Các cơ quan của Liên Hợp Quốc cho biết số trường hợp nhiễm bệnh tính tới thời điểm hiện tại là 10.141 nhưng con số thực tế có thể cao hơn rất nhiều, vì nhiều gia đình đã giữ người thân ở nhà, không đưa người bệnh đến các trung tâm điều trị.
Ba quốc gia Tây Phi Sierra Leone, Liberia và Guinea hiện là nơi có nhiều người lây nhiễm Ebola nhất, chỉ có 27 trường hợp mắc bệnh ở ngoài tâm dịch Tây Phi, theo The Guardian. Báo cáo mới nhất cho thấy có 400 trường hợp mắc bệnh mới ở Sierra Leone và Guinea nhưng không có sự thay đổi về số lượng các trường hợp tử vong ở nước bị ảnh hưởng xấu nhất, Liberia.
Nhân viên y tế kiểm tra nhiệt độ của một em bé vào Mali từ Guinea - Ảnh: Reuters |
Trước đó, các cơ quan của Liên Hợp Quốc cho hay ca nhiễm Ebola đầu tiên ở Mali, một bé gái 2 tuổi, đã chết hôm thứ Sáu 24.10, hãng NHK (Nhật) đưa tin.
WHO cho biết họ xem tình hình ở Mali là trường hợp khẩn cấp vì đứa trẻ đã có các triệu chứng mắc bệnh khi đi trên xe buýt cùng bà của mình khoảng 1.000 km, từ Guinea qua thủ đô Mali đến phía tây thị trấn Kayes, nơi cô bé được chẩn đoán mắc bệnh vào hôm thứ Năm. Điều này có nghĩa cô bé có khả năng đã truyền nhiễm bệnh sang người khác.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh Ebola càng ngày càng diễn biến phức tạp. Trong nỗ lực phòng chống Ebola, WHO cho biết, vắc-xin thử nghiệm ngừa Ebola sẽ bắt đầu đưa vào sử dụng ở Tây Phi vào tháng 12, sớm hơn một tháng so với dự định, và sẽ có hàng trăm ngàn liều vắc-xin vào giữa năm 2015.
Tuy nhiên, WHO cũng cảnh báo loại vắc-xin này không phải là phép màu hữu hiệu cho mọi trường hợp mắc bệnh, theo The Guardian. Hai loại vắc-xin đầu tiên đưa vào thử nghiệm tiên phong sẽ được sản xuất bởi công ty GlaxoSmithKline (GSK) và Johnson & Johnson.
Bà Marie Paule Kieny, trợ lý giám đốc WHO, trong cuộc họp báo về vắc xin Ebola, tại trụ sở Liên Hợp Quốc - Ảnh: Reuters |
Các nhà sản xuất cam kết rằng sẽ cung cấp số lượng lớn vắc-xin nhiều hơn chúng ta tưởng tượng. "Các công ty đã cam sẽ có hàng triệu liều vắc-xin vào năm 2015, với hàng trăm ngàn liều sẵn sàng trong nửa đầu năm nay", trợ lý giám đốc WHO tiến sĩ Marie Paule Kieny cho biết.
Đợt tiêm chủng đầu tiên sẽ dành cho các nhân viên y tế và những người có nguy cơ lây nhiễm cao, bao gồm các đội chôn cất người chết, và có khả năng sẽ chọn Liberia là nước đầu tiên thử nghiệm, sau đó là Sierra Leone.
Tại Liberia, các loại vắc-xin này sẽ được thử nghiệm chống lại giả dược - một số nhân viên y tế sẽ được tiêm vắc-xin Ebola, trong khi những người khác sẽ nhận được một loại vắc-xin bảo vệ chống lại các bệnh khác, chẳng hạn như bệnh sởi. Việc lựa chọn sẽ ngẫu nhiên, do đó cả tình nguyện viên lẫn bác sĩ đều không biết loại vắc-xin nào đã được đưa cho họ cho đến khi thử nghiệm kết thúc.
Nhiều cam kết hỗ trợ cho chiến dịch chống lại Ebola đã được đưa ra, trong đó các nhà lãnh đạo châu Âu cam kết viện trợ 1 tỷ Euro, Thủ tướng Anh David Cameron cũng cam kết viện trợ thêm 80 triệu bảng cho Sierra Leone, nâng mức đóng góp của Anh lên đến 205 triệu bảng.
Thiên Thư
>> Nữ y tá người Mỹ gốc Việt được chữa khỏi Ebola
>> Mali phát hiện ca nhiễm Ebola đầu tiên
>> Hơn 20 ca tử vong do Ebola mỗi ngày ở Sierra Leone
>> WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh Ebola
Bình luận (0)