Hoàng Song Việt sinh năm 1960 tại Sài Gòn, nhà cha mẹ vẫn còn ở Q.Bình Thạnh (TP.HCM). Năm 6 tuổi, ông bị sốt bại liệt, một bên chân yếu đi. Nhưng ông rất thông minh, học giỏi, lại mê cải lương, cứ ước mơ lớn lên làm gì đó cho cải lương. Ông tham gia sinh hoạt tại CLB Đờn ca tài tử của quận, lân la học các bài bản vọng cổ cải lương, rồi được một nghệ sĩ thương mến giới thiệu ông đến Đoàn cải lương Tuổi Trẻ thương nghiệp.
Đầu thập niên 1980, các đoàn cải lương tập thể thành lập rất nhiều, đoàn lớn thì trụ tại thành phố, còn đoàn nhỏ thì lưu diễn khắp miền Nam, miền Trung, thậm chí ra cả miền Bắc. Hoàng Song Việt được sống trong hoàn cảnh rực rỡ đó, nên từ một nhân viên nhắc tuồng, chỉ một tháng sau đã được giao công tác biên tập kịch bản, tiếp theo là phụ trách luôn khâu âm thanh, và trải nghiệm hầu như rất nhiều công việc trong một đoàn hát. Nhờ vậy ông có nhiều kinh nghiệm quý giá để hình thành nên một vở cải lương. Nhưng vì sức khỏe kém nên ông không thể lưu diễn theo đoàn mãi được, phải xin nghỉ. Đúng thời gian đó, Hội Sân khấu TP.HCM mở cuộc thi sáng tác kịch bản kịch nói và cải lương, Hoàng Song Việt viết vở Sám hối gửi thi, và khi chỉ còn 10 ngày cuối cùng của cuộc thi, ông viết thêm vở Giấc mộng không tên, nào ngờ cả hai kịch bản đoạt giải và được hai đơn vị sân khấu dàn dựng luôn (Nhà hát Trần Hữu Trang và Đoàn Văn công TP.HCM), đồng thời mời ông về làm soạn giả thường trực.
Tiếp theo là hai vở cải lương đình đám đưa tên tuổi Hoàng Song Việt bật sáng. Thanh Xà - Bạch Xà được Nhà hát Hòa Bình đặt hàng, hoành tráng và hấp dẫn, cháy vé liên tục. Còn vở Duyên kiếp do Vũ Linh đặt hàng cũng trở thành vở kinh điển được nhiều thế hệ nghệ sĩ lấy đi tham dự các cuộc thi lớn. Từ đó, Hoàng Song Việt nhận được lời mời viết kịch bản và bài vọng cổ nhiều vô kể, từ các đoàn tại TP.HCM cho tới các đoàn tỉnh, những nghệ sĩ hải ngoại, những nghệ sĩ muốn ra album, các hãng băng đĩa cassette, video, truyền hình, các liên hoan, hội diễn, cuộc thi cải lương, sự kiện lễ lạc…
Có thể nói, trước năm 1975 có một thế hệ soạn giả lừng lẫy như Hà Triều, Hoa Phượng, Loan Thảo, Yên Lang, Thu An, Viễn Châu, Năm Châu, Trần Hữu Trang… Nhưng sau 1975, ngoài một số ít ỏi soạn giả như Đăng Minh, Đức Hiền, Minh Khoa… với số lượng kịch bản và độ nổi tiếng vừa phải, còn lại có lẽ chỉ Hoàng Song Việt đã "đại diện" cho cả một thế hệ, kéo dài mãi đến bây giờ, bởi sau ông vẫn chưa có bao nhiêu tác giả trẻ nổi bật.
Hoàng Song Việt đã viết khoảng 700 bài vọng cổ và gần 300 vở cải lương (vừa sáng tác, vừa chuyển thể). Các vở tiêu biểu: Sám hối, Giấc mộng không tên, Duyên kiếp, Không là cát bụi, Nước mắt thâm tình, Truyền thuyết hồ đoạt mệnh, Đứa con họ Triệu, Khát vọng vương quyền, Hoa vương tình mộng, Bến đợi, Chiếc áo thiên nga (chuyển thể)… Khi làm bầu, ông sản xuất hàng loạt vở hoành tráng như Chuyện tình Khâu Vai, Nàng Xê Đa, Truyền thuyết chàng Sa Mộc, Đêm trước ngày hoàng đạo, Cô đào hát.
