TNO

Sống khổ như phố cổ Hà Nội – Kỳ 4: 'Thà khổ mà hái ra tiền sướng thế này cũng đáng

19/07/2014 00:00 GMT+7

(iHay) Chật chội, bẩn thỉu nhưng bù lại, phố cổ lại là nơi 'hái ra tiền' cho những cư dân tại đây.

(iHay) Chật chội, bẩn thỉu và cuộc sống lúc nào cũng tù túng, chật hẹp, nhưng bù lại, phố cổ là nơi 'hái ra tiền' cho những cư dân tại đây. Chỉ cần sở hữu 1m2 đất ở phố cổ, mỗi tháng, thu nhập tạo ra cũng tính bằng tiền triệu.

>> Sống khổ như Phố cổ Hà Nội - Kỳ 3: Đất chật, người đông, nhà nào cũng lấn

 Một cửa hàng quần áo trên phố Hàng Ngang, chật hum húm nhưng mỗi tháng cũng mang lại thu nhập cả chục triệu đồng - Ảnh: Đan Hạ
Một cửa hàng quần áo trên phố Hàng Ngang, chật hum húm 2m2 nhưng mỗi tháng cũng mang lại thu nhập chục triệu đồng - Ảnh: Đan Hạ

Hiện tại, giá mỗi m2 đất tại khu vực phố cổ dao động trăm triệu đến vài trăm triệu đồng, nhưng chẳng mấy người muốn bán. “Đất ở đây là đất vàng, đất bạc, đất kim cương, có phải đất chó ị đâu mà nói bán là bán. Đất đẻ ra USD, đẻ ra tiền cả đấy”, một người bán đồ lưu niệm trên phố Cầu Gỗ thốt lên.

Cửa hàng của chị rộng chỉ 2m2, nhưng mỗi tháng cũng “đẻ” ra doanh thu lên tới hàng chục triệu đồng. “Thời buổi người khôn của khó, làm gì cho ra. Nên thà cứ ở khổ, ở chật mà hái ra tiền sướng thế này cũng đáng”, chị nói thêm.

Quanh khu vực các tuyến phố như Hàng Khay, Hàng Bông, Hàng Bạc, Hàng Bè, Mã Mây…, những cửa hàng nhỏ xinh chỉ rộng vài m2 đếm không xuể. Vài cái móc khóa, bưu thiếp, vài con chuồn chuồn gỗ… cũng thành cửa hàng. Thậm chí, các con ngõ cũng được tận dụng làm chỗ bán hàng, nào tranh, áo cờ Tổ quốc, các loại tượng gỗ, lụa…

 Ngõ Phất Lộc ở phường Hàng Buồm có mặt ngõ khá rộng là điểm thuận lợi mở hàng ăn mang về thu nhập không ít - Ảnh: Đan Hạ
Ngõ Phất Lộc ở phường Hàng Buồm có mặt ngõ khá rộng là điểm thuận lợi mở hàng ăn mang về thu nhập không ít - Ảnh: Đan Hạ

“Một chiếc đánh dấu sách mua buôn chỉ 2.000 đồng, về đây bán 2-3 USD là bình thường, gặp khách thì hét 5 USD. Một tượng sứ phụ nữ Việt Nam đội nón lá, tượng Chí Phèo - Thị Nở… nhỏ xíu mua ở làng nghề gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội) không đến 20.000 đồng, về bán 10 USD, khách Tây vẫn mua rào rào. Lãi thế, nên người ta mới có câu giàu nhà quê không bằng ngồi lê Hà Nội”, chị Nguyễn Thu Nga, bán hàng lưu niệm cho khách du lịch tại một ngõ nhỏ trên phố Hàng Khay cho biết.

 Hay đơn giản là cửa hàng đồ lưu niệm kèm bán tua du lịch hoặc bán tranh chép như thế này tại phố Cầu Gỗ, phố Lương Ngọc Quyến cũng mang lại thu nhập khá tốt cho người dân - Ảnh: Đan Hạ

Hay đơn giản là cửa hàng đồ lưu niệm kèm bán tua du lịch hoặc bán tranh chép như thế này tại phố Cầu Gỗ, phố Lương Ngọc Quyến cũng mang lại thu nhập khá tốt cho người dân - 2
Hay đơn giản là cửa hàng đồ lưu niệm kèm bán tour du lịch hoặc bán tranh chép như thế này tại phố Cầu Gỗ, phố Lương Ngọc Quyến cũng mang lại thu nhập khá tốt cho người dân - Ảnh: Ngọc Thắng

Chưa kể đến những cửa hàng lớn bán những loại đồ sang trọng, đẳng cấp khác như thời trang, túi xách hay lụa là… chỉ cần một góc nhỏ, người dân phố cổ cũng có thể kiếm được vài trăm nghìn đồng, thậm chí cả triệu đồng mỗi ngày.

