'Số báo của những người sống sót'

14/01/2015 08:00 GMT+7

Tạp chí Charlie Hebdo phát hành số lượng kỷ lục 3 triệu bản trong số đầu tiên kể từ khi xảy ra loạt tấn công khủng bố khiến 17 người chết ở Paris.

Tạp chí Charlie Hebdo phát hành số lượng kỷ lục 3 triệu bản trong số đầu tiên kể từ khi xảy ra loạt tấn công khủng bố khiến 17 người chết ở Paris.

Những người tuần hành ở quảng trường Bastille, với dòng chữ trên biểu ngữ “Họ đã chết vì những hình vẽ. Không sợ! Tôi là Charlie” - Ảnh: Nguyên VĩnhNhững người tuần hành ở quảng trường Bastille, với dòng chữ trên biểu ngữ “Họ đã chết vì những hình vẽ. Không sợ! Tôi là Charlie” - Ảnh: Nguyên Vĩnh
Bàng hoàng. Ngậm ngùi. Phẫn nộ. Các nhà báo bị sát hại ngay tại nơi làm việc, bằng loại vũ khí dùng ở chiến trường, trong khi trong tay họ chỉ có ngòi bút. Những người vô tội bị lạnh lùng bắn hạ. Nước Pháp thanh bình sững sờ nhận ra mối nguy khủng bố ngay trong lòng xã hội.
Còn gì cảm động hơn khi gần 50 nguyên thủ các nước cùng xuống đường ở Paris. Bên trái Tổng thống Pháp Francois Hollande là đồng minh Đức Angela Merkel, bên phải là tổng thống Mali - nước có quân Pháp đang hỗ trợ chống khủng bố (và cũng là nguyên quán của tên khủng bố bắt con tin thứ ba, Amedy Coulibaly). Thủ tướng Israel biểu tình cùng với nguyên thủ Palestine. Quốc vương và Hoàng hậu Jordan lặng lẽ tuần hành trên đường phố Paris. Tổng thống đương nhiệm bên cạnh cựu tổng thống vốn xưa nay không tiếc lời đả kích nhau. Tám cựu thủ tướng, các chính khách mọi khuynh hướng.
“Tôi là Charlie”, “Chúng ta không sợ !”

Quảng trường République ngày chủ nhật 11.1 trở nên quá nhỏ bé. Một triệu rưỡi người xuống đường ở Paris? Chắc chắn phải hơn thế, Sở Cảnh sát không đếm nổi, chỉ đưa ra con số dè dặt. Còn phải tính đến những người như tôi - không muốn và không thể chen chúc như cá mòi trong các toa tàu điện ngầm, không đến được điểm hẹn, không chen chân nổi vào đoàn tuần hành trên lộ trình chính, phải đi vào những con đường nhỏ bên cạnh.

Tôi trở thành “người ngoài hành tinh” khi đến điểm biểu tình tay không. Trong những trạm metro gần các quảng trường République, Bastille, Nation, mọi người nếu không có biểu ngữ cầm tay, thì ít nhất cũng có một tờ giấy khổ A4 dán trước ngực hay sau lưng, hoặc chí ít một mẩu vải đính trước ngực - tất cả đều với dòng chữ đã trở thành khẩu hiệu ngay từ ngày 7.1 lúc xảy ra vụ thảm sát ở tòa soạn Charlie Hebdo: Je suis Charlie” (Tôi là Charlie).

“Chúng ta không sợ bọn khủng bố !”, “Tình thương vượt lên hận thù”, “Tôi là Charlie”, “Charlie, tự do”, “Không phải máu sẽ đổ, mà là những giọt mực sẽ tuôn trào”… Không thể kể hết sự sáng tạo trong những câu khẩu hiệu được hô vang, được viết vội trên những biểu ngữ. Và chưa bao giờ tôi nghe quốc ca Pháp, bản La Marseillaise được hát nhiều như thế trong một cuộc biểu tình. Một sự “thức tỉnh công dân”.

Một rừng khẩu hiệu đầy sáng tạo. Những cây bút chì khổng lồ, những bức vẽ biếm họa, rất nhiều nến và hoa bên cạnh chân dung các nạn nhân. Những khuôn mặt già có, trẻ có bên nhau, thân thiện.

Vincent, Thomas và nhóm bạn vừa từ République đến, và chuẩn bị đi tiếp về hướng Nation. Là học sinh lớp 12 một trường trung học ở Yveline, các bạn đã có mặt ngay hôm đầu tiên, và hôm nay tiếp tục, cả nhóm đã công kênh nhau leo lên bục cao ở tượng đài hò hét. Vincent nhận xét, không khí hôm thứ tư nặng nề hơn vì vừa mới xảy ra cái chết của 12 người vô tội. Một đoàn sáu chiếc xe cảnh sát chạy qua, cả nhóm cùng với những người biểu tình xung quanh reo hò hoan hô vang dội. Vì sao? Vincent giải thích: Cảnh sát bảo vệ chúng ta. Trước đây bọn tôi coi thường họ, bây giờ thì khác.

53 giờ khủng hoảng

Quả thật trong ba ngày từ 7 - 9.1, người dân Paris đã trải qua những giờ phút căng thẳng với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Từ phẫn nộ trước vụ thảm sát các nhà báo, đến bàng hoàng vì vụ bắn chết cảnh sát tiếp theo, rồi hồi hộp theo dõi việc truy lùng, đến các vụ bắt con tin rồi lực lượng đặc nhiệm tấn công ở hai địa điểm gần như đồng thời…

Ba ngày, 17 người chết chưa kể ba hung thủ. Một điều chưa từng thấy ở Paris. Ba ngày liên tiếp, các đài truyền hình, truyền thanh đảo lộn chương trình để tường thuật trực tiếp 24/24. Người dân thuộc đủ mọi giới, mọi lứa tuổi dán mắt vào màn hình. Các hung thủ rồi sẽ đền tội, nhưng trước đó, chúng sẽ bắt bao nhiêu người làm con tin, sát hại bao nhiêu người vô tội nữa? Mãi đến 17 giờ ngày 9.1, khi cả ba sát thủ đều đã bị diệt gọn - những tràng súng nổ ra chưa đầy một phút ở mỗi nơi, người ta mới có thể thở phào nhẹ nhõm.

