Mt. Shasta, một thành phố nhỏ bình yên ở phía bắc bang California, gần giáp ranh với bang Oregon, là một trong những khu nghỉ dưỡng nổi tiếng của nước Mỹ không chỉ bởi cảnh quan thiên nhiên hoang sơ hùng vĩ mà còn vì một niềm tin vào sự linh thiêng của ngọn núi Shasta.
Từ thành phố San José, thủ phủ của thung lũng Silicon, có nhiều cách để đến thành phố Mt. Shasta nhưng tôi chọn cách đi xe lửa. Xe lửa ở đây thuộc hệ thống vận chuyển Amtrak, đi từ nhà ga trung tâm tại số 65 đường Cahill, San José. Trung bình mỗi ngày chỉ có một chuyến tàu duy nhất để đi đến Mt. Shasta, khởi hành vào khoảng 21 giờ và đi gần 9 tiếng để đến nhà ga Dunsmuir. Xe lửa chạy trong màn đêm, đi chầm chậm từ trung tâm thành phố rực rỡ ánh đèn rồi khi ra đến ngoại thành, nó dần tăng tốc vút nhanh trong màn đêm hun hút. Do hệ thống xe lửa Amtrak này được chính phủ Mỹ đầu tư khá nhiều ngân sách để phát triển cơ sở hạ tầng và chất lượng dịch vụ nên khi ngồi trên một trong những toa xe Amtrak, du khách cảm thấy thoải mái với ghế ngồi rộng rãi, thậm chí có chỗ duỗi chân và lưng cho những chuyến đi xa. Cảm giác đó hệt như đang ngồi trong khoang hạng thương gia của một chiếc máy bay. Song, chỉ một số người dân địa phương lựa chọn phương tiện xe lửa để di chuyển bởi nếu đi bằng xe ô tô thì người ta chủ động giờ giấc hơn nhiều.
Sau gần 9 giờ trên xe lửa, tôi đã đến được Dunsmuir, một thành phố thuộc hạt Siskiyou nằm cách Mt. Shasta chỉ khoảng 15 phút đi xe hơi trên đường cao tốc. Thành phố này khá nhỏ với mật độ dân số thưa thớt chỉ khoảng 3.292 người (theo thống kê quốc gia vào năm 2013). Xung quanh là những căn nhà bằng gỗ, có niên đại hơn trăm năm và lưa thưa vài cửa hàng bách hóa nho nhỏ nhưng ấm cúng. Nằm ở độ cao khoảng 1.100 mét so với mực nước biển và bao phủ xung quanh bởi nhiều đồi núi và rừng cây lá kim, thành phố Mt. Shasta mang lại cho du khách bầu không khí trong lành, mát mẻ đan xen với cái se lạnh của núi rừng cao nguyên và hơn thế nữa là sự thanh bình, khác hẳn với những tấp nập, hối hả, bộn bề lo toan của những đô thị lớn. Nhà cửa ở đây không nhiều lắm, phần lớn được làm bằng gỗ và xây ở dạng nhà sàn, xung quanh thường có vườn cây trái bao bọc. Đi dạo quanh những ngôi nhà quanh phố, sẽ thấy những cây táo, cây đào, cây mận, cây dâu tằm… nặng trĩu quả trong những vườn cây quanh nhà. Thật thú vị nếu bạn xin một người chủ nhà đáng mến nào đó để được tận tay hái những trái cây chín mọng trên cây và thưởng thức ngay tại chỗ.
Thác Thấp (Lower Fall) - Ảnh: Duy Anh
|
Tôi đến thăm địa danh nổi tiếng nhất của thành phố, đó là ngọn núi Shasta linh thiêng và hùng vĩ. Núi Shasta là ngọn núi cao thứ nhì trong dãy Cascade và cao thứ năm ở bang California. Tên gọi Shasta bắt nguồn từ tiếng Karuk (một loại ngôn ngữ địa phương đến nay dường như bị lãng quên) là Úytaahkoo, có nghĩa là ngọn núi Trắng. Đây đã từng là một trong những ngọn núi lửa hoạt động mãnh liệt nhất trong lịch sử nhưng nó đã ngủ yên hàng thế kỷ qua. Và giờ đây, lúc nào trên đỉnh núi cũng phủ tuyết trắng xóa nên người thổ dân địa phương mới đặt cho nó cái tên là ngọn núi Trắng.
Núi Shasta còn được xem là ngọn núi linh thiêng và ẩn chứa huyền thoại kỳ thú. Nhà văn nổi tiếng của Mỹ Joaquin Miller từng có thời gian sống cùng những người da đỏ bản địa ở đây và đã viết nên cuốn tiểu thuyết lịch sử: “Life Amongst the Modocs: Unwritten History” (tạm dịch là “Cuộc sống của người Modoc”). Theo truyền thuyết của người Modoc, thuở xa xưa khi chưa có con người trên trái đất, Skell, chúa tể của các vị thần ngự trị trên thượng giới tự nhủ rằng: "Dù sao ở đây cũng lạnh giá quá!". Thế là ngài đào một cái lỗ trên bầu trời bằng một hòn đá và rồi đẩy băng và tuyết xuống trái đất, chất đống thành một ngọn núi cao, nơi mà ngày nay người ta gọi đó là núi Shasta. Ngọn núi cao 4.322 m so với mực nước biển là nơi thu hút rất nhiều nhà leo núi thử sức chinh phục “nóc nhà băng giá” này. Hơn thế nữa, chính vì sự linh thiêng của ngọn núi theo nhiều truyền thuyết xa xưa của người da đỏ mà hàng năm nhiều người từ những nơi khác nhau đến để cầu nguyện điều tốt lành và may mắn cho cuộc sống và gia đình của họ.
