạy bàn ở quán cà phê suốt 2 năm qua. “Công việc này giúp tôi có tiền để trang trải cuộc sống xa nhà, tôi vẫn yêu nghề báo, khi có cơ hội, tôi chắc chắn đi làm đúng nghề mà mình được học”.
Chị Nguyễn Vân Anh, cán bộ Công ty TNHH công nghệ dược phẩm Lotus, cho rằng chị gặp không ít các bạn trẻ trí thức chạy xe ôm công nghệ, bưng cà phê, tuy nhiên đa phần trong số họ chỉ chọn những công việc đó tạm thời hoặc làm thêm sau giờ hành chính để kiếm thêm thu nhập. Một vài người trong số đó chọn gắn bó lâu dài với nghề chạy xe ôm công nghệ vì thời gian linh động và thu nhập khá. “Quan điểm của tôi là nghề nào làm ra đồng tiền chân chính cũng đáng quý. Nếu mình cũng làm các công việc tay chân nhưng sử dụng trí tuệ và kỹ năng mình tích lũy được để tạo ra giá trị cao hơn, dịch vụ khác biệt hơn, chuyên nghiệp hơn thì cũng rất đáng. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, cũng nên tư duy tích cực và không quên mục tiêu của mình”, chị Vân Anh nói.

Khi lương thấp hơn giá trị của công việc

Bà Đỗ Ngọc Bích, đồng sáng lập Công ty CP đầu tư truyền thông và thương hiệu IMI Hạ Long, cho rằng cần nhìn nhận thực tế là mức lương nhiều công việc trí thức ở VN đang bị trả thấp hơn giá trị của nó, dẫn đến thực tế nhiều tri thức bỏ ngành đã được đào tạo trong nhiều năm ĐH, CĐ để làm công việc tay chân.
Theo bà Bích: “Nếu một người đam mê, hoặc có năng lực phù hợp với những nghề như tài xế, pha chế... và họ làm nghề đó một cách tận tâm, nghiêm túc, chất lượng... thì còn tốt hơn việc ép họ ngồi vào những công việc bàn giấy mà họ không có đủ khả năng, hoặc đơn giản là không đam mê. Bên cạnh đó, trong một số trường hợp, nghề nghiệp "tầm thường" bạn làm ngày hôm nay có thể là bước đệm cho công việc "trí thức" mai sau. Ví dụ, bạn coi pha chế ở cửa hàng trà sữa có thể bình thường, nhưng biết đâu đó là bước đi đầu tiên để bạn học những điều cơ bản nhất, nếu bạn có mơ ước khởi nghiệp mảng F&B (dịch vụ ăn uống). Do đó, nếu không đủ đam mê với nghề thì ngay từ đầu các bạn không nên cố gắng xin vào một văn phòng, các bạn cứ theo đuổi công việc bạn thích và gắn bó với niềm đam mê, trách nhiệm”.

Cần xem lại khâu tuyển dụng

Ông Nguyễn Phạm Hữu Hậu, Giám đốc khối kinh doanh -marketing, Công ty nội thất V-ITALY VN, cho rằng, đừng vội trách những bạn trẻ, phải xem lại chính khâu tuyển dụng. Theo ông Hậu, hiện nay không ít doanh nghiệp còn giữ lối tuyển dụng cứng nhắc, phỏng vấn hỏi những câu mang tính rập khuôn, thiếu sáng tạo.

“Từ lâu, tôi đã nghe các doanh nghiệp ca thán như tìm cả năm trời vẫn không được ứngviên mong muốn, chi lương khủng vẫn không tuyển được ứng viên. Còn ngoài kia, cử nhân, thạc sĩ sẵn sàng không làm việc trong văn phòng máy lạnh, đầy tiện nghi để làm việc trái ngành, thậm chí công việc tay chân nặng nhọc”, ông Hậu nói.

Ông Hậu cũng nhấn mạnh: “Những bạn trẻ tài giỏi thường “khác biệt” vì họ không thích những điều rập khuôn, thiếu sáng tạo, họ mong muốn được tôn trọng nhiều hơn. Nhà tuyển dụng cần đối đãi với ứng viên như một “khách hàng” và xem hoạt động tuyển dụng là quá trình hợp tác song phương, đó mới là giải pháp để người ta chen chân đến ứng tuyển. Nếu không, đừng trách các bạn trẻ thà chọn chạy xe ôm công nghệ chứ nhất quyết không  làm việc trong máy lạnh trên cao ốc ngút chân mây”.

 


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.