Từ chiếc xe đặc chủng của công an, Nguyễn Toàn được dẫn giải vào hội trường Nhà văn hóa trung tâm thị xã Hương Thủy (tỉnh Thừa Thiên - Huế) nơi làm phòng xét xử lưu động. Dáng người nhỏ thó, hai tay trong chiếc còng trắng lạnh, trông Toàn càng thê thảm hơn khi bị cáo bất chợt co rúm lại vì hội trường rộng thênh đã chật kín người.
Đám đông không len vào được phòng xử án, vẫn đứng trật tự dưới những tấm vải che mưa, chờ đợi phiên tòa mở trong cơn mưa tầm tã.
Quá trình hội đồng xét xử thẩm vấn, Toàn khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình với thái độ thành khẩn. Nhưng khi chủ tọa phiên tòa hỏi: “Vì sao bị cáo giết chị H. và cháu T.?”, Toàn cúi mặt. Im lặng. Phải một lúc lâu sau, bị cáo mới lắp bắp rời rạc: “Tôi có tội với những người đã mất”.
Khi đại diện viện kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa đề nghị mức án tử hình đối với Nguyễn Toàn về tội “giết người”, bị cáo không còn chút sức lực. Các anh công an phải giữ chặt cơ thể Toàn đang run lên bần bật chỉ chực khuỵu xuống.
Thế nhưng, được chủ tọa phiên tòa cho phép nói lời thỉnh cầu sau cùng trước lúc hội đồng xét xử nghị án, Nguyễn Toàn đã không xin giảm nhẹ hình phạt mà vẫn lặp lại những lời lắp bắp, rời rạc đó: “Tôi có tội với những người đã mất”...
Hoảng loạn
Tòa tuyên án tử hình bị cáo về tội “giết người”.
Cảm tưởng rằng những hàng nước mắt câm lặng không rịn ra từ mắt mà từ nỗi sợ hãi tuyệt vọng của bị cáo.
Do có mối quan hệ họ hàng, Nguyễn Toàn, 39 tuổi, thường xuyên gặp gỡ chị H.. |
Biết tiếp xúc với người bị kết án tử hình đang bị tạm giam là rất khó, nên tôi cạy cục nhờ người quen xin giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế vào trại gặp Nguyễn Toàn. Ban đầu, ông giám thị trại định cho tôi vào gặp Toàn ngay tại buồng giam, nhưng rồi ông thay đổi ý định, chỉ định đưa Toàn đến gặp tôi tại phòng làm việc dành cho các luật sư.
Ông giải thích: “Sở dĩ tôi phải thận trọng như vậy là để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho nhà báo. Phạm nhân bị phạt mức án tử hình trạng thái tâm lý rất không ổn định. Họ có thể hành động tiêu cực vì tuyệt vọng. Đã xảy ra trường hợp có đồng chí quản giáo lãnh trọn cả chiếc bô của tử tù khi đang làm nhiệm vụ tại buồng giam”.
Tôi ngồi đợi rất lâu, nhưng rốt cuộc người quản giáo từ buồng giam của Toàn quay ra cho biết họ không thể cho tôi tiếp xúc với Toàn. Lý do: kể từ ngày tòa tuyên mức án tử hình, mặc dù anh ta có kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, đang chờ đợi tòa án xét xử phúc thẩm, lại được các quản giáo, cán bộ trại thường xuyên giáo dục, động viên, nhưng tinh thần anh ta rất suy sụp, chỉ muốn tìm đến cái chết.
Năn nỉ quản giáo mãi không xong, tôi quay trở lại phòng giám thị trại “cầu cứu”. Nhưng ông cho biết: “Sau phiên tòa sơ thẩm, tâm lý Toàn rất bi quan, tiêu cực. Nhất là sau lần vợ và người thân của anh ta vào thăm, như thể đã toại nguyện, đã dặn dò lại những điều muốn nói, Toàn càng muốn được nhanh chóng “ra đi” hơn nữa”.
Giá như được quay lại...
