Ở VN hầu như quán cà phê, nhà hàng, khách sạn nào cũng có wifi miễn phí, nhưng ở Cuba điều đó thật “xa xỉ”. Muốn vào mạng, người dân phải mua thẻ tại các cửa hàng của Etecsa, công ty viễn thông độc quyền, với giá 2 CUC/tiếng (1 CUC tương đương khoảng 1 USD). Sau đó, đến các nơi có khu vực wifi (thường là công viên) để sử dụng.
“Chỉ cần thấy nơi công cộng nào có nhiều người hí hoáy trên điện thoại, máy tính thì đích thị đó là khu vực wifi”, một người dân địa phương hướng dẫn.
tin liên quan
Sống ở Cuba: Xì gà Cuba - đến Tổng thống Mỹ cũng... mêNói đến Cuba mọi người đều nghĩ ngay đến... xì gà. Điều gì đã làm xì gà Cuba lừng danh như thế?
Cũng như mua vé tàu tết ở VN, mua được thẻ internet thường phải xếp hàng dài dằng dặc, chờ vài tiếng là bình thường. Thế là “nghề” xếp hàng thuê ra đời. Tại những nơi đông đúc, tập trung đông du khách, những người xếp hàng thuê đứng cả ngày và chờ người “mua chỗ”. Thay vì mất công chờ đợi, chỉ tốn 1 CUC bạn có thể nhanh chóng được việc. Âu cũng công bằng.
“Dân Cuba rất chịu khó xếp hàng nên “người mua chỗ” của tôi chủ yếu là khách du lịch. Tôi đứng đây cả ngày, bình thường có thể kiếm được 1 - 2 CUC/ngày, nếu may mắn có thể kiếm được 4 - 5 CUC”, Marco, người xếp hàng thuê tại một điểm bán thẻ internet khu phố cổ Havana, cho biết.
|
Muốn rẻ hơn, ở khu vực wifi nếu để ý sẽ thấy một số thanh niên ôm máy tính có ăng ten phát wifi. Đưa họ 1 CUC, bạn sẽ có wifi. Dĩ nhiên, với kiểu này bạn phải chấp nhận internet chậm hơn so với mua thẻ. Điều này dễ hiểu vì họ cũng phải mua thẻ internet tại cửa hàng của Etecsa hết 2 CUC nên phải phát wifi cho càng nhiều người càng tốt. Kinh doanh mà.
Cái khó ló cái khôn
Nếu thế giới có eBay hoặc Craiglist là những trang rao vặt, mua bán hàng online thì Cuba cũng có. Vào trang Cubisima.com hoặc Revolico.org, bạn có thể tìm mua mọi thứ thượng vàng hạ cám từ xe hơi giá cả trăm ngàn USD đến cái quạt cũ giá chỉ khoảng vài đồng lẻ.
Cuba hiện có 5 kênh truyền hình gồm 4 kênh nội địa và một kênh từ Venezuela. Muốn xem phim, ca nhạc, hay bất cứ gì khác người dân cũng chỉ cần đem ổ cứng hoặc USB ra tiệm chép về xem “tẹt ga” với giá 5 - 10 peso (10.000 đồng) cho dung lượng 8 Gb. Từ tháng 7. 2015, Cuba bắt đầu phát triển 35 khu vực wifi, mỗi thành phố sẽ có ít nhất một điểm. Riêng thủ đô Havana có 5 khu.
Đến cuối năm 2016, theo khảo sát thực tế của người viết, số khu vực wifi đã tăng gấp nhiều lần. Tuy nhiên, theo thống kê không chính thức, chỉ khoảng 5% người Cuba tiếp cận internet. “Không phải ai cũng được lắp đặt internet tại nhà. Một số quan chức nhà nước, bác sĩ, giáo sư, vận động viên, ca sĩ... mới được đăng ký, nhưng hầu như chỉ được xài đường truyền 128 Kbps rất chậm”, Charlie, sinh viên ĐH La Habana, cho biết.
tin liên quan
Sống ở Cuba: Tâm linh ở xứ xì gàTôi cùng Lismary đi chợ. Vừa ra đầu ngõ, cô chợt khựng lại, hoảng hốt chỉ vào xác con gà cùng lông vương vãi rồi lẩm bẩm: “Biết ngay, bị ếm bùa rồi!”.
Đường truyền ADSL nhanh hơn chỉ có người nước ngoài mới được sử dụng nhưng với giá... cực đắt. Theo biểu giá của Etecsa, tốc độ 128 kbps giá 110 USD, 3 Mbps 1.290 USD và 8 Mbps có giá là... 3.075 USD. Trong khi đó, đường truyền internet cáp quang ở VN 16 Mbps giá... 10 USD, nhanh gấp đôi mà rẻ hơn tận... 300 lần.
Vì du học sinh được quyền đăng ký internet (dù chỉ là đường truyền chậm 128 Kbps) nên một số người dân có điều kiện thường nhờ du học sinh nước ngoài đứng tên giúp. “Thường họ sẽ trả phí như biểu giá quy định cộng với tiền “thuê” người đứng tên 100 CUC/tháng”, một sinh viên tại Cuba tiết lộ.
“Có những bên đề nghị cung cấp mạng miễn phí cho chúng tôi nhưng với mục đích chuyển hóa tư tưởng của người dân. Vì thế, chúng tôi sẽ sử dụng internet theo cách của mình. Chúng tôi phải kết nối internet để giới trẻ không bị lạc hậu với thế giới nhưng cũng phải giải thích với họ nguyên nhân triển khai chậm”, cựu chính trị gia Juan Antonio Machado Ventura nói. Hiện tại, có tin Cuba đang hướng tới hợp tác với 2 công ty Trung Quốc là ZTE và Huawei. Chi phí sẽ được tính tùy vào tốc độ đường truyền, phạm vi truy cập (nội địa hay quốc tế), và lưu lượng sử dụng. “Kế hoạch này có ưu điểm là chính phủ có thể thu tiền và quản lý hoạt động truy cập của người dân”, Ten Henken, Giáo sư ĐH Baruch (Mỹ) nhận định.
Bình luận (0)