 
Hiện tại, giá mỗi m2 đất tại khu vực phố cổ dao động trăm triệu đến vài trăm triệu đồng, nhưng chẳng mấy người muốn bán.

“Mấy năm nay, kinh tế khó khăn, khách du lịch ít đi, nên đồ lưu niệm giữ giá. Giá chỉ rẻ so với các năm trước thôi, còn tính ra, lãi vẫn tương đối”, Thu Hiền, nhân viên một phòng tranh treo biển tranh sáng tác trên phố Hàng Trống cho biết.

Hiền kể, chi phí thuê cửa hàng mỗi tháng khoảng hơn 30 triệu đồng, thêm tiền vốn đầu tư tranh, trả công nhân viên bán hàng, mà mỗi tháng vẫn thấy bà chủ cười tươi như hoa. “Chứng tỏ phải lãi như thế nào, chứ mà lỗ vẫn cười được mới lạ”, Hiền chia sẻ.

Hiền cũng cho hay, tranh chép (loại do thợ tranh vẽ lại) bán tại đây, không bức nào giá dưới 70 USD, thậm chí trên cả 100 USD Mỹ là chuyện bình thường. Hay có những bức chép tinh xảo, giống hệt tranh của họa sĩ nổi tiếng, vẫn bán với giá vài nghìn USD là chuyện không hiếm. “Người mua chủ yếu là du khách nước ngoài. Được giới thiệu là tranh do họa sĩ nổi tiếng vẽ, hàng càng đắt khách”, Hiền nói thêm.

 Bãi xe kiểu phố cổ Hà Nội tại ngõ 13 Hàng Khay, ven bờ hồ Gươm là kế mưu sinh cho thu nhập tốt của một gia đình 4 người trong ngõ này - Ảnh: Đan Hạ
Bãi xe kiểu phố cổ Hà Nội tại ngõ 13 Hàng Khay, ven bờ hồ Gươm là kế mưu sinh cho thu nhập tốt của một gia đình 4 người trong ngõ này - Ảnh: Đan Hạ

Những mặt hàng bình dân hơn như, bán quần áo, bán nước, quán ăn nhan nhản ở phố cổ, là dịch vụ hái ra tiền, có khi không cần cửa hàng cửa hiệu gì, chỉ dạo phố hoặc ngồi vỉa hè. Một cốc trà đá giá 5.000 đồng, một đĩa bún đậu mắm tôm lèo tèo vài con bún, dăm miếng đậu… giá 25.000 đồng… là giá chung của các dịch vụ ăn uống quanh các khu phố bờ hồ Gươm.

“Bán nước, bán bún là nghề phụ. Trông xe mới là nghề chính”, bà chủ quán nước chè ven phố Hàng Khay giao với Tràng Tiền đúc kết. Hồ Gươm là địa danh mà bất cứ ai đến Hà Nội cũng ghé qua. Do đó, dịch vụ trông giữ xe quanh khu vực này không ít. Giá trông xe phổ biến là 10.000 đồng/xe máy vào ngày thường và đội lên 20.000 – 50.000 đồng vào ngày lễ tết.

“Thật ra cũng có nhiều chi phí khác, nhưng mà, tính đi tính lại, vẫn có lãi”, chủ quán nước nói trên chia sẻ. Bà tiết lộ, “bãi gửi xe” chính là các con ngõ nhỏ rộng 1m, hơn 1m hoặc các vỉa hè. “Ngõ nhỏ, xe xếp theo hàng dọc, ken nhau, một ngõ xếp được khoảng vài chục xe, tính số lượng cũng thu được khá tiền”, bà nói thêm.

Đan Hạ

>> Sống khổ như phố cổ Hà Nội - Kỳ 2: 30 hộ dân dùng chung 2 nhà vệ sinh 'cổ
>> Sống khổ như phố cổ Hà Nội - Kỳ 1: Ráng 'nhịn' đi toilet trong... 'giờ cao điểm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.