Xuất phát từ buổi chiều, nhưng tối mịt, sau bao nhiêu chặng dừng lại hỏi đường, tôi mới lần tìm đến được căn nhà tồi tàn của Nguyễn Toàn sâu trong ngõ.
Có vẻ vừa e ngại vừa chua xót trên nét mặt chị T.T.X., vợ Toàn, khi tôi hỏi thăm về chuyện của Toàn. Chị X. ứa nước mắt: “Sau phiên tòa sơ thẩm đến nay, tui mới đi thăm chồng một lần. Mà cũng chưa biết lúc mô mới đi lại được vì điều kiện quá khó khăn. Tui làm nghề nông và buôn bán chai bao, thu nhập nỏ có mấy. Từ hôm tòa kêu án tử hình, tui nằm kiệt quệ đến chừ không đi làm được, phải mua chịu gạo, mấy mẹ con sống qua ngày với mấy thứ rau trong vườn. Trước đây chồng tui cũng vô tù ra trại suốt vì trộm cắp... nên chẳng giúp đỡ chi tui trong việc nuôi con. Nhưng lần ni thì khác. Cứ nghĩ đến chồng, tui lại thấy đau. Giận thì giận thiệt đó nhưng vẫn thương. Dù răng đi nữa vẫn là chồng tui, là ba của ba đứa con tui, thực tế nớ không thay đổi được. Hôm trước tui lên trại thăm, nhìn nét mặt thất thần, phờ phạc của chồng, tui đau lắm mà chẳng biết nói chi. Anh Toàn cũng ngồi nhìn tui rứa thôi. Sau anh mới dặn ở lại cố gắng nuôi con”...
Chị X. không kìm được nghẹn ngào khi kể về những lời sau cùng của Toàn trong cuộc gặp hôm ấy.
Tôi kết nối lại những lời đứt quãng, lộn xộn trong tiếng nấc nghẹn của chị và “dịch” ra ý nghĩa rằng: ở trong phòng giam dành cho người bị kết án tử hình, anh ta mới cảm nhận được nỗi sợ hãi khủng khiếp trước việc phải chấm dứt cuộc sống, cũng như đi đến ân hận tận cùng vì đã gây ra tội ác không thể tha thứ.
Anh ta rất mâu thuẫn. Sợ hãi hình phạt của pháp luật nhưng cũng muốn nhanh chóng “ra đi”. Và giá như được quay lại, anh ta quyết không làm tổn hại đến ai, để được sống cuộc sống bình thường cùng vợ con.
Câu hỏi của tôi: “Lâu nay chị có qua lại thăm hỏi gia đình của những nạn nhân xấu số?” khiến chị X. bình tâm hơn: “Dạ có chớ. Hôm giỗ 50 ngày rồi 100 ngày chị H. và bé T., tui đều qua thắp nén hương. Mệ ngoại bé T. (T. sống cùng bà ngoại) ngậm ngùi lắm. Mệ nói: “Con thắp hương cho cháu là được rồi, đừng quà cáp chi mà tốn tiền, để lo cho mấy đứa”. Người thân chị H. cũng động viên tui gắng mà nuôi con. Bà con hàng xóm nhắn tui khi mô đi thăm chồng thì cho họ gửi chút quà, mang vào trại cho anh ấy. Tui nhận ân tình của bà con, nhưng không thể nhận quà của họ được, vì tui nghĩ chồng mình quá có lỗi rồi, răng có thể... Khi mô có điều kiện đi thăm chồng lần khác, tui sẽ nói với anh Toàn về lòng bao dung của bà con, về ân tình của cuộc đời này, để chồng tui được nhẹ lòng dù phải chấp hành bản án”.
Giá như được quay trở lại, anh ta quyết không làm tổn hại đến ai, để được sống cuộc sống bình thường cùng vợ con, đó là ước mong rất lương thiện.
Nhưng như vẫn thường thấy trong cuộc đời này, đến lúc ai đó đã biết nói được hai chữ “giá như” thì dường như đều đã không còn lối quay về...
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)