"Không gian" để nói chuyện cùng sinh viên
Tiến sĩ Nguyễn Tấn Trần Minh Khang, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết sinh viên năm cuối thường có nhiều lo âu và áp lực về việc hoàn thành các chuẩn đầu ra, đồ án tốt nghiệp, lo lắng không tìm được việc làm với mức lương mong đợi trong khi bạn bè đã có công việc ổn định… "Đặc biệt, các em cũng có nhiều mối quan hệ ngoài xã hội hơn, bao gồm quan hệ tình cảm. Nhưng ở lứa tuổi ngoài 20, khi không có nhiều kỹ năng và kinh nghiệm sống nên có những trường hợp gặp khó khăn trong xử lý tình huống thực tế", tiến sĩ Khang nhấn mạnh.
Nắm bắt được tình hình người học, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM cho biết nhà trường đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ người học trong giai đoạn này. Chẳng hạn, nhà trường tổ chức các chương trình hoạt động giữa doanh nghiệp và sinh viên để các bạn có trải nghiệm thực tế về doanh nghiệp, giới thiệu việc làm, tổ chức seminar trang bị kỹ năng cho sinh viên năm cuối để có kế hoạch cụ thể cho đồ án tốt nghiệp.
Bên cạnh đó, tiến sĩ Khang cho biết trường tổ chức các buổi tư vấn, trò chuyện WeTalk (Không gian chia sẻ) giúp cho sinh viên giải tỏa áp lực, giảm nhẹ căng thẳng, lắng nghe những vướng mắc để hỗ trợ các bạn tốt hơn. Các chủ đề của chương trình gần gũi và thiết thực với người học, gần đây nhất là "Áp lực đồng trang lứa" hôm 27.2.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công thương TP.HCM, cho biết các trường ĐH thường xuyên tổ chức hoạt động kỹ năng mềm, đi thực tế doanh nghiệp, hướng nghiệp cho sinh viên năm cuối, ngày hội tuyển dụng... Qua đó, sinh viên có thể làm quen với công việc và phát triển kỹ năng mềm. Các chương trình được thực hiện nhằm giúp sinh viên năm cuối giải tỏa áp lực, lo lắng không có việc làm ổn định sau khi tốt nghiệp.
Áp lực đồng trang lứa là hiện tượng xảy ra khi bạn trẻ chịu ảnh hưởng bởi nhóm bạn cùng tuổi, cùng lớp. Nó hiện diện từ sâu trong tiềm thức, khiến cho các bạn trẻ Gen Z luôn làm những phép so sánh giữa bản thân với người đồng lứa tuổi, từ đó làm nảy sinh áp lực.
Ngoài việc bị áp lực bởi bạn bè cùng lớp, cùng trường, mạng xã hội cũng góp phần không nhỏ trong việc khuếch đại áp lực đồng trang lứa. Phần lớn người trẻ hiện nay dành nhiều thời gian trực tuyến. Điều này tạo điều kiện cho họ được liên tục cập nhật về cuộc sống của người khác thông qua mạng xã hội. Tuy nhiên, việc nhìn thấy người khác có cuộc sống thú vị hơn mình vô tình khiến cá nhân cảm thấy tự ti, thậm chí là đố kị, thôi thúc họ phải bắt kịp những thành tựu ấy…
Theo WeTalk - Không gian chia sẻ chủ đề "Áp lực đồng trang lứa" của Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM)
Thành lập tổ công tác chăm sóc người học
Thạc sĩ Hoàng Thanh Tú, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Thông tin-Truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết trong thời gian qua, nhà trường thành lập tổ công tác chăm sóc người học.
Về học tập, nhà trường phân tích dữ liệu học tập để có những đề xuất phương án hỗ trợ sinh viên nhằm cải thiện kết quả học tập kịp thời, kéo giảm tỷ lệ bỏ học, rớt giai đoạn. Trường cũng có các kênh thông tin tiếp nhận tình trạng sinh viên có dấu hiệu bất ổn hay căng thẳng về tinh thần. Đặc biệt, chương trình Chăm sóc sức khỏe tinh thần đã được triển khai.
Một số trường ĐH khác cũng thành lập các trung tâm hỗ trợ sinh viên vượt qua khó khăn, áp lực trong cuộc sống và học tập. Chẳng hạn, Trung tâm tham vấn tâm lý và hỗ trợ pháp luật Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM, Phòng hỗ trợ sức khỏe tinh thần thuộc Trung tâm quản lý ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM…
Việc các trường ĐH có hoạt động quan tâm tới đời sống tâm lý, tinh thần cho sinh viên thực sự cần thiết. Tháng 11.2021, ĐH Quốc gia TP.HCM công bố kết quả nghiên cứu về sự tác động của dịch Covid-19 đối với sức khỏe tâm thần của sinh viên. Kết quả khảo sát với hơn 37.000 sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM cho thấy 48% cảm thấy tự ti, mất phương hướng hay mơ hồ về mục đích sống của bản thân. Ngoài ra, sinh viên đối mặt tình trạng mất nhận thức thoáng qua, có những hành vi vô thức, hay quên; thay đổi tính tình như trở nên cáu gắt, buồn rầu, lo lắng không rõ lý do; ngại tiếp xúc với người khác (kể cả người thân) cũng tồn tại trong một bộ phận sinh viên được khảo sát.
Bình luận (0)