Sống không đôi mắt: Chỉ bất tiện, không bất hạnh!

Như Lịch
Như Lịch
29/06/2019 00:00 GMT+7

Trong bóng tối đặc quánh bởi đôi mắt bị che kín, chúng tôi mò mẫm pha nước chanh. Dù trước đó đã được chỉ dẫn, nhưng nhiều người lấy nhầm muối (thay vì đường), cho ra ly nước chanh mặn chát...

“Đang sáng mắt, đột nhiên cả thế giới là màu đen, mình thấy vô cùng khó chịu! Vậy mà người mù sống suốt đời trong bóng tối, tự lo liệu sinh hoạt, học tập, làm việc, thật đáng khâm phục”. Chị Nguyễn Thị Thu Hương, Q.Tân Phú, TP.HCM bày tỏ như vậy khi tham gia buổi trải nghiệm “Bí mật từ bóng tối” do nhóm Incovi tổ chức tại công viên Hoàng Văn Thụ (TP.HCM).

Bịt mắt và... ăn uống, xài smartphone

Tuy khiếm thị nhưng tôi không mất năng lực hành vi dân sự. Tôi xoay xở làm được mọi việc trong cuộc sống của mình. Tôi nghĩ không nên phân biệt đối xử với người khiếm thị
Ca sĩ khiếm thị Hà Văn Đông
Sau khâu pha chế đồ uống là trải nghiệm ăn trong bóng tối. Thể lệ trò chơi có vẻ đơn giản: Người này đút trái cây cho người kia ăn và ngược lại. Tuy nhiên, không có đôi mắt dẫn đường, để tìm đúng miệng người khác đút thức ăn cũng lắm cảnh dở khóc dở cười.
Từ trò chơi đút ăn này, chị Thu Hương chợt liên tưởng đến những bà mẹ khiếm thị hằng ngày nấu ăn, chăm sóc con mà thấy nể phục họ.
Mỗi người dò gậy đi một mình hoặc đặt hai tay lên vai người phía trước cùng di chuyển. Không ít người đã va vào chướng ngại vật hoặc bị lạc đường. Đặc biệt, ai cũng tò mò khi được các bạn trẻ khiếm thị nhóm Incovi chỉ cách dùng điện thoại thông minh (smartphone) cùng ứng dụng bộ đọc màn hình.

Khả năng của người khiếm thị phong phú hơn chúng ta tưởng. Họ phải học cách thích nghi và phải cố gắng rất nhiều”, chị Thu Hương nhìn nhận.
Dù bất tiện là không được như người sáng mắt để nhìn người khác làm và bắt chước, nhưng buổi trải nghiệm chứng tỏ người khiếm thị vẫn hoạt động bình thường trong xã hội, vẫn làm được nhiều việc. “Chúng tôi không bất hạnh, chỉ bất tiện thôi!”, nhiều người khiếm thị khẳng định.
Ca sĩ khiếm thị Giọng hát Việt 2012 Hà Văn Đông, đồng sáng lập nhóm Incovi, chia sẻ: “Tôi rất ghét câu nói “Có tật có tài”. Nó phủ nhận gần như tất cả nỗ lực của người khiếm thị. Hoặc khi nhắc đến người khiếm thị, người ta nghĩ ngay đến đôi tai rất thính. Thật ra tai người khiếm thị cũng bình thường như những người khác. Chẳng qua mắt không nhìn thấy thì buộc phải dồn tập trung vào tai. Ngày qua ngày tập luyện, đôi tai sẽ nhạy bén hơn”.
Sống không đôi mắt: Chỉ bất tiện, không bất hạnh !

Di chuyển, ăn uống... trong bóng tối, để thấu hiểu và đồng cảm hơn với người khiếm thị

Ảnh: Như Lịch

Để cung cấp thông tin đúng và toàn diện về khả năng của người khiếm thị, cuối năm 2018, một nhóm bạn trẻ khiếm thị đã lập nên Incovi - Người khiếm thị TV (Incovitv), kênh truyền thông về người khiếm thị đầu tiên tại VN do Nguyễn Minh Hải làm trưởng nhóm.
Đến nay, nhóm đã thực hiện hơn 10 chương trình ở những trường học và công viên. Nhiều bạn trẻ và người dân có dịp bịt mắt trải nghiệm việc sử dụng smartphone, máy tính, pha nước chanh, ăn uống, trang điểm, di chuyển… trong bóng tối, nhằm góp phần xóa bỏ những rào cản, kỳ thị đối với người khiếm thị và truyền thông điệp: Người khiếm thị có thể, hãy cho họ cơ hội.

