TNO

Lịch sử giá vàng có lặp lại?

16/01/2011 00:36 GMT+7

Vào năm 2009, giá vàng trong nước bắt đầu tăng vào tháng 9 (2%), tăng cao hơn vào tháng 10 (5%), đã “lên cơn” và đạt đỉnh điểm vào ngày 10.11 khi tăng tới 3 triệu đồng/lượng (từ 26,3 triệu lên 29,3 triệu) và cao hơn nhiều so với giá thế giới.

Sau đó, khi Ngân hàng Nhà nước tuyên bố về việc cho nhập khẩu vàng, giá vàng trong nước đã nhanh chóng tụt gần về mức cũ. Giá vàng trong nước tháng 11 tăng 10%. Đến tháng 12 do giá vàng thế giới tăng mạnh, đạt đỉnh điểm 1.265 USD/ounce, nên giá vàng trong nước tăng 10,5%. Khi giá vàng thế giới giảm, thì giá vàng trong nước đã giảm và tăng thấp trong những tháng tiếp theo. Năm 2010, tháng 1 và 2 giảm, tháng 3 tăng nhẹ, tháng 4 giảm, tháng 5 tăng nhẹ...

Giá vàng 2010 bắt đầu tăng cao từ đầu tháng 9 (3,58%), tăng cao hơn vào tháng 10 (7,87%), đã “lên cơn” và đạt đỉnh điểm vào ngày 9.11 (cũng tăng 3 triệu đồng/lượng, từ 35,2 triệu lên 38,2 triệu), cũng vượt xa so với giá vàng thế giới. Sau đó, trước tuyên bố về việc nhập khẩu vàng của Ngân hàng Nhà nước, giá vàng đã nhanh chóng tụt về mức cũ, hiện ở mức 35,8 triệu đồng/lượng.

Như vậy, từ tháng 9.2010 đến nay, diễn biến của giá vàng ở trong nước gần như lặp lại kịch bản của năm trước cả về thời gian, cả về mức tăng và mức giảm tuyệt đối.

Một câu hỏi được đặt ra là liệu diễn biến giá vàng trong nước năm nay nhất là từ nay cho đến sau Tết Nguyên đán Tân Mão có lặp lại như năm trước (tức là có giảm hoặc tăng thấp trong 4 tháng đầu năm tới) hay không?

Các yếu tố làm tăng giá vàng có nhiều. Yếu tố lạm phát trên thị trường thế giới do động thái bơm thêm tiền, giữ mức lãi suất thấp, hạ giá đồng tiền để kích thích tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, đẩy xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu nhằm bảo hộ sản xuất trong nước,... Các nước khu vực EU vẫn còn khó khăn về nợ công. CPI ở Trung Quốc cao nhất trong nhiều tháng. CPI của Việt Nam vài tháng tới khả năng vẫn cao. Chỉ số chứng khoán ở Việt Nam vẫn lình xình, thanh khoản thấp,... Tăng trưởng kinh tế thế giới chưa phục hồi, thất nghiệp còn ở mức cao, lạm phát gia tăng,... là tiền đề để dòng vốn tìm đến vàng làm nơi trú ẩn. Khi giá vàng thế giới tăng sẽ kéo giá vàng trong nước lên theo. Hơn nữa, dù đã giảm xuống nhưng giá vàng ở trong nước vẫn cao hơn giá vàng thế giới; nếu tỷ giá VNĐ/USD tăng thì giá vàng còn tăng kép.

Các yếu tố làm giảm giá vàng cũng không phải là không có. Trên thế giới, dù tăng trưởng kinh tế có bị chững lại, nhưng việc thoát khỏi khủng hoảng đã rõ ràng hơn, cuộc khủng hoảng kép đã không diễn ra. Vai trò “nơi trú ẩn an toàn” của vàng sẽ không còn được như vừa qua. Quỹ Tín thác đầu tư vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust gần đây đã nhiều lần bán vàng ra, giảm lượng nắm giữ xuống còn 1.272 tấn. Chỉ số giá USD (USD-index) đã cao lên; đồng NDT của Trung Quốc cũng tăng giá. Ở trong nước, việc giá vàng vừa qua đã làm khá nhiều nhà đầu tư bị thua lỗ nặng khi mua ở đỉnh, bán ở đáy, có thể sẽ không dám “liều lĩnh” để đua mua khi giá tăng cao và sẽ rút ra kinh nghiệm cần thiết mỗi khi vàng “lên cơn”. Sau công bố của Chính phủ, giá USD cơ bản ổn định, chênh lệch giữa thị trường tự do và thị trường chính thức hiện không còn lớn như trước. Giá vàng ở trong nước hiện đang cao hơn giá vàng thế giới, nên có thể sẽ giảm xuống sau các động thái nhập vàng (cả chính ngạch và cả nhập lậu).

Trung hòa các yếu tố trên, người viết dự đoán giá vàng trong nước sẽ lặp lại diễn biến như đầu năm 2010: tháng 1, tháng 2 sẽ giảm nhẹ, biến động nhẹ tương đối lâu cho tới 4 - 5 tháng (đỉnh giá vàng trong hơn một năm qua là tháng 11.2009, tháng 6.2010, tháng 11.2010 - cách nhau khoảng 6 tháng, nhưng sẽ không cao như năm trước).

Đào Ngọc Lâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.