35 phút dạy 2 nội dung
Những ai lần đầu xem qua tài liệu phân phối chương trình môn TD chắc hẳn phải ngạc nhiên tự hỏi: “Học sinh (HS) Việt Nam toàn là “thần đồng” thể thao?”. HS phải học quá nhiều thứ trong thời lượng ngắn kỷ lục. Ở bậc trung học phổ thông, một năm HS phải học 6 nội dung TDTT và 1 môn thể thao tự chọn, tất cả gói gọn trong 70 tiết học (mỗi tiết 45 phút). Đi vào chi tiết càng giật mình hơn khi quy định một tiết học giáo viên phải dạy tối thiểu 2 nội dung.
Không cần là chuyên gia về thể thao cũng dễ dàng nhận ra sự “phi thường” đến mức phi lý của chương trình TD. Thử lấy ví dụ một buổi học TD (2 tiết) ở học kỳ 2 trong “Phương án phân phối chương trình để tham khảo” dành cho lớp 11: tiết 39 và 40 tập trung vào 2 môn đá cầu và nhảy xa. Mỗi tiết giáo viên phải dạy ghép một nội dung của mỗi môn. Chỉ riêng tiết 39, HS phải ôn kỹ thuật tâng giật cầu, học kỹ thuật tâng cầu phối hợp tấn công bằng mu bàn chân, ôn phối hợp chạy đà - giậm nhảy trên không - tiếp đất cho kỹ thuật nhảy xa kiểu ưỡn thân. Tất cả trong vòng 45 phút. Việc thực hiện những kỹ thuật này không hề đơn giản. Như vậy, với 45 phút, mất tối thiểu 10 phút để khởi động, còn lại 30-35 phút cho 2 nội dung, nếu hoàn thành tốt yêu cầu thì quả là… siêu sao!
Nếu nhảy một lượt hết 1 phút thì mỗi em sẽ nhảy được... 1 lần | ||
Thầy Nguyễn Xuân Trí Nghĩa |
||
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, thầy Nguyễn Xuân Trí Nghĩa, Tổ trưởng Tổ TD trường Trung học thực hành Sài Gòn, cho biết: “Yêu cầu đặt ra là giáo dục toàn diện nên chương trình mới “đa dạng” như thế. Giáo viên dù muốn chuyên sâu cũng chỉ có thể soạn giáo án mỗi thứ một chút cho đầy đủ. HS sau bậc phổ thông biết được nhiều loại hình TDTT nhưng mỗi thứ biết… chút chút”. Như vậy, chương trình TD hiện nay rõ ràng mang tính “cưỡi máy bay xem hoa”. Các bạn trẻ khi ra trường chỉ cần “biết” về các môn thể thao là đạt yêu cầu, còn chơi được đến đâu, hạ hồi phân giải.
Về quy định “một tiết học, 2 nội dung”, thầy Nghĩa phân tích: “Thật ra, một nội dung cho một tiết học là đã rất sít sao. Chẳng hạn nếu dành trọn 45 phút cho nhảy cao với một lớp chỉ có 30 HS, sau phần ổn định đầu giờ, khởi động, nhắc sơ về kỹ thuật, còn khoảng 30 phút. Nếu nhảy một lượt hết 1 phút thì mỗi em sẽ nhảy được… 1 lần”. Trong khi đó, phần đông các lớp hiện nay đều có sĩ số trên dưới 40 HS nên việc thực hiện theo quy định lại càng nan giải hơn. Chính vì vậy, nếu không tính đến những hạn chế về cơ sở vật chất, riêng về chuyên môn, các giáo viên TD đều phải “liệu cơm gắp mắm”, chuyển đổi thời lượng và giáo án giảng dạy cho phù hợp. Như ở phần đá cầu, khi kiểm tra, rất nhiều thầy cô chỉ yêu cầu HS tâng cầu tại chỗ 10 cái để lấy điểm tối đa. Vì thế “Phương án phân phối chương trình để tham khảo” trong tài liệu của Bộ GD-ĐT chỉ mang tính… tham khảo và được áp dụng chủ yếu ở những buổi dự giờ.
Ý kiến: Rất có hại nếu thiếu giáo viên có chuyên môn Mỗi môn thể thao có những đặc thù về cách phát triển, nâng cao sức khỏe riêng. Nếu không nắm vững, giáo viên sẽ truyền đạt sai lệch, không có lợi cho sức khỏe của HS. Chẳng hạn, cách khởi động môn võ thuật sẽ khác với cách khởi động trong bóng đá, bóng chuyền... Nếu không hiểu rõ mà áp dụng như nhau thì sẽ rất có hại. Ngoài ra, mỗi môn học có phương pháp để phát triển cơ, gân... riêng. Nếu cứng nhắc áp dụng chung một phương pháp cho tất cả các môn thì càng không có lợi cho sức khỏe của người tập. Bác sĩ Diệp Nguyễn Bảo Toàn |
Kiện tướng cũng phải thi lại
Nhiều bạn trẻ giỏi thể thao đã không dám mạo hiểm tham gia vào các đội tuyển vì sợ phải “hy sinh” việc học hành. Hồi tháng 5.2010, vận động viên (VĐV) bóng bàn Trần Huy Bảo của TP.HCM sau khi đạt phong độ xuất sắc tại Đại hội TDTT toàn quốc cho biết sẽ xin không vô đội tuyển quốc gia nếu được chọn để tập trung cho bài vở ở trường ĐH. Điều này cũng dễ hiểu vì khi trở thành VĐV thi đấu cho màu cờ sắc áo của tỉnh, thành, quốc gia, đều không được hưởng bất cứ ưu tiên nào từ phía nhà trường, cho dù đó là môn TD.
Vậy mới có chuyện hy hữu một kiện tướng quốc gia phải… học và thi lại môn TD. Trịnh Lê Vân Anh, VĐV judo của TP.HCM, hiện là sinh viên năm thứ 3 khoa Ngoại ngữ, trường ĐH Nông Lâm. Với hàng loạt huy chương từ Cúp CLB toàn quốc đến các giải trẻ quốc gia, Vân Anh được phong kiện tướng quốc gia. Cuối hè 2008, sau một giải đấu, Vân Anh bị tái phát chấn thương, phải mổ đầu gối. Đầu năm học, mẹ Vân Anh đến phòng đào tạo của trường với giấy chứng nhận của bác sĩ để xin phép cho Vân Anh được miễn học môn TD nhưng được trả lời rằng chưa có văn bản quy định cụ thể, trường không thể ưu tiên. Kết quả là năm sau Vân Anh phải đăng ký học và thi… lại môn TD. Oái oăm hơn nữa, suốt 3 năm qua, Vân Anh chưa từng phải học lại, thi lại môn nào tại giảng đường, trừ… môn TD.
Như vậy, những nỗ lực trong luyện tập và trên thảm đấu của các VĐV dù được cụ thể hóa bằng huy chương, danh hiệu vẫn không đủ để thay thế cho chương trình TD “hàn lâm”. Ngoài hàng chục giờ luyện tập hằng tuần, các bạn sinh viên - VĐV lại phải học thêm TD để được “giáo dục toàn diện”, thay vì dùng thời gian quý báu đó để học tập những môn khác.
Thiếu giáo viên chuyên trách Trong 24 quận, huyện của TP.HCM chỉ một vài nơi có đội ngũ giáo viên chuyên trách ổn định như Q.1, Q.5, Q.Tân Phú... Bích Thanh |
Nguyễn Ngọc Lan Chi
Bình luận (0)