Bọn tội phạm chuyên tổ chức nhập cư lậu vào châu Âu đang trở nên ngày càng chuyên nghiệp, với phương châm hành động “lợi nhuận tối đa, an toàn tối thiểu”.
Người tị nạn tại một trung tâm giam giữ ở Misrata, Libya - Ảnh: AFP
|
Sau những vụ chìm tàu nghiêm trọng làm hơn 1.000 người thiệt mạng ở Địa Trung Hải vào giữa tháng 4, Thủ tướng Ý Metteo Renzi nhận định bọn tội phạm chuyên tổ chức nhập cư lậu là “những kẻ buôn người của thế kỷ 21”. Theo ông Renzi, đối phó với tệ nạn này không đơn thuần là đảm bảo an ninh hay chống khủng bố mà để ngăn chặn tình trạng trục lợi trên mạng sống của người khác.
Địa ngục trần gian
Lời kể của các nhân chứng sống sót trong các vụ chìm tàu cho thấy bọn tội phạm không từ bất cứ thủ đoạn nào để đạt lợi nhuận. Vì khát khao cập bến “thiên đường” châu Âu, những người nhập cư lậu đã trao phó số phận của mình cho bọn chúng và phải trải qua “địa ngục trần gian”.
Hồi tháng 9.2014, kết quả điều tra của Tổ chức Di dân quốc tế (IOM) về vụ chìm tàu ở vùng biển thuộc Địa Trung Hải cách Malta hơn 480 km đã làm cả thế giới bàng hoàng: nhóm tội phạm tổ chức nhập cư lậu đã cố tình đâm chìm tàu của “khách hàng”. Con tàu chở gần 500 người, chỉ khoảng vài chục người được cứu, theo tờ Le Temps.
Tường trình của các nạn nhân sống sót được đưa về những trại tiếp nhận ở Hy Lạp và Ý hoàn toàn trùng khớp: “Khởi hành từ Ai Cập vào ngày 6.9.2014 trên một con tàu dài khoảng 15 m, chỉ trong vòng 4 ngày, bọn tội phạm - khoảng 10 tên, quốc tịch Ai Cập và Palestine, đi trên một con tàu khác - đã bắt những người nhập cư lậu đổi phương tiện vận chuyển 3 lần. Mỗi lần đổi là một con tàu nhỏ hơn và đến lần thứ 4 thì các hành khách từ chối đổi vì tàu quá bé. Bọn tội phạm đe dọa sẽ đưa tất cả quay về Ai Cập nên đã làm đoàn nhập cư lậu giận dữ. Một số người tìm cách leo qua tàu của chúng nhưng bị hất xuống biển. Sau đó, bọn tội phạm cố tình đâm tàu vào tàu của người nhập cư và đợi con tàu chìm hoàn toàn mới bỏ đi”.
Gần đây nhất, vụ tàu đánh cá chở người nhập cư trái phép đi từ Libya đến Ý, bị chìm vào rạng sáng 19.4 ở Địa Trung Hải làm hơn 800 người mất tích tiếp tục gây chấn động dư luận. Trong số 28 người được cứu có thuyền trưởng người Tunisia và thuyền phó người Syria.
Tờ Le Monde dẫn thông cáo của tòa án TP.Catania, miền nam Ý cho biết cả hai người này đã bị bắt giữ vì bị nghi ngờ liên quan đến đường dây tổ chức nhập cư trái phép. Tòa án cũng cáo buộc sau khi phát tín hiệu cấp cứu, thuyền trưởng với tay nghề kém đã không xử lý được con tàu chở quá tải, làm tàu bị chìm do đụng vào tàu hàng của Bồ Đào Nha, vốn đang tìm cách tiếp cận để hỗ trợ.
Đáng chú ý, theo những nạn nhân sống sót, bọn tội phạm phân chia vị trí tùy theo số tiền mà “khách hàng” bỏ ra, những người chi ít tiền bị khóa cửa nhốt trong hầm và đuôi tàu. Ngoài ra, các nhân chứng được cứu cho biết đã trả cho bọn tội phạm từ 730 - 7.000 USD và trước chuyến hải hành từ Libya, họ bị nhốt trong một nhà xưởng cũ ở thủ đô Tripoli. Nhiều người trong số họ đã chết vì bị đánh đập hoặc kiệt sức trong lúc bị nhốt.
