Tối 2.3, ở cố đô Huế đã xảy ra một sự kiện hy hữu: trên sông Hương tuyệt nhiên không có một suất diễn ca Huế nào được tổ chức.
Theo đó, rất nhiều đoàn khách du lịch muốn nghe ca Huế trên sông Hương đành phải ngậm ngùi tiếc nuối. Quang cảnh bến thuyền du lịch Tòa Khâm (trước Trường ĐHSP Huế) vốn trước đó hằng đêm tấp nập du khách trên bến dưới thuyền thì nay đã trở nên vô cùng yên ắng. Các chủ thuyền đã tự động ngưng phục vụ ca Huế và cho thuyền về neo đậu ở bến Phú Cát (bờ sông Hương thuộc phường Phú Cát).
Đây là cách mà giới kinh doanh thuyền du lịch (thuyền rồng) sử dụng để phản đối chủ trương chấn chỉnh hoạt động ca Huế theo tinh thần của Quyết định số 51/2011/QĐ-UBND (gọi tắt là Quyết định 51) của UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, ban hành ngày 29.12.2011 về quy chế hoạt động biểu diễn và tổ chức dịch vụ biểu diễn ca Huế trên địa bàn tỉnh (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 8.1.2012).
Theo đó, tổ chức, đơn vị, cá nhân muốn được cấp phép tổ chức biểu diễn ca Huế phải hội đủ các điều kiện: đơn vị có bộ phận chuyên trách tổ chức dịch vụ biểu diễn ca Huế; người phụ trách bộ phận chuyên trách phải có bằng tốt nghiệp chuyên ngành nghệ thuật ca Huế, ca kịch Huế hoặc nhạc công ca Huế từ trung cấp trở lên và phải có ít nhất 3 năm tham gia hoạt động dịch vụ biểu diễn ca Huế; có ít nhất 30 diễn viên, nhạc công biểu diễn ca Huế (đã được cấp giấy phép) hoạt động thường xuyên; có tư cách pháp nhân, có địa chỉ giao dịch rõ ràng, chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hoạt động liên quan đến biểu diễn và tổ chức dịch vụ biểu diễn ca Huế.
|
Với quy định đó, hiện nay chỉ Trung tâm quản lý tổ chức biểu diễn ca Huế (thuộc Sở VH-TT-DL) là đủ tư cách pháp nhân để tổ chức biểu diễn ca Huế. Các chủ thuyền nhận khách có nhu cầu phục vụ ca Huế phải hợp đồng với trung tâm này. Theo đó, mỗi sô diễn ca Huế trọn gói với giá 540.000 đồng/suất (thuyền đơn) và 680.000 đồng/suất (cho thuyền đôi), họ phải nộp 450.000 đồng (thuyền đơn) và 500.000 đồng (thuyền đôi) chi phí biểu diễn ca Huế cho trung tâm. Còn lại 90.000 đồng (thuyền đơn) và 180.000 đồng (thuyền đôi) là các chủ thuyền được hưởng. Ông Nguyễn Văn Phụ (HTX vận chuyển du lịch đường sông TP.Huế) nói: “180.000 đồng cho mỗi chuyến (thuyền đôi) nhưng trong đó, phải trừ 18.000 tiền làm lệnh xuất bến, 60.000 đồng tiền dầu, 35.000 đồng tiền bảo hiểm (cho 35 khách), trích 10% tiền hóa đơn (GTGT)... Còn chừng vài chục ngàn, chúng tôi không thể chạy được. Đói là cái chắc”.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Tấn Thưởng, Giám đốc Trung tâm quản lý tổ chức biểu diễn ca Huế, cho biết do trước đây tình hình tổ chức biểu diễn ca Huế diễn ra bát nháo, lộn xộn, tranh giành khách... trên sông Hương, khiến du khách phàn nàn, ta thán nên UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 51 để chấn chỉnh hoạt động ca Huế. Ngày 29.2, tổ liên ngành đã có cuộc họp để giải quyết nhưng vẫn chưa nhận được sự đồng thuận của các chủ thuyền. Ngay chiều 2.3, tổ liên ngành do Phó giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh (đồng thời là tổ trưởng) cũng đã có cuộc họp và đi đến kết luận, trước mắt để phục vụ nhu cầu của du khách trong mùa du lịch năm nay, trong đó có Festival Huế 2012 và Năm du lịch quốc gia Duyên hải Bắc-Trung bộ Huế 2012, tổ liên ngành sẽ kiến nghị với lãnh đạo tỉnh tạm lùi thời hạn thực hiện Quyết định 51 để có thời gian tháo gỡ. Tuy tinh thần cuộc họp đã thống nhất như vậy, nhưng các chủ thuyền vẫn bất hợp tác, tự động ngừng phục vụ.
Chấp nhận nghỉ một thời gian Nghệ sĩ Y.N trình bày: “Theo tôi biết, ngay trong nội bộ giới nghệ sĩ vẫn chưa thật sự thống nhất. Nhiều người vẫn thích cách làm cũ, tức để chủ thuyền được chủ động bán vé ca Huế. Cá nhân tôi cho rằng cách nghĩ đó chỉ có lợi trước mắt chứ không lâu dài. Tôi đồng ý với cách làm tổ chức biểu diễn ca Huế trên sông Hương cần qua Trung tâm quản lý tổ chức biểu diễn ca Huế vì như thế sẽ khiến cho ca Huế trên sông Hương trang nhã hơn, chứ như trước đây khá lộn xộn. Cá nhân tôi chấp nhận nghỉ một thời gian nếu chủ thuyền không gọi”. |
Bùi Ngọc Long - Gia Tân
Bình luận (0)