Sống giữa 'tâm dịch' Bắc Giang: 'Thời gian trôi chậm thế... chờ nhà máy mở cửa lại'

30/05/2021 11:24 GMT+7

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở Bắc Giang. Cuộc sống của người dân, nhất là các xã, huyện nơi tâm dịch bị đảo lộn. Người dân vừa tập thích nghi với hoàn cảnh này vừa lo lắng dịch bệnh kéo dài khiến khó khăn chồng chất.

Cuộc sống đảo lộn

Dịch Covid-19 đã xâm nhập vùng trọng điểm phát triển công nghiệp của tỉnh Bắc Giang với 4 khu công nghiệp (KCN): Quang Châu, Vân Trung, Đình Trám, Song Khê - Nội Hoàng, trải dài hơn 10km theo trục Quốc lộ 1A Hà Nội - Lạng Sơn. Hơn 100.000 công nhân đang làm việc và thuê trọ ở các thôn, xã thuộc 2 huyện Việt Yên, Yên Dũng và một phần TP.Bắc Giang cùng với hàng trăm ngàn cư dân địa phương đang phải chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Trưa 30.5: Thêm 56 ca Covid-19 lây nhiễm trong nước

Xã Nội Hoàng (H.Yên Dũng) nằm kẹp giữa hai KCN Song Khê - Nội Hoàng và Vân Trung. Hiện tại ở đây có khoảng 6.000 công nhân đang thuê trọ. Trước đây, ngày ngày trên những con đường trong xã người xe ồn ào, tấp nập, thì hai tuần nay cảnh tượng đã thay đổi hoàn toàn. Thôn cách ly với thôn, xã cách ly với xã, những chốt canh phòng dịch được lập trên khắp các ngả đường ra vào thôn, xã. Người dân được khuyến cáo nên ở trong nhà, chỉ ra ngoài khi có việc thực sự cần thiết. Con đường huyết mạch đi qua trung tâm xã hiện nay cũng “vắng như chùa Bà Đanh” suốt từ sáng đến tối.

Hàng quán đóng cửa, công trình xây dựng ngừng hoạt động

Ảnh: Thế Minh

Bà Dương Thị Hiền (53 tuổi ở Thôn Chiền, xã Nội Hoàng) nói: "Toàn bộ các khu chợ tập trung như: chợ Đình Nội, chợ trung tâm xã và những hàng quán không thiết yếu đã phải đóng cửa. Người dân vùng quê như chúng tôi vẫn có quen đi chợ, ra quán mua bán trực tiếp nay phải thay đổi, mua online hoặc gọi điện để họ mang hàng vào nhà".
Nhiều người cao tuổi ở vùng quê này nhiều khi gặp chút khó khăn, bỡ ngỡ, nên phải nhờ con, cháu bấm điện thoại mua giúp hàng hóa…

Những khu trọ có công nhân phải cách ly, chủ nhà đứng ra nhận giúp đồ từ các mạnh thường quân

Ảnh: Duy Phạm

Những hàng quán thiết yếu tuy vẫn được mở cửa, nhưng do không có khách đến mua trực tiếp nên cũng đành đóng cửa hoặc bán cầm chừng. “Có khách gọi cửa thì mở ra bán, xong lại đóng vào, ở trong nhà cho an toàn", chủ một quán tạp hóa khu trung tâm xã nói.
Những người làm nghề tự do cũng nghỉ việc theo yêu cầu phòng dịch. Anh Lê Văn Thùy (ở thôn Sy, xã Nội Hoàng, là lao động tự do trong nghề xây dựng) tâm sự: “Trước chẳng ai nghĩ cái vùng giáp tận chân núi Nham Biền hẻo lánh như thôn tôi sẽ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-9 ghê gớm như đợt này. Mấy tuần nay tôi cũng không thể đi làm thợ xây được nữa. Hai vợ chồng hành nghề tự do nên nếu dịch bệnh kiểu này kéo dài thì khó khăn lắm".

Nỗi niềm công nhân ở trọ

Dịch bùng phát khiến 6.000 công nhân đang trọ trên địa bàn xã Nội Hoàng dở khóc, dở cười. KCN đóng cửa từ ngày 18.5 không thể đi làm, nên chuyện lương thưởng chắc chắn bị ảnh hưởng. Đa số công nhân trên đến từ Lạng Sơn, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang... Dù có nghỉ do nhà máy đóng cửa thì họ cũng chẳng về quê được. Nhiều người trong số đó thuộc diện F2, F3 thì buộc phải ở lại trong xóm trọ, không được đi ra ngoài.
Chị Hà Thị Lan (23 tuổi, quê ở Lạng Sơn, làm công nhân KCN Vân Trung) hiện thuê trọ ở thôn Chiền, xã Nội Hoàng) cho biết: “Không được đi làm, cũng không thể đi ra ngoài nên bọn em cả ngày phải ở trong phòng trọ chục mét vuông, bức bí, nóng nực lắm. Chưa bao giờ em thấy thời gian trôi chậm như những ngày này. Chỉ mong dịch sớm được kiểm soát, nhà máy mở cửa để được đi làm trở lại".
Lan cho biết thêm, bản thân mình và nhiều bạn khác đi làm xa nhà thường dành dụm một phần tiền lương gửi về gia đình giúp bố mẹ, người thân. Nay phải nghỉ việc, tiền thuê trọ, điện nước… vẫn phải đóng. Chưa kể tiền ăn uống, sinh hoạt khác nữa, nên các công nhân thuê trọ rất khó khăn.

Công nhân ở trong nhà, cửa đóng im ỉm

Ảnh: Thanh Dương

Túi quà hỗ trợ nhỏ nhưng đầy ý nghĩa phát đến tay công nhân trọ ở Nội Hoàng

Ảnh: Chính Dương

Chị Dương Thị Thanh (chủ một khu trọ của công nhân ở Thôn Nội, xã Nội Hoàng) cho biết: "Nhà mình hiện có 11 công nhân thuê trọ, từ đầu dịch đến bây giờ xác định công nhân gặp nhiều khó khăn nên đã giảm 50% tiền thuê phòng cho họ (từ 700.000 đồng/tháng/phòng xuống còn 350.000 đồng/tháng/phòng - PV), điện nước cũng chỉ thu 20.000 - 30.000 đồng/người”. Ngoài ra nhà chị Thanh cũng đã mua thêm mì tôm, trứng để phát cho công nhân đang thuê trọ.
Mấy ngày gần đây, một số cơ quan, đoàn thể và các nhà hảo tâm cũng có vài đợt hỗ trợ hàng thiết yếu cho công nhân thuê trọ (mì tôm, rau, trứng, gạo). Của ít lòng nhiều, những món quà hỗ trợ ý nghĩa đến thật đúng lúc, phần nào san sẻ sự khó khăn mà công nhân đang gặp phải.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.