Hoàng Song Việt đã dành một buổi nói chuyện rất thẳng thắn và chân tình với Thanh Niên.
Có thể nói, người ta cảm giác ông "một mình một cõi", ông có vui không?
Không. Tôi buồn là đằng khác. Bởi như vậy cải lương khó phát triển. Tôi nhớ năm 2015 Hội diễn cải lương toàn quốc, tổng kết lại tôi có 9 vở. Lý do là các đoàn tỉnh đều dựng vở của tôi mỗi năm, rồi khi có thông báo hội diễn, họ bèn đem ra trau chuốt lại rồi dự thi. Vô tình mà có đến 9 vở, nhưng tôi cũng rất ngại. Cần có một lực lượng tác giả nhiều hơn, giỏi hơn.
Nghề này có thể đào tạo được không? Ông có học trò không? Theo ông, tác giả kịch bản cần tố chất gì?
Nghề nào cũng đào tạo được mà. Nhưng riêng tôi thì không có học trò, chỉ có mấy em theo phụ tôi, rồi viết lách, tôi biên tập, hướng dẫn, các em gọi tôi là "thầy" nhưng tôi không dám nhận. Với tôi, người cầm bút trước hết phải phát xuất từ năng khiếu, sau đó đi học hoặc tìm hiểu những điều cơ bản như lịch sử, địa lý, cách xây dựng cốt truyện, học bài bản cải lương, cách sử dụng chữ nghĩa, chứ không phải bê nguyên xi lời ăn tiếng nói ngoài đời, rồi có thể chọn một phong cách của tác giả nào đó để noi theo…
Thí dụ, hồi xưa tôi học cách hành văn, cách ẩn dụ của soạn giả Hoa Phượng, học cách gieo vần điệu của soạn giả Viễn Châu, và ảnh hưởng cách đặt bài bản của soạn giả Thu An, có khi ông lấy khúc giữa bài, có khi lấy khúc đầu, khúc cuối, rồi ghép lại, chứ không đi theo thứ tự… Mà lúc đó tôi chưa biết mấy ông, chỉ biết lấy kịch bản gốc mà nghiên cứu; sau khi tôi thành nghề rồi mới tiếp cận được với những người mình ngưỡng mộ.
Nhưng chắc ông có bí quyết gì đó để sáng tác với số lượng kinh khủng như thế?
Bí quyết gì đâu. Tôi chỉ biết là hồi đó mình khỏe kinh khủng, làm việc say mê như đắm vào một thế giới kỳ ảo. Đúng thật, cải lương chính là thế giới của tôi. Tôi nhớ có lần Thoại Mỹ gọi điện hối hả: "Anh ơi, bên sản xuất báo là ngày mai em phải có đủ bài thu cho album, anh cứu em với!". Thế là tôi thức trắng đêm đó, viết một hơi 7 bài vọng cổ, sáng giao liền. Còn video hồi ấy đang trăm hoa đua nở, tôi vừa thu vở này vừa nghĩ vở kia, vừa tập vở nọ cũng vừa viết vở khác. Cái đầu mình chẻ làm ba, làm tư. Nhà tôi nghèo, mái tôn nóng bức, chỉ có duy nhất cái bàn kê phía sau, tôi ngồi viết mà kiến rớt lộp độp từ trên cao xuống đầy trang giấy. Hoặc tôi có thể viết trên xe tải lúc đang đi lưu diễn, viết bất cứ chỗ nào, lúc nào… Cảm ơn trời đất, tổ nghiệp đã cho tôi khả năng đó, chứ tôi cũng không có bí quyết gì.
Người ta thích tác phẩm của ông bởi chất văn học, lời lẽ đẹp chứ không quê mùa, sáo rỗng. Ông rèn luyện thế nào để được như vậy?
