Như Thanh Niên đã đưa tin, ngày 29.3, UBND TP.Hạ Long (Quảng Ninh) thông báo dừng dịch vụ chèo thuyền kayak của khách du lịch trên vịnh Hạ Long từ ngày 1.4.
“Cấm” vô thời hạn
Theo UBND TP.Hạ Long, lý do dừng dịch vụ chèo thuyền kayak là vì dịch vụ này đang bị thả nổi và chưa có phương án hoạt động được phê duyệt, không được cấp phép; thu phí không theo giá niêm yết, một số doanh nghiệp (DN) có biểu hiện “chặt chém” du khách. Hoạt động này cũng chưa được quy định trong Quy hoạch chi tiết bảo tồn và phát huy giá trị di sản vịnh Hạ Long đến năm 2020. Ông Hồ Quang Huy, Phó chủ tịch UBND TP.Hạ Long, xác nhận việc dừng hoạt động dịch vụ này bắt đầu từ ngày 1.4 và không có thời hạn.
Trao đổi với PV, một lãnh đạo Ban Quản lý vịnh Hạ Long cho biết không chỉ kayak, một số dịch vụ khác như mô tô nước, ăn đêm trên vịnh cũng đã bị dừng. Theo Ban Quản lý vịnh Hạ Long, hiện có khoảng 1.500 thuyền kayak đang hoạt động, trong đó khoảng 300 chiếc được lai dắt, lắp theo tàu du lịch nghỉ đêm. Mặc dù số thuyền kayak ngày càng tăng nhưng không cơ quan nào quản lý về giá cả dịch vụ, an toàn, an ninh trật tự vì đây là dịch vụ trong gói tour nghỉ đêm, khách vãng lai hầu như không sử dụng.
Chưa thấu tình đạt lý
Ông Lê Hồng Thắng, Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh, cho rằng kayak là phương tiện thể thao, không nằm trong danh mục phương tiện thủy nội địa. Việc này thuộc trách nhiệm quản lý của UBND TP.Hạ Long. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn thì việc chèo thuyền kayak cần đúng nơi, đúng chỗ, đảm bảo an toàn.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Biên, Giám đốc Công ty TNHH Dụ Biên (P.Trần Hưng Đạo, TP.Hạ Long), cho rằng lý do để UBND TP.Hạ Long cấm dịch vụ chèo thuyền kayak trên vịnh Hạ Long là chưa thấu tình đạt lý. “Nếu lấy lý do việc kinh doanh kayak là “chặt chém” du khách thì phải xử lý cụ thể và công khai tên tuổi đơn vị “chặt chém” chứ không thể đánh đồng như vậy được”, bà Biên nói và cho biết công ty đã ký hợp đồng với hơn 10 DN lữ hành tại Hà Nội phục vụ khách châu Âu chèo thuyền kayak, nay sẽ phải hủy hợp đồng, thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Ông Nguyễn Hoàng, đại diện Handspan Travel, nói quyết định cấm dịch vụ kayak đã làm cho các DN lữ hành phải điêu đứng, khổ sở vì phải thông báo khẩn cho đối tác và khách hàng, thay đổi chương trình, đền bù hợp đồng, thay đổi website, in lại brochure... “Uy tín của DN, của ngành du lịch Hạ Long và du lịch VN cũng bị ảnh hưởng bởi các quyết định gây sốc như thế này”, ông Hoàng nói.
Trong khi đó, ông Tạ Quang Thắng, đại diện My Way Travel, đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long cho khách Mỹ thì tỏ ra tiếc nuối vì nhiều kênh truyền hình như CNN, BCC… đều ca ngợi vịnh Hạ Long là điểm chèo thuyền kayak thú vị, thân thiện môi trường mà nay lại bị cấm. “Dịch vụ giải trí trên vịnh vốn đã nghèo nàn, nay lại cấm chèo kayak thì sớm muộn khách quốc tế sẽ đến Hạ Long ít hơn”, ông Thắng nói.
Trước những phản ứng của DN, ông Trịnh Đăng Thanh, Phó giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh, hôm qua (1.4) cho biết hiện UBND TP.Hạ Long chịu trách nhiệm quản lý toàn diện về dịch vụ, phương tiện trên vịnh Hạ Long. Tuy nhiên, Sở sẽ có buổi làm việc với UBND TP.Hạ Long để rà soát lại dịch vụ chèo thuyền kayak.
Thuyền kayak du lịch dễ sử dụng
Một lãnh đạo Vụ Thể thao thành tích cao Tổng cục TDTT, phụ trách môn đua thuyền, cho biết một số địa điểm du lịch ở vùng biển tại VN thường đưa thuyền kayak vào danh mục những dịch vụ phục vụ du khách. Thuyền kayak du lịch hoàn toàn khác với loại thuyền kayak trong thi đấu thể thao (bắt buộc VĐV phải tập luyện ít nhất 3, 4 tháng mới chèo được) vì thiết kế đơn giản, lòng và đế thuyền rộng để ai cũng có thể điều khiển được. “Tất nhiên, kayak liên quan đến sông nước nên các DN phải tuân thủ một số quy định như yêu cầu khách phải mặc áo phao, quản lý số khách phù hợp với cỡ thuyền, quản lý vùng nước, có đội ngũ cứu hộ”, vị này nói.
Theo Ban Quản lý vịnh Hạ Long, đến nay chưa ghi nhận vụ tai nạn nào nghiêm trọng xảy ra đối với kayak trên vịnh. (Lan Phương)
|
Bình luận (0)