Đùa quá lố làm tổn thương người mù

Ông Nguyễn Đức Thịnh (Hội Người mù Q.11, TP.HCM) cho biết có một số người đùa quá lố làm tổn thương người mù. Ông kể có lần bạn ông đang mò mẫm bán vé số dọc đường Hồ Thị Kỷ (Q.10) thì nghe tiếng la: “Có cái mương, nhảy qua đi!”. Tưởng đang đào đường, cô này bật giò nhảy thiệt. Người ta cười rần rần, còn chị chỉ biết khóc thầm và sờ nắn tay chân mình coi bị sao không.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Hà (P.14, Q.6) kể, một lần chị đang ăn cơm, tự nhiên họ thò tay bốc cục thịt trong tô cơm để kiểm ra phản ứng của chị. Lần khác, họ lấy ghế chắn ngang lối đi coi chị biết hay không… “Bạn của tôi bán vé số, muốn băng qua đường nhưng xe đông quá nên nhờ người dắt giùm. Có mấy kẻ âm binh dẫn nó vô gốc cây định “dê” nó. Chuyện lợi dụng người mù để “dê” khá nhiều”, chị Hà kể.

Còn phân biệt đối xử

Sau khi tốt nghiệp THPT, Nguyễn Minh Hải (quê Lâm Đồng, hiện phụ trách nhóm Incovi) đăng ký ngành yêu thích là quản trị kinh doanh. Tuy nhiên, Hải liên hệ khoảng bốn trường ĐH công lập có đào tạo mảng kinh tế nhưng tất cả đều không nhận, với lý do: Không dạy người khiếm thị bao giờ nên không biết cách truyền đạt, người khiếm thị không phù hợp với ngành này… Hải cho biết nhiều người khiếm thị khác cũng gặp tình cảnh tương tự (riêng Hải may mắn hơn, sau gần một năm bị gián đoạn, anh được Trường ĐH RMIT VN tiếp nhận và tặng suất học bổng toàn phần 5 năm trị giá khoảng 100.000 USD).
Tháng 10.2017, ca sĩ khiếm thị Hà Văn Đông bất đắc dĩ trở thành tâm điểm chú ý khi anh bị phòng giao dịch của một ngân hàng từ chối mở tài khoản ATM vì “rất nhiều rủi ro cho người khiếm thị do không nhìn thấy được”. Anh từng chia sẻ với báo giới: “Tuy khiếm thị nhưng tôi không mất năng lực hành vi dân sự. Tôi xoay xở làm được mọi việc trong cuộc sống của mình. Tôi nghĩ không nên phân biệt đối xử với người khiếm thị”.
Dù sau đó với sự vào cuộc của báo chí, nhu cầu của anh Đông đã được đáp ứng nhưng anh vẫn tâm tư về việc chưa có hành lang pháp lý buộc tất cả ngân hàng phải áp dụng thống nhất, tôn trọng quyền lợi chính đáng đã được luật hóa của người khuyết tật. Theo anh, phần lớn các ngân hàng hành xử với người khiếm thị còn theo kiểu cảm tính. Thậm chí, trong cùng một ngân hàng nhưng điểm giao dịch này giải quyết, điểm khác lại không.
Mới đây, thương gia khiếm thị nổi tiếng Phạm Đức Trung Kiên (Việt kiều Mỹ, hiện ngụ tại TP.HCM) cho hay ông bị một ngân hàng lớn của VN gây khó dễ. Là khách hàng VIP, thông thường ông Kiên không cần ra ngân hàng này giao dịch. Thay vào đó, đại diện ngân hàng mang giấy tờ đến tận nơi làm việc của ông Kiên để ông ký. Thế nhưng, từ khi biết đôi mắt của ông Kiên bị đã mù (trước đây thấy mờ mờ), họ yêu cầu ông phải sang văn phòng của họ ký tại chỗ, với lý do: “Bảo đảm đó đúng chữ ký của ông. Vì ông không nhìn thấy, nên sợ có người ký giả”.
Ngoài ra, một số người khiếm thị bức xúc về việc vài hãng hàng không không những không hỗ trợ họ lên xuống máy bay mà còn bắt buộc người khiếm thị không có ai bảo hộ đi cùng phải ký vào “Giấy miễn trừ trách nhiệm”, không khiếu nại hoặc yêu cầu bồi thường mọi thiệt hại, mất mát xảy ra.

Quan niệm sai lầm phổ biến

Ca sĩ khiếm thị Hà Văn Đông, đồng sáng lập kênh Incovitv, đúc kết những quan niệm sai lầm phổ biến về người khiếm thị: vô dụng, không làm được việc gì; không thể sống một mình; đều hoàn toàn không thấy; không thể đọc sách, xem ti vi, đi xem phim hoặc chơi thể thao; không thể làm việc và tự nuôi mình; có thính giác, khứu giác, xúc giác và vị giác vượt trội.
Những điều cần nói: Hãy nói chuyện trực tiếp với người khiếm thị, không thông qua người cùng đi với họ; Hãy cung cấp thông tin về khung cảnh xung quanh, và hỏi xem họ cần biết chi tiết gì thêm không...
Những điều cần làm: Hãy hỏi người khiếm thị trước khi giúp họ, và hãy chấp nhận nếu họ từ chối sự giúp đỡ của bạn; Nếu người khiếm thị nhờ bạn dẫn đường, đừng túm, đẩy hoặc kéo họ mà hãy để họ nắm cánh tay của bạn...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.