Thế hệ của tôi là thế hệ phát triển văn hóa đọc, ai cũng đọc sách rất nhiều, tự nhiên ý tứ, văn chương, thẩm mỹ nó thấm vào mình thôi.
Ông phát triển sự nghiệp đúng vào giai đoạn rực rỡ của cải lương, và kéo dài cho đến giai đoạn này là cải lương đang khó khăn, ông có suy nghĩ gì về loại hình nghệ thuật mình đang theo đuổi?
Tôi nhìn thời cuộc rất tỉnh táo. Người ta nói cải lương thế này thế kia, khán giả thế này thế kia, nhưng tôi thấy đó là tiến trình tự nhiên của tất cả các loại hình, phải có cái mới xuất hiện chứ không lẽ chỉ có cái cũ đứng hoài ở đó. Chúng ta không nên hoảng loạn, mà càng suy nghĩ bế tắc càng không làm gì được.
Khách quan mà nói, cải lương không hề mất đi, tần suất xuất hiện của nó rất cao trên tất cả phương tiện truyền thông, nền tảng công nghệ. Sân khấu trực tiếp chỉ là một phần của cải lương mà thôi. Xưa cải lương tập trung ở sân khấu, thì nay nó lan tỏa rộng khắp nhờ những phương tiện khác, như con sông cái giờ đổ nước vào rất nhiều con lạch, con mương để len lỏi vào từng mảnh đất của khán giả.
Cải lương thông minh lắm, nhanh nhạy lắm, khi gặp trở ngại thì nó tự động lách mình qua tìm một lối thoát khác. Chẳng hạn đầu thập niên 1960, phim kiếm hiệp Hồng Kông tràn vô, các đoàn cải lương phải đóng cửa rất nhiều, thì lập tức các soạn giả xoay qua viết tuồng kiếm hiệp, hương xa, đánh kiếm tóe lửa, đu bay tưng bừng, khán giả lại rần rần tới rạp. Sau năm 1985 sân khấu bắt đầu chựng lại, thì video ra đời, nghệ sĩ cải lương lại làm không hết việc. Vậy thôi.
Vấn đề bây giờ là quan tâm, điều chỉnh cho những con lạch, con mương đó đi đúng hướng, dòng nước phải xanh sạch đẹp, đừng vấy bẩn, đừng lộn xộn. Nghĩa là các nhà sản xuất, nghệ sĩ dù biểu diễn trên phương tiện nào thì cũng phải có chương trình đàng hoàng, giữ được chất cải lương.
Ông nghĩ thế nào khi đang có phong trào "làm mới" cải lương bằng cách kết hợp với loại hình này, loại hình kia?
Cải lương có đặc trưng riêng, làm mới gì thì cũng phải giữ được cái đẹp của nó, đừng sản sinh ra những quái thai, đừng biến nó thành "cái khác". Tôi chủ trương chưa cần thiết làm mới vào lúc này, mà cần "làm hay" trước đã. Bản thân tôi không cố gắng quơ quào mọi cách để gọi là đổi mới, mà tôi đang tập trung giữ gìn cái đẹp của cải lương. Tuy nhiên, trong từng vở mà tôi viết hoặc tôi cho đoàn dàn dựng cũng đều xuất hiện cái mới, chẳng hạn cách đặt bài ca, ngôn ngữ, thiết kế…
Ông nói đúng. Thí dụ, vở Cô đào hát mới phục dựng rõ ràng rất khác Cô đào hát thời trước, báo chí viết rằng hiện đại hơn, trẻ trung, sinh động hơn, mà vẫn giữ được nét đẹp truyền thống. Hoặc vở Truyền thuyết chàng Sa Mộc xem rất thú vị vì tiết tấu nhanh, câu chuyện hấp dẫn. Nhân đó nói về chuyện ông nhảy ra "làm bầu" Sân khấu Đại Việt, hình như ông không sợ cực khổ hay sao?
