Sở GD-ĐT 'trần tình' về thay đổi đột ngột trong tuyển sinh vào lớp 6

21/04/2015 18:02 GMT+7

(TNO) Chiều nay (21.4) tại cuộc giao ban báo chí thường kỳ của Thành ủy Hà Nội, lãnh đạo Sở Giáo dục - Đào tạo giải thích về quyết định toàn thành phố sẽ chỉ có một hình thức tuyển sinh vào lớp 6 là xét tuyển.

(TNO) Chiều nay (21.4) tại cuộc giao ban báo chí thường kỳ của Thành ủy Hà Nội, lãnh đạo Sở Giáo dục - Đào tạo giải thích về việc toàn thành phố sẽ chỉ có một hình thức tuyển sinh  lớp 6 là xét tuyển.

cam-thi-vao- lop-6Ông Phạm Văn Đại tái khẳng định chỉ có một hình thức là xét tuyển vào lớp 6 ở Hà Nội
Trả lời câu hỏi của phóng viên Thanh Niên Online về việc tại sao lại thay đổi đột ngột trong chỉ đạo về tuyển sinh lớp 6 đối với 3 trường trước đó đã cho phép khảo sát vào lớp 6 và liệu Sở có “mở” ra cho những trường ngoài công lập một phương hướng khác ngoài việc xét tuyển học bạ để giảm bớt khó khăn, lúng túng, ông Phạm Văn Đại, Phó giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội cho biết: "Trước hết phải khẳng định toàn thành phố có đủ trường công lập để đáp ứng 100% số học sinh thành phố hoàn thành chương trình tiểu học lên THCS".
Còn giải quyết bài toán với một số ít trường có số lượng học sinh đăng ký dự tuyển đông như thế nào?, ông Đại “trần tình”: "Ngay từ tháng 3.2015 thực hiện Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo về việc chấn chỉnh dạy thêm học thêm với học sinh tiểu học, trong đó có việc cấm thi tuyển sinh vào lớp 6, chúng tôi nhận thấy đây là vấn đề mới và là vấn đề đặc thù của giáo dục thủ đô khi đang xây dựng trường chất lượng cao, chúng tôi đã có văn bản xin ý kiến Bộ về cơ chế đặc thù về tuyển sinh cho những trường chất lượng cao. Nhưng sau đó Bộ có ban hành văn bản yêu cầu tuyệt đối không thi tuyển dưới mọi hình thức để tuyển sinh vào lớp 6 với tất cả các trường THCS trên cả nước.
Sau đó chúng tôi yêu cầu các trường có số lượng dự tuyển vượt quá chỉ tiêu xây dựng đề án tuyển sinh cho trường mình. Sau khi đề án của các trường trình lên, chúng tôi đã tham khảo ý kiến của các chuyên gia, dư luận xã hội, phụ huynh học sinh và làm việc với lãnh đạo các nhà trường… để làm việc này một cách chặt chẽ, khoa học.
Qua đề án của các trường, Sở Giáo dục - Đào tạo nhận thấy có 3 trường có khả năng thí điểm khảo sát năng lực để tuyển sinh, đó là: Nguyễn Tất Thành, nơi thí điểm thực hành của sinh viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội và hai trường ngoài công lập là trường Lương Thế Vinh, Marie Curie… (những trường này đánh giá năng lực qua trò chơi trí tuệ).
Phương pháp như vậy có thể thí điểm đột phá cho ngành, thay đổi cách đánh giá đơn môn sang đa môn".
Tuy nhiên, ông Đại cho hay, để thận trọng hơn, Sở Giáo dục - Đào tạo lại tiếp tục xin ý kiến góp ý của các nhà khoa học, nhà giáo và dư luận xã hội, mong muốn của phụ huynh trước khi đưa ra quyết định. "Chúng tôi nhận được sự đồng thuận lớn vì đây là phương pháp đánh giá khá tiên tiến mà nhiều nước trên thế giới đang làm, kể cả tuyển dụng lao động cho phù hợp với vị trí việc làm.
Tuy nhiên, luồng ý kiến thứ hai cho rằng muốn đánh giá được chỉ số IQ, EQ thì phải có hệ thống chuyên nghiệp để tiến hành nghiên cứu, đánh giá ngoài nhà trường thì mới đảm bảo độ chính xác. Trong khi đó, đội ngũ chuyên gia của ta còn thiếu, hơn nữa là phương pháp còn mới quá, chưa phổ biến trong dư luận, có thể tạo áp lực mới cho học sinh thay vì học các môn truyền thống lại phải đi học để làm sao làm được bài test IQ, EQ. Vì vậy, chúng tôi quyết định năm nay chỉ thực hiện xét tuyển", ông Đại kết luận.
Tại cuộc họp báo, lãnh đạo Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội cũng chưa trả lời được câu hỏi về tiêu chí xét tuyển ra sao đối với lớp 6 Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.