“Gánh còng lưng” cho đồng nghiệp đã nghỉ việc
Ngày đồng nghiệp thân thiết của mình nghỉ việc, chị Như Gái (25 tuổi, ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cảm thấy văn phòng thật trống trải. Đáng lo hơn, nhóm của chị có đến 2 người nối tiếp nhau xin nghỉ. Điều đó khiến chị vừa buồn vừa lo lắng cho tương lai của chính mình.
“Lúc mới đi làm, tôi có chơi thân với một chị đồng nghiệp. Chị ấy giống như một người chị gái, dìu dắt tôi từ ngày đầu. Khi biết tin chị nghỉ việc để về quê lấy chồng, tôi đã cảm thấy lạc lõng, không muốn đến công ty, mất cảm hứng làm việc”, chị Gái nhớ lại.
Không những thế, trong khoảng thời gian công ty chưa tìm được người thay thế, chị Gái phải làm thêm nhiều phần việc. Vì quy trình tuyển dụng của công ty khá phức tạp nên phải hơn một tháng mới có nhân viên mới vào làm. Thậm chí, sếp còn chỉ định chị cầm trịch một dự án - điều mà từ trước đến nay chị chưa từng làm qua.
“Tôi vừa buồn vừa giận, vì chị ấy nghỉ việc mà tôi làm quần quật, tăng ca không biết bao nhiêu ngày. Những công việc mà trước đây cùng làm chung, nay tôi phải gánh hết. Nhưng tình huống ấy cũng không thể thay đổi, lúc công ty cần hỗ trợ mà mình không sẵn lòng, tôi sợ mình bị đánh giá thấp, ảnh hưởng tới con đường phát triển sắp tới”, chị Gái nói.
Mất một thời gian, công ty tuyển được người mới, công việc của chị Gái cũng nhẹ nhàng hơn. Chị bộc bạch: “Có lẽ chúng ta nên nhìn nhận bình thường về chuyện đồng nghiệp thân thiết của mình nghỉ việc. Đừng để điều đó ảnh hưởng quá nhiều đến tâm trạng cũng như năng suất làm việc của mình. Đó cũng là một kỹ năng cần được rèn luyện và phần nào thể hiện sự chuyên nghiệp của chúng ta”.
Người kế tiếp nghỉ việc là ai?
Trong trường hợp đồng nghiệp “bắt buộc” phải nghỉ việc, nhiều người cảm thấy sợ hãi, bất an nhiều hơn là buồn chán.
Vừa qua, công ty chuyên về logistics mà anh Đông Anh (23 tuổi, ở Q.Gò Vấp, TP.HCM) đang làm việc có một đợt cắt giảm nhân sự vì kinh tế khó khăn. Trong làn sóng sa thải lao động đó, có một đồng nghiệp thân thiết của anh đã phải nghỉ việc.
Anh chia sẻ: “Tôi cũng lo lắng nhiều về công việc của mình sắp tới. Từ đó đến nay, tôi hay thấp thỏm mỗi khi nhận email từ công ty. May mắn qua được đợt cắt giảm này nhưng chắc gì đợt sau sẽ êm xuôi. Bây giờ tình hình khó khăn chung, ai cũng mong có công việc ổn định. Đặc biệt với những người mới ra trường, non kinh nghiệm như tôi lại càng lo lắng”.
Anh Nguyễn Bảo Phúc (25 tuổi, ở H.Củ Chi, TP.HCM) cũng nói: “Khi không biết rõ nguyên nhân tại sao đồng nghiệp nghỉ việc, người ở lại như tôi dễ nảy sinh nhiều hoài nghi. Liệu có phải công ty đối xử tệ với nhân viên hay có mâu thuẫn, khúc mắc nội bộ nào đó? Tôi cũng tự đặt ra nhiều câu hỏi về môi trường làm việc của mình, về sếp và về công việc của mình nữa”.
Người quản lý phải ổn định được tinh thần nhân viên
Chia sẻ về vấn đề này, chị Trang (phụ trách bộ phận tuyển dụng của một công ty ở lĩnh vực bảo hiểm tại TP.HCM) cho hay, khi trong công ty có nhiều nhân viên nghỉ việc liên tục, người quản lý cũng phải quan sát, ổn định tinh thần cho những người khác.
“Để động viên, thúc đẩy tinh thần cho các nhân viên khác, tôi cũng sẵn sàng chia sẻ về tình hình công ty, lắng nghe và thấu hiểu cảm xúc của họ. Bản thân tôi cũng hiểu, khi đồng nghiệp thân thiết không còn làm chung sẽ tạo cảm giác mất mát khá lớn cho những người ở lại. Nhưng khi đi làm, trách nhiệm của chúng ta là hoàn thành tốt công việc, không nên để việc cá nhân ảnh hưởng tới kết quả chung. Không còn làm chung với nhau nhưng các bạn hoàn toàn có thể giữ liên lạc với nhau bằng nhiều cách, làm những người bạn tốt bên ngoài công ty”, chị Trang nói.
Bình luận (0)