Chuyện xảy ra sau khi Thượng viện Ý không thông qua chính sách đối ngoại của chính phủ liên minh trung tả do ông Prodi đứng đầu. Điều này cũng dễ hiểu vì nhiều thành viên trong chính phủ liên minh của ông Prodi đã phản đối việc triển khai quân Ý tại Afghanistan và kế hoạch cho phép Mỹ mở rộng căn cứ quân sự tại miền bắc nước Ý.
Tổng thống Napolitano đã chấp nhận đơn từ chức của ông Prodi. Trong cuộc bỏ phiếu ngày 21/2, chính sách đối ngoại của chính phủ Prodi chỉ giành được 158 phiếu thuận, không đủ 160 số phiếu cần thiết để được chuẩn thuận. Điều này đã buộc Thủ tướng Prodi phải từ chức. Theo hiến pháp Ý, Tổng thống Napolitano phải tìm cách giải quyết tình trạng bế tắc này và tiến hành tham khảo ý kiến của lãnh đạo các chính đảng, các nghị sĩ trong Quốc hội cũng như các cựu tổng thống để sớm thành lập chính phủ mới.
Có 3 viễn cảnh có thể xảy ra. Một, nếu Tổng thống Napolitano tìm đủ sự ủng hộ cho ông Prodi trong các đảng trung tả, tổng thống có thể yêu cầu ông Prodi hoặc thành lập chính phủ mới hoặc đến Quốc hội cùng với nội các hiện tại của mình tiến hành một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm. Nếu ông Prodi giành thắng lợi, ông tiếp tục làm thủ tướng. Hai, nếu sự ủng hộ dành cho Prodi không đủ mạnh để ông có thể tiếp tục làm thủ tướng, Tổng thống Napolitano có thể yêu cầu người khác, có lẽ là Bộ trưởng Nội vụ G.Amato, thành lập chính phủ lâm thời. Cuối cùng, nếu không tìm ra ai làm thủ tướng, Tổng thống Napolitano sẽ buộc giải tán quốc hội và kêu gọi tổ chức các cuộc bầu cử sớm.
Theo giới phân tích, bất cứ chính phủ Prodi mới nào cũng sẽ rất yếu ớt và dễ tổn thương trước sự "kèn cựa" giữa các liên minh của nó. Những liên minh này thường bất đồng với nhau về mọi thứ, từ các sứ mệnh quân sự Ý ở nước ngoài cho đến các quyền tình dục đồng giới. "Thậm chí nếu có một chính phủ Prodi mới đi nữa, nó sẽ như ngàn cân treo sợi tóc và không kéo dài vì tình trạng căng thẳng lúc nào cũng có thừa", Hãng tin Reuters dẫn lời ông G.Pasquino, một giáo sư về khoa học chính trị thuộc Đại học Johns Hopkins cho biết.
Sau khi giành thắng lợi sít sao trong cuộc bầu cử Quốc hội hồi tháng 4/2006, ông Prodi, 67 tuổi, đã trải qua một "kỳ trăng mật" ngắn ngủi. Tuy nhiên, tỷ lệ ủng hộ ông đã tụt dốc nhanh khi ông tìm cách giải quyết rốt ráo kế hoạch ngân sách năm 2007 để đưa nước Ý xứng tầm với các yêu cầu của EU. Bên cạnh đó, cũng sau 9 tháng cầm quyền, chính phủ của ông Prodi luôn vấp phải nhiều mâu thuẫn về chính sách đối ngoại, chính sách quốc phòng, việc duy trì khoảng 2.000 quân Ý tại Afghanistan. Và hôm 17/2, hơn 80.000 người đã biểu tình tuần hành tại Vicenza phản đối việc mở rộng căn cứ quân sự Mỹ. Mặc dù có nhiều bất đồng trong chính phủ liên minh của Thủ tướng Prodi nhưng sự ra đi của ông cũng khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên.
Châu Yên
Bình luận (0)