Solomon trong mắt một người Việt "thẻ xanh"

30/10/2008 22:47 GMT+7

Nói "thẻ xanh" bởi anh Lê Đình Ba hiện là người Việt duy nhất được Chính phủ Solomon cấp visa dài hạn 2 năm/lần. Đã 8 năm nay anh thường xuyên đi lại giữa VN và Solomon. Mỗi chuyến đi dài từ 3 đến 5 tháng. Nhân viên phi trường Honiara quen mặt anh đến nỗi, mỗi khi anh qua cửa khẩu, họ vỗ vai: "Welcome home!". Những câu chuyện lạ dưới đây được chúng tôi ghi lại trên nền lời kể của anh, cùng những tư liệu anh mang về VN.

Kỳ 1: Solomon xa xôi

Thanh Hòa là công ty đầu tiên khám phá ra thị trường nguyên liệu gỗ Solomon. Năm 2000, anh Lê Đình Ba đang công tác tại Lào thì được công ty gọi về để bay đến chuỗi đảo tít tận nam Thái Bình Dương này.

Lần đầu, khi đọc cái tên Ba Le Dinh, nhân viên xuất nhập cảnh ngờ ngợ anh với... trùm khủng bố Bin laden! Nghe anh giải thích, vỡ lẽ ra, họ cười xòa. Về sau, mỗi khi từ VN bước xuống phi trường thủ đô Honiara, họ chỉ lướt qua visa của anh, đón chào:

"Welcome home!".

Theo anh, người Solomon rất thân thiện và hiếu khách. Có dịp là họ nhảy, đặc biệt điệu lắc mông của các thiếu nữ mới uyển chuyển, gợi mở làm sao. Trong mắt anh Ba, người Solomon quen với sóng gió tự thiếu thời, sức chịu đựng của họ là vô song khi gắn đời mình với đảo. "Cả đời họ đầu trần chân đất. Thuyền độc mộc gắn bó họ từ khi lọt lòng đến khi chết. Họ yêu thiên nhiên và âm nhạc. Tiết tấu nằm trong máu họ trước khi biết đến cái gọi là nhạc lý. Họ cũng yêu con người và như người Việt, rất yêu hòa bình, chán ghét chiến tranh", anh nhận xét.

Năm 2000, lần đầu tiên đặt chân đến Solomon, một nhóm công nhân gỗ ở Guadalcanal hỏi anh từ đâu đến. Anh bảo họ đoán. Họ gọi tên một số nước ở châu Á nhưng chờ mãi chẳng nghe VN. Đến khi biết anh là người Việt, họ sực nhớ những điều đã nghe, đã thấy trên tivi hoặc qua những bộ phim chiến tranh. Họ nói về những căn hầm, bụi tre, địa đạo... nhất là địa đạo Củ Chi kèm nhận xét: "Cả thế giới, chỉ có VN ông đánh Mỹ". Theo anh Ba, nhìn nét mặt và nghe ngữ điệu, anh hiểu họ nói "ông" chứ không phải "mày" như những "thằng Tây" khác.

 

Một góc đảo Kolombangara nhìn từ máy bay - Ảnh: L.Đ.B

 Đa dạng về sắc dân nên Solomon có ít nhất 70 loại ngôn ngữ bản địa trong khoảng 100 thứ tiếng địa phương đang được sử dụng.  Cũng do vậy, chính phủ quy định dùng chung tiếng Anh và tiếng Pidgin, bởi nếu không như thế, biết làm sao thống nhất đảo quốc? Theo anh Ba, người Solomon nói tiếng Anh không theo ngữ pháp English. Tư duy văn phạm của họ cũng giống người Việt mình. Ví dụ khi anh hỏi: "How are you?" Họ đáp: "Me alright no more", tức tôi khỏe không gì hơn. Hoặc họ ít khi nói từ "we" mà dùng: "Me you go",  tức chúng ta đi. Từ "got them" họ đọc "ga rem" nghĩa là "có". Khi họ nói: "Me ga rem", tức tôi có. Nói "Go long Honiara", tức đi tới Honiara. Nói "Me love you", tức I love you/Anh yêu em. Quen dùng me, họ hiếm khi dùng chữ I. Anh Ba phân tích...

Tôi hỏi anh Ba về những tấm hình chụp một cô gái 21 tuổi mà cô to lớn quá! Anh cười: "Hình thể người Solomon phát triển sớm hơn người VN". Tôi thắc mắc, có phải do... yêu sớm nên tuổi thọ trung bình của người Solomon chỉ 50 tuổi? Anh Ba: "Chịu! Tôi chỉ biết ở Solomon tuổi nghỉ hưu là 50. Khi nghe nói về nhiều cụ già VN sống trên 100 tuổi, họ trợn tròn mắt, ngạc nhiên. Ngược lại, ở Solomon có những điều ở VN thường gọi là ưu việt. Trị bệnh trong 1 tuần, chỉ phải trả viện phí 27 SBD, tương đương 4 USD, miễn phí tiền thuốc, tiền giải phẫu. Nếu bệnh nặng, nằm lâu, miễn luôn viện phí. Tuy nhiên, những người dân ở đảo xa, không ít khi phải nhờ đến thầy lang. Họ giỏi về bó xương, trật đả".

Anh Ba cho biết, về giáo dục, học sinh tiểu học và trung học không phải trả học phí. Cao đẳng thì có học phí, các trường nổi tiếng nhất, theo thứ tự: Lâm nghiệp, Nông nghiệp, Cơ khí điện. Solomon chưa có trường đại học.

Theo anh Ba, ở Solomon người ta rất sợ... ma. Có lẽ do trong chiến tranh thế giới thứ hai, binh lính Nhật và Mỹ chết nhiều, tục săn đầu người cũng gieo rắc nỗi ám ảnh nhiều thế hệ, chưa kể có những ngôi làng có hàng trăm người chết đồng loạt do dịch bệnh, người ta phải bỏ đảo mà đi đến giờ không ai quay lại.

(còn tiếp)

Đặng Ngọc Khoa (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.