Tôi có máu thích làm những điều mình mơ ước, cực khổ cũng được mà. Thật ra từ năm 2004 tôi đã thành lập nhóm Thắp sáng niềm tin cho các diễn viên trẻ, trực thuộc Nhà hát Trần Hữu Trang nhưng lại tự thu tự chi, và thành lập nhóm Hội ngộ tài năng cũng mô hình xã hội hóa, nghĩa là tôi đã tập tành "làm bầu" lâu rồi. Giờ tình hình sân khấu chỉ có vài đơn vị hoạt động, mỗi năm cần vài kịch bản thôi, mà tôi viết thuê cho người ta thì phải theo ý người ta, thôi tôi tự lập sân khấu để làm cho đúng ý của mình. Tôi không có kế hoạch biểu diễn hằng tháng, mà tôi tập trung vốn liếng và tác phẩm chỉ ra mắt mỗi năm một vở, diễn vài suất thôi, nhưng phải chỉn chu, tử tế.
Đặc biệt, tôi không chỉ dựng kịch bản của mình, mà chọn cả kịch bản người khác, chẳng hạn Chuyện tình Khâu Vai của tác giả Nguyễn Thế Kỷ, chuyển thể Trọng Đài; Đêm trước ngày hoàng đạo của Võ Tử Uyên, Cô đào hát của Hoa Hạ…
Khi là tác giả thì ông chỉ hướng tới tiêu chí nghệ thuật; còn khi làm bầu, ông phải suy nghĩ đến đồng vốn bỏ ra, sự thu hút thị trường, yếu tố kinh doanh… Liệu có mâu thuẫn không?
Không mâu thuẫn, vì tôi chọn tiêu chí nghệ thuật đầu tiên. Lý trí tôi luôn bị cảm tính nghề nghiệp lôi đi, cứ thấy kịch bản hay là tôi đầu tư, thậm chí đầu tư vượt cả kế hoạch ban đầu, miễn vừa ý thì thôi. Tôi không quá tính toán, rồi đâu cũng vào đó, yên ổn.
Ông có một lực lượng nghệ sĩ rất hùng hậu cộng tác thường xuyên, như đạo diễn Hoa Hạ, Võ Minh Lâm, Quế Trân, Phượng Loan, Minh Trường, Hoàng Quốc Thanh, Tú Sương, Lê Hồng Thắm… Ông có mối tương quan rất tốt với nghệ sĩ phải không?
Tôi thấy các bạn rất nỗ lực bám nghề, chúng tôi quý trọng nhau và tựa vào nhau để cải lương sáng đèn. Đặc biệt các bạn trẻ sẵn sàng bỏ show nơi khác để giữ đúng lịch tập, lịch diễn cho tôi. Thật ra, từ hồi làm nhóm Thắp sáng niềm tin, tôi đã xây dựng cái nếp quản lý thời gian nghiêm túc rồi. Đầu tiên, tôi nắm rõ lịch đi show của các bạn, rồi mới sắp xếp lịch tập của mình, sao cho các bạn cũng giữ được show mà sống, và cũng bảo đảm được thời gian cho tôi. Đôi bên cùng nương nhau như vậy, thì khi có show đột xuất, các bạn cũng không nhận, mà tập trung vào vở. Một lý do nữa, nhiều bạn thích diễn vở dài, lâu lâu có vai thì vui lắm, kiên quyết không bỏ.
Giờ ông còn viết nhiều như trước nổi không? Cuộc sống riêng tư của ông thế nào?
Tôi vẫn có nhiều đơn đặt hàng, nhưng tôi từ chối bớt. Tôi thật lòng muốn các tác giả trẻ phát huy tay nghề. Cho nên cứ 5 lời mời thì tôi chỉ nhận một, và giới thiệu người ta đi tìm tác giả trẻ. Cuộc sống tôi giờ ổn định, sinh hoạt tôi rất đơn giản nên không chi phí nhiều, còn tiền tác quyền gửi về đều đều, đủ cho tôi bỏ ống mỗi năm dựng một vở, thôi bớt bươn chải. Hồi xưa lo cho gia đình thì mới làm nhiều, giờ anh chị em đã ra riêng hết rồi, tôi ở nhà mẹ, gọi là nhà thờ tổ, gia đình hòa thuận, cứ một hoặc hai tuần là tụ họp về nấu ăn, sum vầy. Thật sự tôi thấy hạnh phúc.
Cảm ơn anh rất nhiều.
Bình luận (0)