Nhiều người di cư bất chấp tính mạng để vượt biển trên những chiếc thuyền mỏng manh - Ảnh: AFP
|
Con gà đẻ trứng vàng
Bất ổn chính trị, xung đột, khủng hoảng kinh tế liên tục hoành hành những năm gần đây ở châu Phi và Trung Đông đã làm bùng nổ số lượng người muốn nhập cư lậu vào châu Âu, bất chấp bị bọn tội phạm ngược đãi, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Liên Hiệp Quốc ước tính trong năm 2015, nếu không có biện pháp hiệu quả để ngăn chặn, sẽ có khoảng nửa triệu người tìm cách vượt Địa Trung Hải để nhập cư bất hợp pháp vào EU. Theo lời các nhân chứng được cứu trong nhiều năm qua, tùy theo loại tàu, vị trí chỗ trên tàu và quy mô chuyến đi (chỉ đủ vượt biển hay đảm bảo đưa đến một nước “theo yêu cầu”) mà bọn tội phạm thu từ 300 - 7.000 USD. Cứ nhân số tiền này với con số ước tính của Liên Hiệp Quốc sẽ cho ra doanh thu khổng lồ, có thể lên đến hàng tỉ USD. Tổ chức nhập cư lậu do đó đã trở thành “con gà đẻ trứng vàng”, có sức hút đối với các băng nhóm tội phạm không thua gì buôn bán ma túy.
Nhiều thập niên trước, việc đưa lậu người qua châu Âu đã có ở Bắc Phi, nhưng phần lớn chỉ là những ngư dân thỉnh thoảng kiếm thêm thu nhập bằng cách đưa một nhóm người vượt Địa Trung Hải. Nhưng đến nay, mọi thứ đã trở nên vô cùng phức tạp.
Tờ Le Figaro dẫn lời nhà nghiên cứu François Gemenne cho biết thành phần các băng nhóm chuyên tổ chức nhập cư lậu rất đa dạng, những nhóm nhỏ lẻ vẫn còn nhưng những tổ chức tội phạm quy mô lớn, hoạt động chuyên nghiệp ngày càng nhiều. Bọn chúng đến từ nhiều nước khác nhau, nhưng phần lớn là người Libya, Thổ Nhĩ Kỳ và Tunisia. Bọn tội phạm cũng sử dụng nhiều loại tàu thuyền để dễ bề qua mặt lực lượng tuần duyên như thuyền máy, tàu đánh cá… Gần đây, nhiều nhóm còn mua những tàu hàng cũ qua mạng internet để chở được nhiều người mà không cần biết những tàu này có đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn hay không.
Đặc biệt, từ khoảng 1 năm qua, lực lượng an ninh và cứu hộ của các nước ở ven Địa Trung Hải bắt đầu bị bọn chúng bắn trả khi truy đuổi. Thậm chí, có nhóm tội phạm còn táo tợn nã súng tấn công để lấy lại tàu sau khi những người nhập cư lậu đã được chuyển hết sang tàu cứu hộ. Nguyên nhân chính là do bất ổn chính trị ở Bắc Phi khiến luật pháp và an ninh đều trở nên lỏng lẻo, tạo điều kiện cho bọn chúng thu mua vũ khí và mở rộng quy mô hoạt động dễ dàng hơn.
Trả lời tờ L’Express, chuyên gia Julien Gentile của Ocriest (Cơ quan Phòng chống nhập cư lậu Pháp) cho biết để giảm nguy cơ bị truy quét tận gốc, nhiều băng nhóm tội phạm đã phối hợp hành động một cách rất bài bản, mỗi nhóm sẽ “chuyên trách” một phần của “gói nhập cư lậu” (chỗ ở, chuyến vượt biển, phương tiện di chuyển ở Bắc Phi và khi đến được EU). Với cách tổ chức như thế, cảnh sát các nước gặp rất nhiều khó khăn vì thường chỉ phát hiện được những mắt xích riêng lẻ của mạng lưới tội phạm rộng lớn.
Lợi dụng lực lượng cứu hộ
Chương trình cứu hộ tại Địa Trung Hải Mare Nostrum của chính phủ Ý trong thời gian hoạt động từ tháng 10.2013 - 12.2014 đã cứu được 200.000 người nhập cư lậu. Ngay sau khi chương trình chấm dứt, số lượng người thiệt mạng tại vùng biển này trong 4 tháng đầu năm 2015 đã lên đến 1.600 người, tăng đột biến so với cùng kỳ năm ngoái (90 người). Nguyên nhân Mare Nostrum “chết yểu” là chi phí quá cao (9 triệu euro/tháng).
Rome đã nhiều lần kêu gọi các nước EU chia sẻ gánh nặng này nhưng không thành công. Nguyên nhân chính là nhiều nước cho rằng Mare Nostrum đã bị lợi dụng. Biết tàu cứu hộ của chương trình này hoạt động rất rộng, ra khỏi lãnh hải của các nước EU nên bọn tội phạm cho giảm hẳn lượng xăng dầu dùng trong các chuyến tàu di cư lậu. Khi tàu hết nhiên liệu, lênh đênh trên biển thì đã có tàu của Mare Nostrum đến cứu.
|
Bình luận (0)