Về phía cơ quan chức năng, ngoài 88.000 nhân viên cảnh sát được đặt trong tình trạng báo động, còn huy động hàng mấy trăm cảnh sát tư pháp và 23 thẩm phán, thực hiện 48 vụ nghe trộm điện thoại và 39 chương trình định vị. Lần đầu tiên tại Pháp, hai lực lượng đặc nhiệm RAID (của cảnh sát quốc gia) và GIGN (thuộc hiến binh) cùng phối hợp với nhau để tiến hành hai vụ tấn công cùng lúc.

Các hung thủ đã phạm một số sai lầm. Trước hết, anh em Kouachi để quên thẻ căn cước của Shérif trong chiếc xe hơi Clio bỏ lại ở Porte de Pantin khiến cảnh sát nhanh chóng định hướng điều tra. Chúng cũng không phát hiện ra một nhân viên của xưởng in CTD tại Dammartin-en-Goële, trốn được ở tầng trên, đã gởi tin nhắn hướng dẫn chi tiết lực lượng đặc nhiệm về địa thế. Cuối cùng, Amedy Coulibaly, kẻ bắt cóc con tin trong siêu thị Do Thái sau khi trả lời điện thoại đã để kênh máy, khiến cảnh sát nghe được hắn ta đang cầu nguyện. Sợ rằng đây là bài cầu kinh cuối cùng trước khi “tử vì đạo”, cũng như nghe được tin hai anh em Kouachi đã bị tiêu diệt vài phút trước đó, lệnh tấn công đã được đưa ra. 
Charlie và tình người

Trước khi xảy ra vụ thảm sát, Charlie Hebdo đang thua lỗ nặng nề. In 60.000 bản, chỉ bán được phân nửa, trong khi phải đạt 35.000 số mới hòa vốn. Tờ báo hoàn toàn không nhận quảng cáo cũng như tài trợ để thực sự độc lập. Cuối năm vừa rồi khi kêu gọi đóng góp, Charlie Hebdo đã nhận được vài chục ngàn euro, nhưng còn quá ít ỏi so với mong muốn là một triệu euro.

Và sự kiện bi thảm xảy ra… Tám thành viên trong ban biên tập nội dung, trong đó những họa sĩ nổi tiếng : Wollinski, Cabu, Charb, Tignous – những khuôn mặt lịch sử của tờ báo, đã bị giết chết ngay trong buổi họp tòa soạn. 

Thứ tư 14.1, một tuần sau vụ khủng bố, Charlie Hebdo lại được xuất bản. Không phải một triệu bản như loan báo lúc đầu, mà đến 3 triệu bản, bằng 16 thứ tiếng, do yêu cầu quá cao. Đây là số lượng phát hành kỷ lục trong lịch sử báo chí Pháp, sánh ngang trước đây chỉ có tờ báo thể thao L’Equipe số ngày 13.7.1998 sau khi đội tuyển bóng đá Pháp đoạt chức vô địch thế giới.
Hai mươi quốc gia mà bình thường tờ báo này không phát hành tới, đã đòi được phân phối “số báo của những người sống sót”. Tại những nước đã có bán Charlie Hebdo, tổng đài các công ty phát hành tràn ngập những cuộc gọi của các địa điểm bán báo lẻ yêu cầu tăng lượng phân phối, một số khách hàng thậm chí đã trả tiền trước. Trong số những độc giả mới muốn đặt mua báo, có cả những cái tên như Arnold Schwarzenegger.
Các công ty phát hành không lấy chi phí, nhiều chủ sạp báo không nhận tiền lời. Còn các trang web bán hàng trên mạng như Amazon, eBay, cam kết sẽ tặng cho Charlie Hebdo số tiền hoa hồng từ doanh số bán những sản phẩm như áo thun, nón kết, băng dính… mang dòng chữ “Je suis Charlie”. Một số chủ hàng cho biết hoặc không lấy lãi, hoặc tặng phân nửa tiền lời cho Hiệp hội Các nạn nhân khủng bố, cho các tổ chức báo chí…
Tôi chưa bao giờ mua Charlie Hebdo. Nhưng ít nhất là tuần này, tôi cũng sẽ như mọi người, đến sạp báo mua một tờ (dù có vẻ không dễ dàng, quầy báo nào cũng bảo đến sớm kẻo hết). Bạo lực không thể khuất phục được con người, cái Thiện phải chiến thắng cái Ác, thế kỷ 21 không thể quay lại với những man rợ của thời Trung cổ.
Pháp gấp rút truy tìm 6 nghi can
Có đến 6 thành viên ổ khủng bố đứng sau các vụ tấn công ở thủ đô Paris của Pháp có thể vẫn đang lọt lưới, theo AP.
Thông tin trên được tiết lộ giữa lúc Pháp triển khai 10.000 binh sĩ để tăng cường an ninh tại những địa điểm tôn giáo và đông người qua lại trên toàn quốc. Hiện các trường học, giáo đường Do Thái giáo và Hồi giáo cũng đã được 4.700 cảnh sát bảo vệ.    
Lan Chi
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.