Từ thành phố Mt. Shasta, đi khoảng 32 km nữa dọc theo con đường đèo không quá khúc khuỷu sẽ đến lưng chừng núi Shasta. Từ đây không còn đường xe chạy nữa nên du khách buộc phải đi bộ khoảng một ngày mới có thể lên tới đỉnh núi. Trên đường đi, tôi thấy những hòn đá cuội lớn nhỏ được xếp thành những đường đi ngoằn ngoèo tựa như lối vào một mê cung thu nhỏ. Tôi được một người dân địa phương giải thích rằng, nếu đi theo con đường này đến được trung tâm của mê cung đá thu nhỏ đó thì có nghĩa là bạn đã rèn tính kiên nhẫn, sự chịu đựng và rũ bỏ đi những áp lực cuộc sống đang đè lên vai của mình. Ở lưng chừng núi cách mực nước biển khoảng hơn 1.800 m, du khách có thể phóng tầm nhìn vào những cánh rừng lá kim trùng trùng điệp điệp xanh ngắt chạy dọc đến tận chân trời như thể một thảm cỏ thiên nhiên bao la, hùng vĩ.
Sau khi chinh phục ngọn núi Shasta cao lớn, tôi đến một con suối được ví như nguồn nước chính cung cấp nước sạch cho toàn bộ cư dân thành phố Mt. Shasta. Theo lời kể của người dân quanh đây, nguồn nước suối là một nhánh nhỏ của con sông băng, bắt nguồn từ ngọn núi Shasta và những ngọn núi lân cận. Nước ở đây trong lành, mát mẻ và chứa rất nhiều khoáng chất tốt cho sức khỏe. Chỉ cần lấy tay vốc một ít nước rồi uống trực tiếp nước suối này, dường như du khách sẽ cảm thấy sảng khoái đến lạ. Nhiều du khách tìm đến đây cắm trại, mang theo rất nhiều bình đựng nước to nhỏ để hứng lấy nguồn nước thiên nhiên mát lạnh này.
Hành trình tiếp theo của tôi là ba ngọn thác tại công viên quốc gia McCloud. Ba thác nước này cũng là một nhánh của con sông băng tại vùng bắc California và được đặt tên theo độ cao của chúng bao gồm Lower Fall, Mid Fall và Upper Fall (tạm dịch lần lượt là thác Thấp, thác Trung và thác Cao). Nước suối ở đây trong lành, mát mẻ, dòng nước chảy không quá siết nên du khách có thể dễ dàng đi bộ xuống dòng nước lạnh cóng cả chân này. Thông thường khách du lịch đến đây sẽ đậu xe ở thác Thấp (Lower Fall) rồi sau đó đi bộ dọc theo lối mòn để đến hai con thác còn lại, vừa để tập thể dục, vừa còn là cơ hội để tản bộ ngao du giữa rừng cây cổ thụ cao to và cảm nhận nhịp sống an bình của núi rừng thiên nhiên. Để đi bộ hết ba ngọn thác này, bạn sẽ vượt qua một đoạn đường rừng núi dài hơn 6 km cả đi lẫn về. Tuy không phải là quãng đường dài nhưng vì là một lối mòn với nhiều đá to nhỏ xung quanh nên cũng là trở ngại nho nhỏ cho những ai không quen với địa hình này. Tuy nhiệt độ ngoài trời vào khoảng 23oC và nhiệt độ của dòng nước thấp hơn 20oC nhưng nhiều người trầm mình xuống dòng thác để tắm táp trong khi một số khác thì buông cần câu để thử vận may của mình. Không ít người câu được nhiều loại cá lớn nhỏ khác nhau. Xa xa là những đoàn người leo núi với trang thiết bị đầy đủ bên mình, hai tay cầm hai chiếc gậy kim loại nhỏ, men theo những vách đá, trên lưng đeo chiếc ba lô nặng trĩu, có người đem theo cả lều, cứ thế mà nối đuôi nhau vượt qua những đoạn đường đá gập ghềnh, lởm chởm và sắc nhọn.
Tuy chỉ có hai ngày lưu lại thành phố Mt.Shasta và còn nhiều điểm sơn cảnh hữu tình khác mà tôi chưa có dịp ghé thăm trong chuyến đi lần này nhưng những hình ảnh đẹp về ngọn núi cao hùng vĩ, những dòng thác nước lạnh giá nhưng hiền từ luôn trong tâm trí tôi. Tôi bắt chuyến tàu lửa về lại San José với mong muốn sẽ trở lại thành phố thanh bình này vào một ngày không xa.
Bình luận (0)