Đau lòng khi sinh viên xuất sắc không được tuyển thẳng vào công chức vì điều này...

23/03/2023 13:53 GMT+7

Trong chương trình lãnh đạo thành phố gặp gỡ sinh viên tiêu biểu, cô sinh viên trường luật đã chia sẻ câu chuyện đau lòng khi dù cố gắng học giỏi thế nào, tốt nghiệp xuất sắc ra sao nhưng vẫn không được tuyển thẳng vì vướng Nghị định 140 của Chính phủ.

Sáng nay (23.3), Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM tổ chức chương trình Lãnh đạo thành phố gặp gỡ sinh viên tiêu biểu với chủ đề "Khát vọng sinh viên thành phố Bác".

Sinh viên luật xuất sắc nan giải không được tuyển thẳng vì vướng Nghị định 140 - Ảnh 1.

Sinh viên tiêu biểu tham dự chương trình sáng nay

LÊ THANH

Đề cập đến câu chuyện bị vướng Nghị định 140/2017/NĐ-CP ngày 5.12.2017 của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, Quách Thanh Vịnh An, Trường ĐH Luật TP.HCM, kể: "Em chọn thi vào trường luật vì ba mẹ đều học và làm trong lĩnh vực này. Nhưng đến thời điểm hiện tại, khi tốt nghiệp ra trường thì em nhận ra rằng cho dù em có cố gắng như thế nào, có học giỏi và tốt nghiệp xuất sắc ra sao đi nữa thì em vẫn không đủ điều kiện theo Nghị định 140 để được tuyển dụng thẳng vào công tác trong ngành mà em yêu thích".

An cho biết do là sinh viên luật nên có nghiên cứu rất kỹ về Nghị định này. Theo đó, điều kiện là ngoài sinh viên tốt nghiệp xuất sắc còn phải đáp ứng được 1 trong 3 tiêu chí: Thứ nhất là thời THPT phải được giải thưởng học sinh giỏi cấp tỉnh trở lên; thứ 2 là trong lúc học đại học phải đạt được các giải nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp quốc gia trở lên, hay đạt được giải Olympic toán, lý, hóa, sinh học.

Sinh viên luật xuất sắc nan giải không được tuyển thẳng vì vướng Nghị định 140 - Ảnh 2.

An mong muốn lãnh đạo thành phố sẽ có đề xuất sửa đổi Nghị định 140

LÊ THANH

"Đối với những sinh viên khối khoa học xã hội như em thì chỉ có thể đạt được những điều kiện ở thời THPT. Tuy nhiên, đến bậc đại học thì 2 tiêu chí còn lại vô hình trung cướp đi cơ hội được tuyển thẳng vào các cơ quan nhà nước của các sinh viên khối ngành khoa học xã hội như em. Hơn nữa, Nghị định này ra đời từ năm 2017, lúc này em đã là sinh viên năm nhất, đã quá muộn cho em để có thể quay lại đạt được ở điều kiện trên, một điều kiện mà đáng lẽ em nên được biết từ năm THPT", An bày tỏ và cho rằng không hợp lý với biết bao công sức mà An đã nỗ lực học tập suốt những năm học đại học.

Cô sinh viên luật cũng chỉ ra: "Theo số liệu nghiên cứu cho thấy rằng sinh viên học ở trường em rất khó để đạt được kết quả tốt nghiệp xuất sắc. Từ năm 1987-2018, trường mới có 1 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, và đến nay (đến khóa của em) thì có tổng cộng 9 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và chưa từng có 1 bạn nào đáp ứng được các điều kiện của Nghị định 140. Vì Nghị định này đang hướng đến các bạn sinh viên theo học khối ngành khoa học tự nhiên nhiều hơn. Trong khi đó, rất nhiều cơ quan nhà nước có nhu cầu tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp xuất sắc khối ngành luật".

Chính vì thế, An đề xuất: "Em muốn truyền tải đến lãnh đạo thành phố để có đề xuất sửa đổi Nghị định này, mở rộng các đối tượng áp dụng, nên tham khảo ý kiến của các sở ngành liên quan và tuyển dụng các sinh viên không chỉ tốt nghiệp xuất sắc mà cũng có thể có thành tích xuất sắc trên nhiều lĩnh vực khác nhau".

Đồng thời, An cũng chia sẻ thêm: "Nếu có người hỏi em rằng, tại sao không thi tuyển công chức. Ngành em yêu thích là ngành kiểm soát, để thi vào ngành này thì tiêu chí đặt ra là phải được đào tạo nghiệp vụ kiểm soát, tức là sau khi ra trường, em phải đi học thêm 2 năm nữa thì em mới đủ điều kiện để thi công chức vào ngành kiểm soát. Chưa kể khi thi tuyển em sẽ không được hưởng những chính sách ưu đãi theo Nghị định 140".

Sinh viên luật xuất sắc nan giải không được tuyển thẳng vì vướng Nghị định 140 - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Duy Tân chia sẻ tại chương trình

LÊ THANH

Trả lời những thắc mắc của sinh viên tại chương trình, trong đó có ý kiến của An, ông Nguyễn Duy Tân, Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, cho rằng Sở sẽ tiếp thu những ý kiến của sinh viên.

Đồng thời theo ông Tân, mặc dù chúng ta có Nghị định để thu hút nhưng khi áp dụng lại bị vướng vì nhiều lý do. Trong đó, có thể khi tổ chức lấy ý kiến để ban hành Nghị định, có đôi khi chưa tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, đặc biệt là các đối tượng thụ hưởng như sinh viên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.