TNO

Điện ảnh - Công nghệ và con người

24/10/2004 00:15 GMT+7

Tục ngữ Việt Nam có câu: "Giấu được giàu chứ không ai giấu được khó". Sự khó khăn của điện ảnh Việt Nam những năm qua là như vậy, ai cũng dễ dàng nhìn thấy. Nhưng dù chừng ấy khó khăn hay nhiều hơn nữa thì cũng không thể để một loại hình nghệ thuật mũi nhọn này mai một trong quá trình xây dựng một nền văn hóa nghệ thuật hiện đại, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tương xứng với những bước tiến lớn lao của đất nước trong tương lai - mà trước hết là trong thập kỷ đầu tiên của thiên niên kỷ này.

Làm nghề gì cũng vậy, muốn thành công phải cố gắng nhìn rộng, lo xa. Với nghệ thuật lại càng như vậy. Ngay từ bây giờ, những người làm điện ảnh, nhất là những người chịu trách nhiệm quản lý điều hành công việc, đã phải hoạch định một "Quy hoạch tổng thể ngành điện ảnh Việt Nam đến năm 2010" nhằm đề ra những đòi hỏi bức thiết của ngành, để những người trong cuộc và những nhà quản lý văn hóa nghệ thuật thấy được điện ảnh Việt Nam đang ở vị trí nào, ở thứ bậc nào trước bạn bè đồng nghiệp trong khu vực và trên toàn thế giới, thấy được từng bước, từng khâu, từng giai đoạn của quá trình sáng tác và công nghệ cần phải làm gì, phải đầu tư cái gì trước, cái gì sau để tạo được sự đồng bộ cho quá trình phát triển, để chấm dứt tình trạng manh mún, "bóc ngắn cắn dài" của việc sản xuất phim và đưa phim đến người xem như hiện nay.

Mục đích chính của quy hoạch này là đến năm 2005 sẽ ổn định được quá trình sản xuất và phổ biến phim, đến 2010 sẽ có bước phát triển đáng kể về số lượng và chất lượng phim. Phấn đấu từ năm 2010, mỗi năm sản xuất 36 phim truyện nhựa (đề tài thiếu nhi chiếm 1/5, đề tài dân tộc thiểu số và miền núi chiếm 1/5), 24 phim tài liệu nghệ thuật, 24 phim phổ biến khoa học, 36 phim hoạt hình và từ 18 - 24 chương trình băng hình phục vụ đồng bào miền núi, hải đảo. Phim truyện nhựa, 80% sẽ có tiếng "lập thể" (âm thanh vòm), phim Việt Nam sẽ đạt 1/3 số đầu phim chiếu tại các hệ thống rạp trong cả nước, đạt chỉ tiêu 10 lượt người xem tác phẩm điện ảnh cho mọi người trong một năm ở các khu vực đô thị và đồng bằng. Ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo... bằng nửa chỉ tiêu trên và phấn đấu để phim truyện Việt Nam chiếm 50% tổng thời lượng phát sóng trên các đài truyền hình.

Đến năm 2010, công nghệ sản xuất và phổ biến phim đạt trình độ chung của thế giới. Về chất lượng nghệ thuật phim tài liệu - khoa học đạt trình độ tiên tiến thế giới. (Hiện nay đang đứng đầu khu vực, được chứng minh qua 4 kỳ liên tiếp của LHP châu Á - Thái Bình Dương, nước ta đều đoạt giải Phim tài liệu xuất sắc nhất), phim truyện và hoạt hình phấn đấu đạt trình độ khá trong khu vực và trình độ chung của thế giới. Hoàn thiện hai trung tâm kỹ thuật sản xuất phim tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, đáp ứng nhu cầu gia công và cung cấp dịch vụ cho sản xuất phim điện ảnh, phim truyền hình, phim quảng cáo của các hãng phim trong và ngoài nước. Ngoài số rạp đơn như hiện nay mỗi thành phố lớn sẽ có ít nhất một rạp cụm gồm bốn buồng chiếu trở lên, mỗi thị xã, thị trấn đông dân sẽ có ít nhất một rạp đơn. Các rạp được trang bị máy chiếu phim hiện đại có hệ thống âm thanh lập thể. Các đội chiếu bóng lưu động ở miền núi, vùng sâu vùng xa được trang bị video màn hình 100 inches trở lên và 50% số đội có phương tiện cơ giới đi lại. Các vùng nông thôn đồng bằng nơi nào có điều kiện sẽ trang bị máy chiếu phim nhựa 35 ly lưu động được trang bị phương tiện cơ giới cho việc đi lại và vận chuyển máy móc, đồ nghề... cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho việc giảng dạy của hai trường đại học điện ảnh ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sẽ được nâng cấp và hoàn thiện. Hệ thống kỹ thuật bảo quản và khai thác tư liệu phim ở Viện Phim Việt Nam và các cơ sở đạt tiêu chuẩn chung của thế giới hiện nay.

Để làm được một khối lượng lớn công việc, xoay chuyển được tình thế khó khăn sang đà phát triển đi lên của một ngành nghệ thuật - công nghiệp như điện ảnh thật không dễ. Cho dù có đầu tư khoa học kỹ thuật và tiền của đến đâu thì yếu tố quan trọng nhất, quyết định nhất vẫn là con người, là tài năng của nghệ sĩ.

Mặt khác, với chính sách cởi mở của Nhà nước, kêu gọi sự đầu tư của nước ngoài vào mọi lĩnh vực văn hóa xã hội, với chủ trương xã hội hóa ngành điện ảnh, với những tiền đề đã có những năm qua, tư nhân bỏ vốn làm các phim truyện như: Chiến dịch phượng hoàng, Con thuyền bị đánh đắm, Kế hoạch 99, Lọ lem hè phố, Những cô gái chân dài v.v... chắc chắn một khó khăn lớn nhất của điện ảnh hiện nay là kinh phí làm phim, là việc kinh doanh có lãi bằng phim... sẽ được khơi thông và đặt ra nhiều tính khả thi không chỉ cho quy hoạch tổng thể này mà còn cho cả những gì lớn hơn, táo bạo hơn của quá trình phát triển điện ảnh Việt Nam trong tương lai.

Tuy nhiên, có một điều quan trọng nhất của điện ảnh lại không một ai và không bao giờ có thể hoạch định được. Đó là những thành công của nghệ thuật, những "đột biến" về tài năng. Cái đó lại phải trông cậy vào trí tuệ, vào sự lao động sáng tạo miệt mài và cả những "thiên bẩm trời cho" của người nghệ sĩ. Mọi quy hoạch, mọi dự kiến lớn lao về nghệ thuật chỉ có thể trở thành hiện thực khi có sự chăm chút thật lòng của những người có trách nhiệm và sự phối hợp ăn ý nhịp nhàng của những người nghệ sĩ yêu nước, yêu nghề và biết xả thân vì nghệ thuật, vì tính nhân văn cao cả của con người.

Nguyễn Phúc Thảnh
(Cục trưởng Cục Điện ảnh)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.