Lượng giao dịch vũ khí đã tăng 8,4% trên toàn cầu khi so sánh với giai đoạn 5 năm trước đó, từ 2007 - 2011, theo báo cáo mới của Viện Nghiên cứu Hòa bình Thế giới Stockholm (SIPRI, Thụy Điển) công bố ngày 20.2.
Mỹ và Nga vẫn chễm chệ ở vị trí nhà cung cấp số 1 và số 2 thế giới trong khoản vũ khí hạng nặng, lần lượt bán được 33% và 23% trên tổng lượng vũ khí toàn cầu. Gần phân nửa lượng vũ khí xuất khẩu của Mỹ là sang thị trường Trung Đông, còn đa số khách hàng của Nga là ở châu Á.
Xếp ngay sau đó lần lượt là Trung Quốc (6,2%), Pháp (6%) và Đức (5,6%). Trong đó, Trung Quốc đã gia tăng sản lượng xuất khẩu lên hơn 70% so với giai đoạn 5 năm trước, còn Pháp và Đức đều sụt giảm doanh thu.
Các quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á, châu Đại Dương chiếm 43% trong tổng sản lượng nhập khẩu vũ khí toàn cầu trong giai đoạn 2012 - 2016.
Chỉ tính riêng Ấn Độ đã mua đến 13% số vũ khí, tăng 43% so với 5 năm trước đó, nên nước này đứng số 1 trong danh sách mua vũ khí toàn cầu của SIPRI.
Trong khi đó, châu Á tiếp tục chứng kiến lượng lớn vũ khí đổ về cuồn cuộn, theo Siemon Wezeman, nhà nghiên cứu kỳ cựu của Chương trình Chi tiêu Vũ khí và Quân đội SIPRI.
Trung Quốc là nhà cung cấp vũ khí lớn thứ 2 sau Nga ở thị trường béo bở này.
Tại Đông Nam Á, Việt Nam nhảy từ hạng 29 trong giai đoạn 2007 - 2011 lên hạng 10 trong giai đoạn 2012 - 2016 về mua sắm vũ khí, chiếm 3% tổng số lượng nhập khẩu vũ khí toàn cầu.
|
Ở Trung Đông, nơi nhu cầu tăng cường kho vũ khí cho quân đội tăng 86%, đạt 29% trong tổng số giá trị đơn hàng nhập khẩu. Đa số vũ khí của khu vực này mua từ Mỹ và Pháp.
Ả Rập Xê Út đứng thứ 2 trong danh sách mua vũ khí, chỉ sau Ấn Độ, với sức mua tăng 212% so với cùng kỳ 5 năm trước. Kế đến là Qatar, tăng nhập khẩu vũ khí lên 245%.
“Dù giá dầu thấp, các nước trong khu vực tiếp tục đặt mua nhiều vũ khí hơn vào năm 2016, xem đây là công cụ quan trọng để đối phó các cuộc xung đột và căng thẳng trong khu vực”, theo trưởng nghiên cứu Pieter Wezeman của SIPRI.
|
Bình luận (0)